Cử tri lo lắng về giá điện, xăng

TP - Đây là một trong những nội dung trong Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cư tri được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII.

> Quý 1-2011: Lạm phát hơn 6,1%
> Cấp bách ổn định kinh tế vĩ mô

Làm rõ Quỹ bình ổn xăng dầu

Theo Báo cáo, cử tri cho rằng, cong tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất công còn diễn ra ở nhiều nơi… Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. “Cần triển khai nghiêm túc Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập để nhân dân có cơ sở giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng”- báo cáo nêu rõ.

Theo UBTƯMTTQ, nhân dân đang lo lắng trước dự kiến tăng giá của ngành điện. Cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp quản lý, điều hành giá xăng dầu, giá điện một cách hiệu quả, vừa đảm bảo vận hành từng bước theo cơ chế thị trường, vừa thúc đẩy sản xuất phát triển; không vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp mà ảnh hưởng sản xuất và đời sống của nhân dân. Cử tri cũng yêu cầu làm rõ hiệu quả việc lập và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian vừa qua; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để bình ổn giá trong những tháng cuối năm và có giải pháp ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống của người dân.

Cử tri cho rằng, tình trạng đầu tư ngoài ngành, nhất là vào các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua của các tập đoàn gây bức xúc trong dư luận về tính minh bạch, hiệu quả. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.

Tôn trọng quyền công dân

Cử tri và nhân dân phấn khởi trước việc QH ban hành nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, mong muốn việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp cần quy định rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp; tiếp tục khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền công dân, quyền con người; xác định rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp cần quy định những vấn đề cơ bản nhất, có tính ổn định lâu dài, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

Cần triển khai nghiêm túc Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập để nhân dân có cơ sở giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng” - Cử tri kiến nghị

Theo Báo giấy