Sinh ra và lớn lên ở xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), năm 1953 ông Zơ Râm Bôi bắt đầu tham gia vào đội du kích bí mật xã A Vương, huyện Tây Giang và cũng từ đó ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Bí thư thanh niên A Vương, cho đến Phó ban Tuyên giáo huyện ủy Tây Giang.
Sau ngày hòa bình lập lại năm 1975, ông Zơ Râm Bôi được phân về làm bí thư Đảng ủy xã A Nông. Đến năm 1983, ông trở lại quê hương, giữ chức bí thư xã Sông Kôn và từ đây ông bắt đầu hành trình vận động học sinh vùng cao đến lớp.
Là Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Sông Kôn, ông vừa chủ động liên lạc với phụ huynh vừa tự mình đi bộ hàng giờ thuyết phục các em đi học lại.
Ông Zơ Râm Bôi cho biết, ngày ấy, gia đình học sinh khó khăn, không đầu tư cho các em đi học được, nhiều em đến trường mà sách vở, quần áo đều ướt.
Ông nhớ lại, hồi đó, có nhiều học sinh vì hoàn cảnh phải nghỉ học, nhất là các thôn A Ram 1, A Ram 2, Za Há, Ngật. Ông Zơ Râm Bôi nói: "Những năm 80, khi đường vào thôn vẫn chưa có, bùn đất lầy lội, muốn vào thôn bản phải đi bộ trong rừng gần 1 giờ. Con suối Jơ Ngây hồi đó mỗi lần mưa lớn là nước lụt đầu, nhưng tôi vẫn đi qua để vận động các cháu đến trường".
Lo toan nghiệp cầm súng, ông lấy vợ khá muộn, sinh con gái đầu lòng Zơ Râm Thị Nho năm 1976. Hồi ấy gia đình khó khăn, chị Nho chỉ học đến lớp 5 rồi nghỉ, đi làm cùng gia đình để nuôi các em. Nhìn con gái đầu lòng mới học lớp 5 đã phải đi làm rẫy, ông không cam lòng. Và rồi những đứa con tiếp theo, ông dặn lòng phải cho ăn học đến cùng.
Những đứa con của ông lần lượt trưởng thành, chị Zơ Râm Thị Nhiếp, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Huế, hiện làm văn phòng UBND xã Sông Kôn; Chị Zơ Râm Thị Nhíu, tốt nghiệp ĐH Nông lâm Huế, giờ đang làm địa chính xã Jơ Ngây; Anh Zơ Râm Nhước, vừa mới nhận bằng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Còn người con gái út Zơ Râm Thị Nhính đang học ĐH Kinh tế Huế.
Ông Zơ Râm Bôi chia sẻ: "Nuôi 5 đứa con, hết sắn hết gạo, nhiều lúc chẳng có gạo để ăn. Nhưng tôi biết phải cho chúng cái chữ, thì mới tìm được công việc làm, chứ làm rẫy khổ lắm, lại chẳng có bao nhiêu đồng. Nhiều lúc mùa mưa đến, cả nhà chỉ uống nước lã, ăn sắn cho qua ngày".
Vừa làm trên huyện vừa lo nương rẫy, cứ tối đến, ông lại đi từng nhà xem con cháu làng học hành làm sao. Hàng ngày ông đến thăm hỏi nhà các em đang học các cấp tiếp tục theo đuổi nghiệp học.
Sau khi về nghỉ hưu, ông làm già làng của làng Bút Nhót, mỗi lần họp làng, ông lại vận động cha mẹ đưa các em đến để nghe giảng thêm về sự nghiệp học.
Nhà chị Bnướch Thị Dứp có 2 người con, gia cảnh khó khăn, nhưng nhờ có già làng Bôi mà chị tiếp tục cho con ăn học. Em A Lăng Sương, con gái chị Dứp hiện học lớp 7, nói: "Già làng Bôi thường đến nhà thăm và dặn em chăm học, em rất thích được đi học dù khó khăn vẫn muốn đến trường". Từ năm lớp 1 -7, em Sương đều là học sinh giỏi. Anh trai cả của Sương, A Lăng Xiu, hiện học ở Đại học Quảng Nam.
Ngoài ra, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác được ông Bôi vận động đến lớp, nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm. Thôn A Ram1, xã Sông Kôn trước kia gần như là thôn tách biệt, muốn đến lớp phải đi bộ, lội bùn, băng suối. Nhưng nhờ có tấm lòng của già làng Bôi đến tận nhà vận động mà anh A Lăng Thợ hiện giờ có việc làm, thậm chí còn là người thầy giáo, anh đang là giảng viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Kon Tum.
Ông Zơ Râm Bôi và tấm bằng khen tặng.
Già làng Bôi nói:" Cứ một năm lại đến thăm tôi một lần, A Lăng Thợ là học trò có ý chí học tập, năm ấy, có nhiều học sinh vùng A Ram 1 bỏ học thì nó lại cố gắng để đến trường, dù cho ướt cả quần áo vẫn đi học".
Ông Zơ Râm Bôi đã vinh dự nhận bằng khen Gia đình hiếu học xuất sắc năm 2011 do Hội Khuyến học huyện Đông Giang trao tặng. Ông còn nhận 4 huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên ngành Giáo dục và nhiều huy chương, huân chương lao động khác…
Theo Nguyễn Trang