Cứu hàng chục ngàn cuộn phim tư liệu quý

TP - Tại cuộc họp báo chiều 3/ 4 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thông báo đã hoàn tất việc cứu 3.000 cuộn phim nhựa (tương đương 30.000 phút phim) trong số 12.000 cuộn phim quý cần cấp cứu.
Chuyên gia Bỉ Jean – Pierre Verscheure

Trong số các bộ phim được cứu giai đoạn này, có nhiều bộ phim nhựa đã từng đoạt giải thưởng lớn trong nước và nước ngoài và có tuổi đời khá lâu như: “Chiến thắng Tây Bắc” (sản xuất năm 1954), “Điện Biên Phủ” (1954), “Giữ làng giữ nước” (1954), “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”(1960)… nhưng  có những bộ phim được sản xuất cách đây chưa lâu như  “Bướm, côn trùng cánh vảy” (2010), “Thang đá ngược ngàn” (2002), “Chị Năm Khùng” (2002), Trở lại ngư thủy (1997).

Tuy nhiên, chuyên gia nổi tiếng người Bỉ Jean – Pierre Verscheure cảnh báo: “Nếu không duy trì việc cấp cứu, chỉ 15 năm nữa, toàn bộ kho phim tư liệu sẽ hỏng hoàn toàn”.

Sự hỗ trợ kịp thời

“Nếu không duy trì việc cấp cứu, chỉ 15 năm nữa, toàn bộ kho phim tư liệu sẽ bị hỏng hoàn toàn”.

    Chuyên gia Jean - Pierre Verscheure

Năm 2016, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương bước sang tuổi 60. Với việc sản xuất các bộ phim thực hiện mục đích chính trị, trước kia mỗi năm hãng sản xuất khoảng 50 phim, gần đây là 25-30 phim. Công việc bảo quản đã được tính tới, song trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, thời tiết khắc nghiệt như Việt Nam, hàng chục ngàn cuộn phim quý đang có nguy cơ bị hỏng.

Chuyến thăm của Ngài Thủ hiến chính phủ cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp đã đem đến một sự hợp tác kịp thời. Tháng 4 năm 2013, nhân chuyến thăm chính thức tại Việt Nam, Bộ trưởng – Thủ hiến chính phủ cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, ông Rudy Demotte đã có dịp đến làm việc tại hãng phim.

Ông đã tham quan kho tư liệu của hãng và chứng kiến di sản vô giá này được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo. Ông đã quyết định tài trợ một chuyến công tác cho chuyên gia Bỉ sang khảo sát hiện trạng và đánh giá những đầu tư cần thiết cho kho tư liệu.

Chuyên gia Jean – Pierre Verscheure, người vùng Wallonie – Bruxells, nổi tiếng thế giới về bảo quản tư liệu điện ảnh đã tới làm với với Hãng phim trong vòng một tuần vào tháng 8/2013 và báo cáo của ông là cơ sở quan trọng giúp Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng dự án cải tạo nâng cấp kho tư liệu và dự án đã nhanh chóng được phê duyệt.

Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết: “ Chính tài liệu mật của ông Jean đã khiến cho dự án cứu kho tư liệu quý của chúng tôi được phê duyệt và thực hiện nhanh chóng”.

Bà Tuyết giải thích, tài liệu mật ở đây là các cảnh báo khoa học cũng như các bí quyết phục chế mà các chuyên gia Việt Nam chưa từng biết đến như máy chống dính phim, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho phòng bảo quản phim. Chẳng hạn, trước đây, như nhiệt độ bảo quản từ 21- 22 độ C, giờ phải giảm xuống 16 độ C, độ ẩm cũng phải giảm xuống.

Cận cảnh thước phim 3 năm đã hỏng

Với kinh phí phê duyệt kịp thời và sự nỗ lực lớn của đội ngũ chuyên gia, công việc cấp cứu đã được tiến hành nhanh chóng. Chỉ trong vòng 8 tháng, kinh phí cứu phim đã được cấp, trong vòng  1 năm (từ tháng 4/2014 đến tháng 4/2015), công việc cứu phim giai đoạn 1 đã hoàn tất. Bà Tuyết cho biết, chính chuyên gia Jean – Pierre Verscheure cũng phải bất ngờ trong lần trở lại lần thứ 2 này.

Ông Jean giở từng mảnh phim có đóng chân không, có hút ẩm và thốt lên: “Việt Nam đúng là anh hùng. Chỉ trong 1 năm đã có thể làm được thế này. Thật không thể tin được”.

Những việc cần làm ngay

Tới dự họp báo, chuyên gia Jean – Pierre Verscheure mang theo một mảnh phim nhựa hỏng. Ông nói: “Khi đến phòng bảo quản của hãng, tôi thấy một đoạn phim đã bị hỏng. Thật ngạc nhiên là mảnh phim đó có tuổi đời … 3 năm.  Trong khi đó,  ở Bỉ, nhiều bộ phim được bảo quản ngay trong phòng khách nhà tôi hơn 30 năm nay, chất lượng vẫn tốt”.

Ông nói vui: “Hãng phim Kodak cho biết phim của họ có thể tồn tại 40 năm, vậy mà đoạn phim kia mới 3 năm đã bị phá hủy hoàn toàn. Điều này cho thấy điều kiện  bảo quản ở Việt Nam là vô cùng khắc nghiệt.

Ông cho biết, việc hãng đã làm được là khối lượng công việc khổng lồ, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu hai năm nữa, hãng không tiếp tục duy trì, mọi nỗ lực coi như xuống sông xuống biển. Một trong những việc cần làm ngay, theo ông Jean, hãng cần có kho mới với điều kiện bảo quản khắt khe, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Phạm Thị Tuyết cho hay, từ 1997- 2007 đến nay, hãng đã được nhà nước chú ý đầu tư như  dự án 70 tỷ để xây  nhà làm việc và kho cất phim, máy quay. Tuy nhiên kinh phí để cứu phim rất lớn, chứ chưa nói đến việc phục chế phim tốn kém gấp bội mà Việt Nam chưa thể thực hiện được cũng như không dám mang ra nước ngoài phục chế vì phải bảo mật. Theo chuyên gia, để phục chế một thước phim bé tí tốn 50 đô la . Do kinh phí hạn hẹp, trước mắt hãng tập trung vào việc cứu phim.

Hiện nhà nước đã cấp kinh phí đầu tư 5 tỷ để nâng cấp tầng 5 khu nhà làm việc của hãng thành phòng bảo quản phim tiêu chuẩn. Đây chỉ là giải pháp tình thế. Trước mắt, hãng cứ tiến hành những gì có thể, sau đó tiếp tục xây dựng đề án giai đoạn 2 đề nghị nhà nước đầu tư . Bà Tuyết xác định: “Chắc chắn đây sẽ là công việc lâu dài.”