Công ty của Út 'trọc' nhúng tay bao nhiêu dự án?

TP - Theo kết quả thanh tra mới đây Công ty Thái Sơn Bộ Q.P của Đinh Ngọc Hệ tức Út “trọc” đã nhúng tay vào hơn 10 dự án có giá trị lớn, sau khi trúng thầu lập tức chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác để hưởng lợi…
Thi công Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cty của Út "trọc" không dự thầu, không trực tiếp thi công dự án này nhưng vẫn được chủ đầu tư tạm ứng tiền thi công Ảnh: TTXVN

“Vua” bán thầu…

Qua kết luận của TTCP cũng cho thấy, tất cả dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã tham gia đấu thầu, trúng thầu, rồi bán thầu đều có những dấu hiệu được ưu ái mặc dù không đủ năng lực, thậm chí có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu để xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu.

Như Tiền Phong đã thông tin, tại dự án Cầu Việt Trì (hình thức BOT, có giá trị 1.900 tỷ đồng)  và dự án cải tạo Quốc lộ 20 (theo hình thức BOT kết hợp BT, tổng vốn đầu tư 4.110 tỷ đồng), mặc dù từ khâu phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà đầu tư không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, đánh giá năng lực tài chính không chính xác…nhưng Bộ GTVT vẫn nhận xét, đánh giá đạt và quyết định lựa chọn Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là nhà đầu tư dự án trong liên danh.

Dù Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm song cũng được Bộ GTVT chấp thuận giao thầu xây lắp Gói thầu số 23 thuộc Dự án Quốc lộ 20. Sau khi trúng thầu, công ty đã chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác.

Tương tự, TTCP xác định, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không đủ năng lực về tài chính, nhân công, thiết bị và kinh nghiệm thi công, đặc biệt, có dấu hiệu làm giả mạo hồ sơ về kinh nghiệm thi công nhưng vẫn được đại diện Chủ đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Long An đánh giá đủ năng lực và công nhận trúng thầu tại gói thầu thi công xây dựng Khối nhà cơ quan 4 trong Khu trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Long An trị giá 130 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng cho Công ty cổ phần Xây dựng ST và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Phương, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Ngoài ra, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã tham gia vào một loạt gói thầu thuộc các dự án khác nhưng thực chất chỉ là “xí phần”, rồi lập tức bán “lúa non” cho đơn vị khác hưởng chênh lệch. Loạt dự án, gói thầu mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng sau khi trúng thầu gồm: Dự án khối nhà làm việc của Huyện ủy, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trị giá hơn 28 tỷ đồng; Công trình nhà làm việc và kho chứa bia, Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Sabeco Sông Hậu tại An Giang giá trị gần 11,8 tỷ đồng; 4 gói thầu thuộc Nút giao trung tâm quận Long Biên; Các gói thầu XL04 “Xây dựng cầu Cẩm Hải” thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Cẩm Hải - Vân Đồn trị giá gần 465 tỷ đồng và gói thầu XL05 “Xây dựng cầu Sông Chanh” thuộc Dự án Đường nối Thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh giá trị hơn 897 tỷ đồng; Gói thầu BP04 “Công tác cơ sở hạ tầng, chuẩn bị công trường và cầu dẫn” thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách Quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa trị giá 488 tỷ đồng; 02 gói thầu thuộc dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông...

Không thi công vẫn được thanh toán

Không những được ưu ái chỉ định thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P còn được chủ đầu tư, nhà thầu chính một số dự án tạm ứng, thanh toán tiền thi công cho dù công ty này không hề trực tiếp thi công mà chỉ mua bán thầu lòng vòng. Điển hình, sau khi nhận chuyển nhượng một phần khối lượng công việc với giá trị 120 tỷ đồng (chiếm 19,8% giá trị hợp đồng) tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng hàng không Pleiku, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P liền chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc nêu trên cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam. Để rồi, công ty này tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng và Thương mại Dương Đạt, Gia Lai thực hiện thi công.

Qua thanh tra phát hiện, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không trực tiếp thi công nhưng vẫn được nhà thầu chính nghiệm thu, thanh toán khối lượng công việc hoàn thành. Mặc dù nhà thầu chính thanh toán khối lượng được nghiệm thu cho Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng Công ty này đã thanh toán không đúng giá trị khối lượng cho các nhà thầu thứ cấp số tiền hơn 13,7 tỷ đồng.

TTCP xác định có dấu hiệu không rõ ràng, minh bạch trong việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công; đồng thời, không hoạch toán đủ số doanh thu 120 tỷ đồng theo hợp đồng thi công, dẫn đến, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp 3.436 triệu đồng. “Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và các đơn vị liên quan đã thực hiện việc chuyển nhượng thầu, có dấu hiệu trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, vi phạm Luật Đấu thầu và Luật Quản lý thuế” - TTCP chỉ rõ.

Đáng chú ý, TTCP còn phát lộ việc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không dự thầu, không trực tiếp thi công nhưng vẫn được chủ đầu tư Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) tạm ứng tiền thi công và để trả nợ vay ngân hàng. Hậu quả, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chiếm dụng vốn của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng số tiền 695 tỷ đồng, làm giảm thu nhập chịu thuế của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, gây thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính là gần 27 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, TTCP còn phát lộ việc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không dự thầu, không trực tiếp thi công nhưng vẫn được chủ đầu tư Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) tạm ứng tiền thi công và để trả nợ vay ngân hàng. Hậu quả, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chiếm dụng vốn của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng số tiền 695 tỷ đồng, làm giảm thu nhập chịu thuế của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, gây thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính là gần 27 tỷ đồng.

 TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể: về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các cơ quan chức năng và nhà thầu liên quan đến tính chính xác, trung thực về hồ sơ dự thầu; về yêu cầu kiểm chứng các tài liệu kê khai năng lực của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu.