Đặc nhiệm 'Tia chớp xanh' bất ngờ lộ diện sau vụ khủng bố London

Đơn vị chống khủng bố của đặc nhiệm không quân Anh lần đầu ra quân sau vụ lao xe, đâm dao ở London
Trực thăng triển khai đội đặc nhiệm "Tia chớp xanh" sau vụ khủng bố ở London. Ảnh: AP.

Ngay sau vụ lao xe, đâm dao ở thủ đô London, Anh tối 3/6 diễn ra khiến ít nhất 10 người chết, một chiếc trực thăng màu xanh trắng nhanh chóng đáp xuống cầu London, tham gia vào chiến dịch truy lùng các nghi phạm khủng bố, theo Telegraph.

Theo Drive, chiếc trực thăng Eurocopter Dolphin số hiệu AS365N3 này chính là phương tiện chuyên chở đội đặc nhiệm chống khủng bố tinh nhuệ "Tia chớp xanh" (Blue Thunder), trực thuộc lực lượng đặc nhiệm không quân Anh (SAS). Đây là lần ra quân công khai đầu tiên của đơn vị chống khủng bố hàng đầu nước Anh.

"Tia chớp xanh" là một đơn vị bí mật, nhiều khả năng được thành lập trước Thế vận hội 2012, tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng nó mới hình thành sau vụ khủng bố tại Paris, Pháp năm 2015. Lực lượng này được cho là bao gồm 70 lính đặc nhiệm SAS cùng với nhiều đơn vị hỗ trợ, tùy thuộc vào từng loại nhiệm vụ.

Lính "Tia chớp xanh" được tuyển chọn từ Trung đoàn SAS số 22, một trong những đơn vị đặc nhiệm nổi tiếng và giàu thành tích nhất của Anh. Chiếc trực thăng Dolphin của "Tia chớp xanh" được vận hành bởi Phi đoàn số 658 của không quân lục quân Anh, đóng tại căn cứ Credenhill gần tổng hành dinh SAS.

Đội "Tia chớp xanh" có cấu trúc chỉ huy đơn giản, chỉ chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Nội vụ Anh. Họ được chia thành nhiều nhóm tác chiến nhỏ, trực chiến tại các căn cứ không quân trên khắp nước Anh, sẵn sàng phản ứng với bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào. Biệt danh "Tia chớp xanh" được cho là lấy cảm hứng từ chiếc trực thăng Dolphin mà họ chọn làm phương tiện di chuyển để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh nhất.

Trực thăng Dolphin của "Tia chớp xanh" được trang bị khí tài liên lạc hiện đại, cho phép chúng đóng vai trò giám sát chỉ huy trên không, bên cạnh việc vận chuyển binh sĩ đặc nhiệm. Một vài chiếc còn được lắp tổ hợp trinh sát hồng ngoại (FLIR) để tăng khả năng quan sát. Trực thăng cho phép đổ quân bằng dây thừng, giúp nhóm đặc nhiệm tiếp cận những khu vực chật hẹp mà Dolphin không thể hạ cánh.

Truyền thông Anh cho rằng "Tia chớp xanh" có thể được biên chế cả trực thăng tấn công AH-64 Apache trang bị hệ thống cảm biến hiện đại cho phép họ thu thập tin tức tình báo trong môi trường đô thị. Trực thăng trinh sát vũ trang Gazelle của Phi đoàn số 658 cũng có thể được dùng cho nhiệm vụ tương tự.

Trong cuộc tấn công ngày 3/6, cảnh sát Anh đã tiêu diệt ba tên khủng bố chỉ trong vòng 8 phút, trước khi đội "Tia chớp xanh" đến hiện trường, do đó nhiệm vụ chính của họ là triển khai đội hình để săn tìm và bắt giữ những nghi phạm được cho là đã trốn thoát khỏi vòng vây của cảnh sát.

Thành phố London có nhiều đơn vị chống khủng bố thuộc cảnh sát và quân đội, bao gồm lực lượng CTSFO với chức năng như đặc nhiệm SWAT của Mỹ. Các đơn vị này có thể phối hợp với nhau để đối phó với những cuộc tấn công đồng thời.

Tuy nhiên, "Tia chớp xanh" vẫn được coi là mũi nhọn trong công tác chống khủng bố. Nếu một vụ tấn công khác xảy ra với thủ phạm được vũ trang mạnh hơn, "Tia chớp xanh" sẽ là đơn vị đầu tiên tham chiến bằng các vũ khí, khí tài hiện đại của mình.

Việc sử dụng trực thăng chở quân nhằm đáp ứng với sự thay đổi trong các vụ khủng bố trong đô thị. Những tên khủng bố ngày nay không còn bắt con tin và cố thủ mà chủ yếu thực hiện những cuộc tấn công chóng vánh, đẫm máu, khiến các chiến thuật truyền thống như bao vây, thu thập tin tình báo và thương thuyết với khủng bố không còn tác dụng.

Chờ đợi lên kế hoạch tấn công là điều không khả thi trong kịch bản chống khủng bố hiện đại. Do vậy, khả năng cơ động cực nhanh bằng trực thăng của "Tia chớp xanh" có thể rút ngắn đáng kể thời gian phản ứng, góp phần hạn chế thương vong cho dân thường.

Lực lượng Blue Thunder tham gia diễn tập. Ảnh: Twitter.

Được sinh ra từ cuộc chiến chống khủng bố khốc liệt, "Tia chớp xanh" được kỳ vọng là giải pháp đối phó hữu hiệu với chủ nghĩa khủng bố ở Anh. Họ chính là những người sẽ lao vào làn đạn khủng bố nhanh nhất có thể, dập tắt mối đe dọa một cách chóng vánh để đảm bảo an toàn cho dân thường, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway kết luận.

Theo Theo Vnexpress