“Rất lo lắng” về quy trình lập pháp
Sáng 17/11, phát biểu tranh luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, nếu chưa ra được luật, nên giao Chính phủ “ban hành ngay” văn bản trên cơ cở các nguyên tắc mà Quốc hội thống nhất trong nghị quyết kỳ họp.
Một là tăng cường an ninh trật tự cơ sở trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó cần củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở.
Thứ hai là trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức, phát huy tốt các lực lượng hiện có ở cơ sở một cách phù hợp nhưng không tăng biên chế.
Thứ ba, không tăng chi phí, kinh phí quản lý hành chính ở Trung ương và địa phương.
Thứ tư, không tăng thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho nhân dân.
“Nếu nhanh thì thực hiện vài tháng. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nếu thấy cần thiết thì hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội ban hành vào thời điểm phù hợp”, ông Định đề nghị.
Tranh luận lại ngay sau đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) “rất lo lắng” về quy trình lập pháp.
“Với cách làm luật như hiện nay thì sẽ có tình trạng có những đạo luật bỗng dưng nhảy vào nghị trường. Quy trình này chưa cẩn trọng. Một vấn đề hệ trọng như đạo luật chúng ta bàn từ sáng tới giờ vẫn chưa đạt được sự thống nhất.
Ý kiến đại biểu Nguyễn Khắc Định vừa nói, tôi càng lo lắng hơn. Một vấn đề không chế định được bằng luật thì không nên chế định bằng nghị định”, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay.
Trên cơ sở đó, ông đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội như vừa làm với Luật Giao thông đường bộ, xem có cần thiết ban hành đạo luật này hay không? “Nếu Quốc hội không đồng tình thì chúng ta không làm nữa”, ông Vân nhấn mạnh.
“Công an chưa từng từ chối, thoái thác nhiệm vụ”
Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, nghiên cứu chỉnh lý dự án luật.
Theo Đại tướng Tô Lâm, đây là lực lượng có sẵn, kinh nghiệm các nước, lực lượng này cũng tham gia rất nhiều vụ việc như tự nguyện cấp cứu người bị thương, bị nạn trên đường.
Bộ trưởng khẳng định “Công an chưa từng từ chối, thoái thác nhiệm vụ cho lực lượng khác trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Xây dựng lực lượng này không phải để để công an lười đi hay trốn tránh trách nhiệm.
“Luật ra đời không hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Bộ trưởng dẫn dụ, như lực lượng dân phòng, nếu bố trí theo đúng luật quy định, mỗi xóm, thôn có 10 người, con số đó rất lớn, tổng cộng theo quy định của luật khoảng 2 triệu người, luật này giảm khoảng 500.000 người.
“Thực tế lực lượng dân phòng mới thành lập khoảng 20% do còn khó khăn, chưa quyết liệt, chứ đây không phải con số tự nghĩ ra được”, Bộ trưởng cho hay.