Cuba trầm lắng trong tang lễ Fidel

TP - Không khí ở Cuba trầm lắng hẳn sau khi Chủ tịch Cuba Raul Castro thông báo lãnh tụ Fidel Castro từ trần ở tuổi 90 vào đêm 25/11 (giờ Cuba, tức trưa 26/11 theo giờ Việt Nam). Cuba treo cờ rủ, tạm dừng bán rượu, hoãn các chương trình biểu diễn.
Trong chuyến thăm chính thức Cuba, ngày 15/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng bức ảnh chân dung cho Lãnh tụ Fidel Castro. Ảnh: BNG

Sẽ không có trận bóng chày (môn thể thao yêu thích của Fidel) lớn nào được tổ chức trong 9 ngày quốc tang. Các tờ báo như Granma, Juventud Rebelde… chuyển sang in mực đen thay vì đỏ hoặc xanh truyền thống.

“Tôi là Fidel”

Cuối tuần qua, nhiều nhóm người xuống đường vẫy cờ và hô khẩu hiệu “Tôi là Fidel” để ngợi ca nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong đời sống chính trị Cuba trong nhiều thế hệ. Người dân Cuba sẽ có dịp bày tỏ lòng tôn kính với lãnh tụ của mình tại đài tưởng niệm Jose Marti tại Havana từ ngày 28-29/11, và tại một lễ tưởng niệm tập thể ở thủ đô vào tối 29/11. Sau đó, tro cốt của Fidel sẽ được đưa đi khắp cả nước, dọc theo con đường lưu danh chiến thắng của ông năm 1959.

Ngày 4/12, tro cốt của Fidel sẽ được an táng tại nghĩa trang Santa Ifigenia ở Santiago, nơi an nghỉ của người anh hùng Cuba thế kỷ 19 Jose Marti cùng nhiều nhân vật nổi bật khác trong lịch sử Cuba. Ở đây có một bia tưởng nhớ gia đình Bacardi - những người đã lập nên đế chế rượu rum và có ảnh hưởng chính trị lớn nhất ở Santiago. Một tấm bia khác tưởng nhớ các sĩ quan quân đội và sinh viên đã hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập từ người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19. Ngoài ra, còn có một lăng mộ cho các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba. Nhưng nổi bật nhất là đài tưởng niệm ốp đá cẩm thạch, trên đó là bức tượng người anh hùng Jose Marti. Jose Marti là người đã dẫn dắt phong trào đấu tranh chống lại chủ nghĩa thuộc địa Tây Ban Nha, còn Fidel là người tiếp nối phong trào trong thế kỷ 20 để đưa người dân Cuba thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc mới của Mỹ.

Lớn lên trong một gia đình nông dân Tây Ban Nha giàu có, nhưng Fidel nổi tiếng với lối sống khắc khổ và cống hiến cho sự bình đẳng của người dân. Người dân địa phương tin rằng, Fidel được đặt ở vị trí trang trọng trong nghĩa trang này không chỉ vì tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà ông đấu tranh và theo đuổi, mà bởi vì ông đã trở thành biểu tượng của đất nước.

Fidel nổi lên trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, với hình ảnh gắn với chòm râu đen rậm rạp, miệng ngậm cigar. Với khẩu hiệu “chủ nghĩa xã hội hay là chết”, ông đã giữ vững lý tưởng đó cho đến lúc lìa đời. Các trợ lý của Fidel nói rằng, ông đã vượt qua hơn 600 lần bị ám sát, mưu sát, đồng thời lãnh đạo quân đội đánh bại cuộc tấn công xâm lược do Mỹ hậu thuẫn khởi phát tại vịnh Con Lợn năm 1961.

Lần cuối cùng Fidel xuất hiện trước dân chúng là vào dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông, hôm 13/8. Được tin Lãnh tụ Fidel qua đời, lãnh đạo Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Brazil, Venezuela… đã gửi điện chia buồn và bày tỏ lòng kính trọng, thương tiếc vô hạn. Venezuela tuyên bố dành 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ Fidel. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ông sẽ tổ chức một lễ tưởng niệm Fidel tại khu doanh trại ở thủ đô Caracas, nơi an nghỉ của cố Tổng thống Hugo Chavez.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dự lễ tang Fidel

Từ ngày 28 tới 30/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam sang Cuba tham dự lễ tang cấp Nhà nước dành cho Lãnh tụ Cuba Fidel Castro, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo hôm qua.

Từ khi Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960), quan hệ đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau và hợp tác toàn diện anh em không ngừng được củng cố, phát triển. Cuba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và xây dựng đất nước của Việt Nam; quan tâm thúc đẩy quan hệ mọi mặt với Việt Nam trên các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục - thể thao...

Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên đoàn các cấp thăm lẫn nhau. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nguyên thủ quốc gia cuối cùng được gặp Fidel trước khi ông qua đời. Hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc.

5 công trình kinh tế - xã hội Cuba tặng Việt Nam

Ông Phạm Tiến Tư, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cuba, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba, nói rằng, Lãnh tụ Fidel là nguyên thủ quốc gia đầu tiên, duy nhất đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam ở tỉnh Quảng Trị năm 1973. Tại vùng giải phóng, Lãnh tụ Fidel nhắc lại câu nói trong thời chiến, Cuba đã sẵn sàng vì Việt Nam mà hiến dâng cả máu của mình thì Cuba tin tưởng chắc chắn Việt Nam sẽ chiến thắng. Đến khi hòa bình, Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng lại Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp 10 lần như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Sau hòa bình, thực hiện lời hứa cùng xây dựng Việt Nam mười lần đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, Lãnh tụ Fidel quyết định tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội), đường Xuân Mai (Ba Vì), Trại gà Lương Mỹ, Nông trường bò sữa Mộc Châu và Bệnh viện Việt Nam-Cuba ở Đồng Hới (Quảng Bình ). “Đó là tình cảm mà Lãnh tụ Fidel và nhân dân Cuba hết lòng với nhân dân Việt Nam trong khả năng có hạn của mình. Đó chính là biểu tượng, là đỉnh cao của tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trên thế giới với Việt Nam và Cuba”, ông Tư nói.