Hầu hết các ứng cử viên đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) khóa XIV đã đi vận động bầu cử qua các lần tiếp xúc với cử tri. Cá nhân ông thấy những lời hứa và chương trình hành động của các ứng cử viên lần này ra sao?
Đa phần các ứng cử viên khi vận động bầu cử đều hứa với cử tri thật lòng chứ không phải hứa cho qua chuyện. Nhưng cũng có ứng cử viên chưa có kinh nghiệm nên họ hứa rất chung chung, chẳng hạn chỉ hứa gắn bó với cử tri, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri với QH, mà không nói đến vấn đề cụ thể cử tri quan tâm và hứa kiến nghị, vận động giải quyết những vấn đề ấy.
Lần bầu cử nào cũng có nhiều người lần đầu tiên ứng cử và không được tập huấn nên cũng không biết hứa như thế nào. Có ứng cử viên hứa những điều không đúng tầm của QH, có ứng cử viên hứa những việc to quá mà nếu không giữ những chức vụ cao rất khó thực hiện được. Ngược lại, có ứng cử viên chỉ hứa làm những việc rất nhỏ, chỉ ở tầm địa phương. Dĩ nhiên một lời hứa như thế rất quý, song ĐBQH không phải chỉ là ĐB của một địa phương cụ thể, nên phải có cái nhìn bao quát và khái quát thành những vấn đề chung của đất nước. Như thế mới đúng chức trách và cái tầm của một ĐBQH đại diện cho người dân và cử tri cả nước.
Khi tiếp xúc với các ứng cử viên, cử tri cũng băn khoăn về việc họ thực hiện lời hứa như thế nào khi trở thành ĐBQH. Phải chăng cần phải có một cơ chế giám sát nào đó, thưa ông?
Đúng là thực tế có ứng cử viên sau khi trúng cử đã quên luôn chương trình hành động của mình, thậm chí chương trình hành động để đâu cũng không biết. Ứng cử viên muốn thực hiện lời hứa của mình, phải nhận thức rằng, lời hứa không chỉ nhằm tác động đến cử tri để lựa chọn bầu ra mình, mà còn là phương hướng hoạt động trong suốt 5 năm làm ĐBQH. Vì vậy ít nhất hằng tháng, ĐBQH phải đối chiếu với chương trình hành động xem mình đã làm được cho cử tri những gì, việc gì chưa làm được, hay đã làm nhưng chưa được để còn sắp xếp kế hoạch, thực hiện cho được lời hứa trước cử tri. Khi làm ĐBQH, tôi phải đưa chương trình hành động của mình vào máy tính, thậm chí để luôn ở màn hình để hằng tháng mở ra xem mình đã hứa với cử tri cái gì, cái gì làm chưa được phải cố gắng làm.
Để giúp ĐB không quên lời hứa của mình và thực hiện bằng được, kể cả lời hứa đơn giản nhất là luôn luôn gắn bó với cử tri thì phải có cơ chế giám sát ĐB. Muốn vậy cử tri đi bầu phải nhớ được tên ĐB, nhớ được ĐB đã hứa những gì, từ đó cũng phải theo dõi hoạt động của họ, thậm chí gửi thư yêu cầu ĐB thực hiện lời hứa của mình. Nếu ĐB nào hoạt động quá yếu, không bao giờ phát biểu, không làm được việc gì cho dân thì có thể kiến nghị với Ủy ban MTTQ tổ chức cho cử tri bỏ phiếu miễn nhiệm. Đó là một cơ chế giám sát để ĐB thực hiện lời hứa với cử tri, nhưng đáng tiếc chúng ta lại chưa thực hiện được lần nào cả.
Bên cạnh đó, theo ông còn cơ chế, cách thức giám sát nào khác trong việc thực hiện lời hứa của các ĐBQH?
Một trong những cơ chế để cử tri dễ giám sát ĐB là chia nhỏ đơn vị bầu cử hơn nữa, để mỗi đơn vị chỉ bầu một ĐB thôi; như vậy người dân có thể giám sát thường xuyên công việc của ĐB đó. Bây giờ mỗi đơn vị bầu cử có tới 3 ĐB, mà ĐB cứ dựa dẫm vào nhau thì cử tri không biết đằng nào mà giám sát. Việc này có thể cân nhắc thay đổi ở nhiệm kỳ sau, còn vấn đề trước mắt, tôi cho rằng ở các cơ quan chính quyền địa phương phải niêm yết chương trình hành động của ĐB ở trụ sở, cổng thông tin điện tử để cử tri giám sát…
Khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ĐBQH cần hứa với cử tri sẽ làm những gì trong kỳ họp tới. Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ngoài những vấn đề chung, từng ĐBQH cần báo cáo để cử tri biết là mình đã làm được gì trong kỳ họp này.
