Sáng 20/5, thẩm tra báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức, cần được đánh giá kỹ hơn.
Nguồn lực lớn xã hội bị “chôn” vào đất
Cụ thể, đối với thị trường vàng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa - chính trị, Ủy ban Kinh tế cho rằng đã hình thành thị trường “ngầm” về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát, nhất là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp.
“Điều này có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng; tỷ giá niêm yết chính thức trong một số giai đoạn thấp hơn nhiều so với thị trường tự do; mua bán ngoại tệ phổ biến ở các tiệm vàng”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Một quan ngại nữa được Ủy ban Kinh tế nêu ra là giá căn hộ chung cư tăng đột biến, thậm chí giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm cũng tăng cao, ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở.
Phân tích, Ủy ban Kinh tế cho hay, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại thành phố Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn.
“Có ý kiến cho rằng, ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế”, ông Thanh nêu, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế hậu kiểm, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng.
Cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, theo ông Thanh, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, khiến lượng lớn nguồn lực xã hội “chôn” vào đất. “Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thậm chí về lâu dài có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng nêu trên", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.
Lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui cao hơn thành lập mới
Về phát triển doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế cho hay, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tuy nhiên lại có đến 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
“Đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, ông Thanh nêu.
Ủy ban Kinh tế cũng dẫn khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp như, nhu cầu thị trường trong nước thấp (55,1%), chi phí vận tải tăng; phòng cháy, chữa cháy còn vướng mắc.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nợ xấu và rủi ro nợ xấu tăng khiến các ngân hàng thương mại thận trọng hơn trong cho vay; nhiều doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc thu hẹp sản xuất do khó khăn thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất, kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.