Cuộc đình công lớn nhất 30 năm khiến nước Anh tê liệt

TPO - Ngày 21/6, hàng chục ngàn nhân viên ngành đường sắt Anh tham gia cuộc đình công lớn nhất trong 30 năm vì mâu thuẫn về lương và việc làm. Phong trào này có thể mở rộng thành làn sóng phản đối trên khắp các ngành kinh tế trong những tháng tới.

Tấm biển thông báo về việc hạn chế dịch vụ ở nhà ga Waterloo, London, ngày 21/6. (Ảnh: Reuters)

Phong trào dự kiến bắt đầu với sự tham gia của hơn 40.000 nhân viên đường sắt, đình công trong ba ngày: 21/6, 23/6 và 25/6, khiến cả mạng lưới đường sắt tê liệt. Mạng tàu điện ngầm London dừng hoạt động vì đợt đình công này.

Trước áp lực phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các gia đình đang trải qua đợt khó khăn lớn nhất trong nhiều thập kỷ, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng phong trào đình công sẽ gây tổn thất cho các doanh nghiệp khi họ đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.

Các nghiệp đoàn nói rằng đợt đình công của nhân viên ngành đường sắt sẽ đánh dấu khởi đầu của “mùa hè bất mãn”, tiếp nối là phong trào của các giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên xử lý rác thải và cả luật sư, trong tình trạng giá nhiên liệu và thực phẩm đang đẩy lạm phát lên mức 10%.

“Phong trào của chúng tôi sẽ kéo dài đến khi nào còn cần thiết”, Mick Lynch, Tổng thư ký Hiệp hội nhân viên đường sắt, đường biển và đường bộ (RMT), hôm nay nói với báo chí.

Nền kinh tế Anh ban đầu đạt mức hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, nhưng sự kết hợp của tình trạng thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát và những vấn đề thương mại hậu Brexit đang gây ra nguy cơ suy thoái.

Chính phủ khẳng định đang hỗ trợ thêm cho hàng triệu hộ gia đình nghèo, nhưng cho rằng mức tăng lương cao hơn tỷ lệ lạm phát sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.

“Lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ có tác động lớn hơn lên túi tiền của người dân trong dài hạn, làm mất giá tiền tiết kiệm và kéo dài những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt”, ông Johnson nói.

Phong trào đình công lần này gợi nhớ lại tình trạng hồi những năm 1970, khi nước Anh đối mặt với làn sóng đình công rộng khắp, nhất là “mùa đông bất mãn” vào cuối năm 1978 và đầu 1979.

Theo Reuters