Bên cạnh đó, cũng cần phát huy tính tích cực của cử tri, vì cử tri chính là “ông chủ”, phải quan tâm đôn đốc, liên hệ với ĐB của mình. Dân gọi điện đến nhiều lần mà ĐBQH không bao giờ chịu nghe máy thì cũng có thể kiến nghị bãi miễn. Bởi đã là ĐB của dân thì phải lắng nghe dân, nếu quá bận phải hẹn ngày tiếp dân vào mỗi tháng, nếu không phải có hòm thư điện tử để dân gửi kiến nghị vào đó. Thứ nữa, phải phát huy vai trò của MTTQ ở địa phương, rốt ráo thay dân giám sát các ĐB của mình.
Cập nhật kết quả bầu bằng công nghệ điện tử
Ở các nước việc bỏ phiếu diễn ra sôi động vì kết quả thường xuyên được cập nhật bằng công nghệ điện tử, còn ở ta thì chỉ công bố một lần sau vài chục ngày bỏ phiếu. Theo ông, chúng ta có nên cải tiến phương thức như các nước vẫn đang áp dụng hiện nay?
Đúng là hiện nay chúng ta thấy nhiều nước bỏ phiếu, kiểm phiếu bằng công nghệ thông tin (CNTT) điện tử rất nhanh, có thể phản ánh được kết quả từng giờ, từng ngày, thậm chí chỉ sau một ngày người ta đã có thể công bố kết quả rồi. Kể cả những nước CNTT không phải cao hơn mình, đời sống kinh tế cũng tương đương nước mình như Philippines, hay Indonesia, người ta công bố kết quả bầu cử rất nhanh bằng công nghệ điện tử. Bỏ phiếu theo hình thức này cũng giống như thi trắc nghiệm, chỉ cần quẹt một cái là ra kết quả ngay. Việt Nam là nước phát triển CNTT vào loại khá nên hoàn toàn có thể áp dụng được công nghệ vào bầu cử.
Đáng tiếc, hiện chúng ta vẫn phải chờ sau 20 ngày bỏ phiếu mới công bố kết quả, mà lại tập trung ở một đầu mối là Hội đồng Bầu cử Quốc gia, chứ không phải từng địa phương, từng đơn vị bầu cử công bố như các nước đang làm. Tất nhiên công bố của Hội đồng Bầu cử Quốc gia có tính pháp lý cao nhất, nhưng trước đó, các địa phương hoàn toàn có thể công bố kết quả và có thể công bố rất nhanh chứ không phải để đến 20 ngày. Điều này sẽ làm cho cuộc bầu cử kém sôi động. Từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn một tuần, việc in phiếu bầu để kiểm phiếu theo công nghệ điện tử chắc là không kịp, nhưng trong lần bầu cử tới cần phải thay đổi.
Ông có những khuyến cáo, đề xuất gì để kỳ bầu cử tới đây cử tri có thể lựa chọn được người xứng đáng nhất đại diện cho mình?
Năm nay tôi thấy ở Hà Nội đã phát lý lịch trích ngang, ảnh của ứng viên đến từng gia đình. Việc bầu cử qua đó sẽ thuận lợi hơn nhiều, vì cử tri có điều kiện nghiên cứu trước, ra đến nơi chỉ việc bầu thôi chứ không phải chen nhau tìm hiểu từng ứng cử viên nữa. Bầu cử là công việc chung, các địa phương cũng nên làm theo hướng này.
Cảm ơn ông!
Ba xã vùng đặc biệt khó khăn ở Lai Châu bầu cử sớm
Ngày 15/5, hơn 5.800 cử tri ở 3 xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn là Tá Bạ, Tà Tổng và Mù Cả thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã đến 32 điểm bầu cử bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Cử tri ba xã vùng cao thuộc huyện Mường Tè bầu cử sớm hơn một tuần so với ngày bầu cử chung của cả nước. Tại đây, hòm phiếu lưu động cũng được tổ bầu cử đưa đến tận nơi cho những cử tri không đến được các điểm bỏ phiếu do tuổi già, ốm đau.
Thành Nam - CTV