Đa dạng nghề nông thôn ở xứ Lạng

TPO - Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại Lạng Sơn đã được triển khai hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên rõ rệt. Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở địa phương được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no.

Là tỉnh miền núi, biên giới với nền kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại Lạng Sơn đã được triển khai hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên rõ rệt. Ông Phạm Đức Huân – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 60%, trong đó tỷ lệ LĐNT tham gia các khóa đào tạo chiếm trên 80%. Đào tạo nghề luôn gắn với nhu cầu thực tiễn của Lạng Sơn, bởi vậy, nội dung đào tạo chủ yếu là dạy thực hành (chiếm tối thiểu 80% thời gian học). Các nghề được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng như: Trồng nấm ăn, trồng rừng kinh tế, kỹ thuật trồng và chăm sóc quả na, khoai tây, chăn nuôi gà, lợn, thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau an toàn, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện dân dụng, tin học ứng dụng…

Đồng bào các dân tộc Lạng Sơn hào hứng tham gia các lớp dạy nghề nông thôn. Ảnh: Duy Chiến

Là một đơn vị tiên phong trong công việc dạy nghề nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đã đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức đào tạo, chú trọng đến lực lượng trẻ, học sinh…mang lại hiệu quả cao. Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Để thu hút học sinh vào học, Trung tâm đã liên kết với các Trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh mở các mã ngành phù hợp cho học sinh. Trong đó, có các ngành được nhiều học sinh lựa chọn như: tiếng Trung, du lịch, nấu ăn, làm đẹp, may mặc…

Qua khảo sát sau khi tốt nghiệp, có trên 60% học sinh ra trường có việc làm phù hợp, số còn lại lựa chọn học lên tiếp các bậc học và ngành nghề khác. Trên cơ sở các ngành nghề hiện có, dự tính năm học 2023 – 2024 Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc sẽ tuyển sinh khoảng 8 lớp với 300 học sinh ở các trường THCS trên địa bàn huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Bên cạnh đa dạng lĩnh vực, ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội, các cơ sở GDNN còn linh hoạt trong tổ chức tuyển sinh.

Học sinh Trung tâm GDNN- GDTX huyện Cao Lộc thực hành chế biến món ăn. Ảnh: Duy Chiến

Học chăn nuôi gia cầm do Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc thu hút người dân tham gia. Ảnh: Duy Chiến

Được biết, trong 5 năm trở lại đây (từ năm học 2018 - 2019 đến 2022 - 2023), tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký vào học tại các trường nghề đạt trung bình khoảng 15% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS (tăng hơn 5%) so với giai đoạn trước. Có được điều đó là bởi thời gian qua nhiều trường xây dựng chương trình tuyển sinh thông qua các kênh truyền thông mạng xã hội như: zalo, facebook…; tổ chức ngày hội tuyển sinh nhằm thu hút học sinh học nghề. Qua đó, giúp học sinh có cách nhìn mới về GDNN, đáp ứng nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lạng Sơn, các cơ sở GDNN đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các doanh nghiệp, các công ty lớn trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học…Nhờ đổi mới nội dung giảng dạy dựa trên nhu cầu thực tế, hình thức đào tạo được đa dạng hóa từ tập trung đến lưu động, thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực tại tỉnh miền núi, biên giới Lạng Sơn.