Lộ trình các tuyến xe buýt không trợ giá và trợ giá trong nội đô Đà Nẵng trùng lặp nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, chen lấn nhất là vào giờ cao điểm. Trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngoài xe buýt trợ giá, hàng ngày còn có xe buýt Đà Nẵng - Tam Kỳ, Đà Nẵng - Phú Đa cùng chạy. Vào giờ tan tầm, tại các điểm dừng đón khách xe buýt trợ giá và các tuyến xe này liên tục tập vào đón khách. Tình trạng giành khách vẫn thường xảy ra.
Tại tuyến đường Ông Ích Khiêm có 6 tuyến xe buýt gồm tuyến số 1 Hội An - Đà Nẵng, số 2 Chợ Hàn- Kim Liên, số 3 Ái Nghĩa (Quảng Nam) - Đà Nẵng, số 5 Nguyễn Tất Thành - Xuân Diệu, số 6 Phú Đa- Đà Nẵng và số 11 Siêu thị Lotte - Xuân Diệu cùng hoạt động từ sáng sớm đến tối. Vì trùng lặp nên đoạn đường từ chợ Cồn đến giao lộ Ông Ích Khiêm - Nguyễn Tất Thành vốn chật chội, đông đúc xe cộ thường xuyên hỗn loạn vì xe buýt xuất hiện liên tục. Ngoài xe buýt trợ giá vào các trạm dừng đón khách, xe tuyến khác thường xuyên đón khách ngay giữa đường.
Ông Nguyễn Văn Hưng (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) than phiền: xe buýt chạy quá nhiều, liên tục bóp còi inh ỏi. “Phương tiện ngày càng nhiều, đường sá chật chội. Xe buýt cần bố trí lại cho hợp lý và khoa học, chứ để tình trạng này kéo dài là không ổn”, ông Hưng nói.
Trên tuyến xe buýt Đà Nẵng- Tam Kỳ, hầu hết xe đã cũ. Mỗi lần các xe này rồ ga khói đen bay mù trời, người đi đường “hưởng trọn”. Nội thất nhiều xe bẩn, nệm ghế rách. Vào các ngày cuối tuần khách đông, các xe luôn trong tình trạng quá tải, hành khách đứng chen chúc cả tuyến đường dài.
Vì không có điều hòa nên khách đầm đìa mồ hôi. Theo ghi nhận của phóng viên, do cạnh tranh khách với các tuyến xe buýt Đà Nẵng - Phú Đa, Đà Nẵng - Quế Sơn, các tài xế sẵn sàng tăng tốc, rồ ga, bóp còi inh ỏi để giành đường, tấp lề liên tục mỗi khi có khách. Tuyến xe này, phụ xe thu tiền của khách mà không bán vé.
Cần cân nhắc việc cấm
Do trùng lặp và gây ùn tắc giao thông, chủ trương cấm xe buýt không trợ giá vào trung tâm thành phố vừa được Đà Nẵng đưa ra, lập tức 7 đơn vị vận tải của Đà Nẵng và Quảng Nam đã có tờ trình gửi Thành ủy Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đề nghị giữ nguyên lộ trình.
Theo 7 đơn vị có phương tiện phục vụ các tuyến xe buýt liền kề không trợ giá Đà Nẵng - Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng hôm 14/2 họp về rà soát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, nhưng họ không được mời.
Trong khi Cty CP Công nghiệp Quảng An 1, đơn vị có tuyến xe buýt trợ giá lại có mặt. Các đơn vị vận tải cho rằng, chủ trương này nhằm chặn tuyến của xe không trợ giá, chỉ cho xuất phát và kết thúc ở bến xe phía Nam để “nối” tuyến cho xe có trợ giá là Quảng An 1.
Thay vì chạy vào nội thành như 20 năm nay thì các tuyến liền kề giữa Đà Nẵng và Quảng Nam chỉ được chạy đến đường Phạm Hùng, sau đó phải nhường khách lại cho Quảng An 1 chở khách vào nội thành Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT tỉnh Quảng Nam) cho biết: Riêng tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ có 120 chuyến/ngày, bình quân 10.000 lượt khách/ngày. Việc cấm tuyến này vào trung tâm thành phố sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với người dân, nên cân nhắc kỹ, cần tham khảo ý kiến của Quảng Nam.
Theo ông Toàn, xe buýt phải vào nội đô mới gọi là xe buýt. Loại hình buýt không trợ giá là chủ trương rất phù hợp và nên ủng hộ. “Cấm là quyền của Đà Nẵng, nhưng chủ trương như vây là gây khó cho doanh nghiệp hoạt động không trợ giá.
Nếu nói trùng lặp gây ùn tắc thì cần xem lại quy hoạch, sắp xếp và điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế thay vì cấm. Ngoài ra, cần xã hội hóa và yêu cầu các đơn vị vận tải cam kết nâng cao chất lượng phương tiện và cung cách phục vụ.
Nếu doanh nghiệp không làm đúng cam kết, không đầu tư, thay đổi thì lúc đó mới loại bỏ. Đà Nẵng cũng nên điều chỉnh lộ trình các tuyến xe cho khoa học”, ông Toàn nói. Cũng theo ông Toàn để đảm bảo tính khách quan và đúng quy định thì phải có ý kiến của Quảng Nam về việc này.
Ngày 29/3, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: Sở và các đơn vị liên quan của thành phố đã họp bàn về chủ trương nói trên. Sở sẽ có thông báo cụ thể về việc này trong ngày 30/3.