Chiều 15/12, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện của Quốc hội trong 2 tháng 10 – 11 năm 2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Tư, nhất là việc triển khai chính sách tài khóa tiền tệ để thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; việc thực hiện tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội…
Bên cạnh đó, cử tri cũng đánh giá cao kết quả hoạt động chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư về 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Thanh tra và mong muốn những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực sớm được khắc phục trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Bình, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.
Tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình hình mưa lớn bất thường tại các tỉnh miền Trung; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng cũng là mối quan tâm lo lắng của cử tri.
Ban Dân nguyện cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp thiết thực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ vừa qua, tránh tái diễn tình trạng trên để người dân an tâm lao động, sản xuất; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Xử lý nghiêm băng nhóm “xã hội đen”
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 10 và tháng 11/2022, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2022, nhất là các đoàn đông người.
Đáng lưu ý, theo ông Bình, trong thời gian qua trên địa bàn cả nước còn xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, trong số đó có nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai, khai thác mặt nước giữa các cá nhân với nhau, như trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp đất tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Trong thời gian qua, lực lượng công an của các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng băng nhóm “xã hội đen”. Tuy nhiên do lực lượng cán bộ còn mỏng, việc thực hiện giao đất, giao rừng còn chậm trễ, có trường hợp còn có sai phạm dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết tranh chấp, xử lý triệt để đối với trường hợp vi phạm.
“Khi thực hiện giám sát trực tiếp tại Kiên Giang, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang cần quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất công, đất rừng và chỉ đạo lực lượng công an tăng cường bám sát địa bàn, thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân nhưng chuyển biến còn chậm”, ông Bình cho hay.
Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, nhất là địa bàn Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; đánh bạc qua mạng, cá độ bóng đá…
Cùng với đó, Ban Dân nguyện kiến nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với 5 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự; kịp thời xây dựng báo cáo về công tác dân nguyện hàng tháng, gửi đến Ban Dân nguyện theo đúng thời hạn, để Ban Dân nguyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.