Tỷ lệ chậm chuyến cao nhất còn 31,9%
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hàng không, trong tháng 7, các hãng đã thực hiện 15.844 chuyến bay, trong đó số chuyến bay bị chậm là 3.276 chuyến, chiếm tỷ lệ 20,7%. Số chuyến bay bị hủy là 182 với tỷ lệ 1,1%. Tổng tỷ lệ chậm hủy chuyến là 22,1%. Trong khi, bình quân chậm hủy chuyến của 7 tháng đầu năm là 23,9%. Tỷ lệ chung về chậm hủy chuyến của toàn ngành Hàng không trong tháng 7 đã tương đương với hàng không Mỹ.
Trong đó, nguyên nhân khách quan gây ra tình trạng máy bay bị chậm là 9,7%; do tàu bay về muộn chiếm 50,5% và nguyên nhân chủ quan chiếm 39,8%. Trong số các nguyên nhân chủ quan thì do các hãng hàng không chiếm 25,1%; do quản lý bay chiếm 10% và do trang thiết bị, dịch vụ tại cảng hàng không chiếm 4,7% các chuyến bay bị chậm.
Về hủy chuyến, yếu tố thời tiết chiếm 41,2% số các chuyến bay bị hủy; kỹ thuật chiếm 47,3%, còn lại do các lý do khác như không bố trí kịp tổ bay dự kiến, tàu bay sửa chữa, bảo dưỡng quá thời gian dự kiến; bảo dưỡng sửa chữa do hỏng đột xuất…
Cụ thể, Jetstar Pacific có tỷ lệ 31,9% số chuyến bay bị chậm (482 chuyến trên 1.509 chuyến trong tháng 7); VietJet là 24,7%, Vietnam Airlines có 18,2% số chuyến bay bị chậm và Vasco là 8,7%. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, số chuyến bay bị chậm của VietJet và Jetstar là hơn 40%, của Vietnam Airlines là hơn 12%.
Khách bay “hạ nhiệt”
Không chỉ khắc phục tình trạng chậm huỷ chuyến, Bộ GTVT chỉ đạo các hãng thực hiện nghiêm chế độ cho hành khách khi xảy ra chậm huỷ chuyến. Thời gian qua, việc chăm sóc cho hành khách khi xảy ra chậm chuyến, đền bù cho khách khi huỷ chuyến đã được thực hiện nghiêm túc hơn.
Đơn cử, ngày 1/8, chuyến bay VN1380 của Vietnam Airlines thay vì lịch trình TPHCM đến Đà Lạt đã phải đổi hướng hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa do thời tiết xấu. Mỗi hành khách hạng phổ thông của Vietnam Airlines được hỗ trợ 300.000 đồng, còn hạng thương gia được hỗ trợ 400.000 đồng để hành khách tự lo phương tiện về Đà Lạt.
Trong ngày 2/8, VietJet có chuyến bay VJ8831 từ Hà Nội - Buôn Ma Thuột bị ảnh hưởng dây chuyền do thời tiết, VietJet đã phục vụ ăn uống tại sân bay 2 lần cho hành khách, hỗ trợ thiện chí cho mỗi hành khách 300.000 đồng. Hãng cũng bố trí đổi hành trình bay từ Hà Nội - Buôn Ma Thuột thành Hà Nội - Đà Nẵng & Hà Nội - TPHCM cho một số hành khách có nhu cầu. Với các hành khách không thực hiện chuyến bay nữa, hãng bảo lưu vé/ hoàn vé cho hành khách.
Nhờ đó, sau một thời gian bức xúc với tình trạng chậm hủy chuyến, phản ứng của hành khách đến thời điểm này đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Chị Nguyễn Minh Huyền (Thanh Xuân Trung, Hà Nội), một hành khách cho biết, do đặc thù công việc nên chị rất hay phải đi máy bay. “Lúc đầu tôi đi các hãng giá rẻ thấy hay bị chậm chuyến, rồi tôi chuyển sang Vietnam Airlines nhưng vẫn bị chậm. Bây giờ tôi đã hiểu, phải sống chung với chậm hủy chuyến”, chị Huyền tâm sự.
Chị Huyền cho biết thêm, cậu con trai của chị từ Mỹ về qua Hồng Kông cũng mất gần cả ngày chờ đợi ở sân bay do chuyến bay từ Mỹ về chậm, lỡ chuyến bay nối chuyến về Hà Nội. “Hàng không Việt Nam cứ phát triển thế này là dân chúng tôi được nhờ. Có điều, các hãng cố gắng chậm ít thôi. Khi chậm phải thông báo sớm, chính xác và thực hiện đầy đủ quyền lợi cho chúng tôi đỡ ấm ức”.
Làm gì tiếp theo?
Trong buổi làm việc với Bộ GTVT sau gần 1 tháng thực hiện chiến dịch cao điểm chống chậm hủy chuyến, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh đưa ra nhiều giải pháp tiếp theo cho tình trạng này. Các giải pháp lớn được đưa ra là thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “4 xin-4 luôn” trong hàng không, đổi mới toàn diện Cục Hàng không Việt Nam, nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, Cục cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như tiếp tục mở rộng, cải tiến cảng hàng không sân bay, tăng cường thiết bị, nhân lực phục vụ mặt đất, chấn chỉnh công tác điều hành bay...
Với các hãng hàng không, Cục chỉ đạo rà soát, nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, tuân thủ các quy định về an toàn bay. Cục cũng yêu cầu các hãng điều chỉnh lịch bay, bao gồm thời gian quay đầu tàu bay, thời gian lăn ra, lăn vào phù hợp với năng lực của hãng và điều kiện khai thác thực tế của cảng hàng không, sân bay; bảo đảm giờ bay dự phòng; loại bỏ việc hủy chuyến vì lý do thương mại.
Về việc giải quyết chế độ cho khách khi xảy ra chậm hủy chuyến, Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu Cục Hàng không sửa các thông tư quy định theo hướng bổ sung trách nhiệm của các hãng và tăng mức bồi thường cho khách khi chậm hủy chuyến.