Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Luật Đặc xá (sửa đổi).
Quy định thời hạn và điều kiện đặc xá là hai nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông Hầu Văn Lý, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang, đặc xá là ân huệ dành cho người bị kết án tù, nếu chỉ giới hạn đặc xá vào dịp 2/9 thì không đảm bảo tính thời điểm cần thiết. Theo ông Lý, ngoài dịp 2/9 thì vào ngày lễ nào đó trong năm cũng có thể đặc xá, như vậy sẽ tác động to lớn với xã hội.
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Tấn Tới, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc xét đặc xá vào những ngày lễ lớn trong năm, hay trong trường hợp đặc biệt là rất phù hợp hiến pháp và tình hình thực tế. Về điều kiện đặc xá, ông Tới băn khoăn với quy định phải nộp đủ tiền mới đủ điều kiện đặc xá.
Dự luật nêu rõ, người bị phạt tù về bất kỳ tội danh gì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung như phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác thì mới được đề nghị đặc xá.
“Thực tế có người chấp hành tốt nhưng vì lý do nào đó không đền được thì không được đặc xá, không có tiền thì mãi ở tù. Điều này thể hiện sự thiếu sự công bằng, sai quan điểm của Đảng, Nhà nước”, ông Tới cho hay.
Về thời điểm, đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) lại đề nghị cân nhắc với quy định đặc xá nhiều lần trong năm. Theo ông Hồng, thời điểm đặc xá chỉ nên áp dụng 3 – 5 năm một lần, bởi nếu xét đặc xá nhiều lần trong năm sẽ không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
“Anh bị kết án tử hình, rồi trong điều kiện nào đó được xét xuống chung thân, sau đó xuống có thời hạn, rồi tiếp tục xét giảm nữa. Một người được xét giảm nhiều lần, phải cân nhắc, quan trọng nhất là tính nghiêm minh của pháp luật”, ông Hồng lưu ý.
Cũng theo ông Hồng, nếu quy định như dự thảo thì người nghèo sẽ không bao giờ thỏa mãn các điều kiện đặt ra để được đặc xá, ân huệ này chỉ dành cho người giàu thôi. Ông đề nghị phải cân nhắc, làm sao để đảm bảo sự bình đẳng.