Bên cạnh hành lý cồng kềnh, nhiều người còn chở thêm cây đàn ghi ta. Nhịp sống tại nhiều khu công nghiệp dường như đang hồi sinh trở lại.
Nhiều địa phương đã bắt đầu thực hiện những tua (tour) du lịch xanh nội vùng, ưu tiên nhóm gia đình riêng. Các nhà hàng, khách sạn tại vùng xanh rục rịch dọn hàng, trang trí đón khách. Trẻ em chuẩn bị tiêm vắc xin để trở lại trường… Người dân, chính quyền nhận thức rõ hơn với tình huống “thích ứng an toàn”. Cũng như những chuyến bay nội địa, xe khách, tàu hỏa…vẫn cần hoạt động dù đâu đó xuất hiện ca nhiễm mới. Những ngày này, sống giữa TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)- nơi có ca nhiễm trong cộng đồng thuộc tốp đầu cả nước, nhưng tâm thế của người dân và chính quyền hết sức bình tĩnh. Tôi nhớ Đắk Lắk là địa phương được đánh giá luôn chào đón với người “chạy dịch” một cách nhân văn, dù nguồn lực khó khăn. Nay, địa phương được dự báo có thể sẽ phải đương đầu với khó khăn nhất từ dịch bệnh. Các chuyên gia y tế từ TPHCM và nhiều nơi khác đã có mặt tại đây hướng dẫn quy trình cách ly, điều trị… Bệnh viện dã chiến hàng nghìn giường cũng đã được lập. Đối mặt với dịch bệnh bằng những biện pháp khoa học, bình tĩnh, đang là xu hướng chung cả nước.
Tuy vậy, dù Chính phủ đã hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nhưng vẫn còn nhiều nơi “cát cứ”. Nhiều tỉnh buộc dân khai y tế bằng trang điện tử riêng hoặc app không phổ biến như Chính phủ quy định. Ngay cả câu chuyện “hồi sinh” du lịch nội địa, mỗi địa phương làm theo một cách. Chủ yếu sự ngáng trở đến từ tâm lý sợ dính dịch của người có trách nhiệm. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch dù rất sốt ruột nhưng chia sẻ rằng khó lên kế hoạch, xây dựng tua (cho khách) bởi quy định, yêu cầu của từng địa phương khác nhau… Rõ ràng, chỉ riêng trong lĩnh vực du lịch, rất cần sự điều hành nhất quán từ một cơ quan trung ương.
Còn 2 tháng nữa là hết năm cũ-một năm vật lộn với nhiều làn sóng dịch bệnh khốc liệt, cùng đó, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng xăng, dầu, gas tăng giá. Việc nhiên liệu đầu vào tăng giá có thể khiến hình thành nên mặt bằng giá hàng hóa mới. Sự chống chịu của doanh nghiệp, người dân và nguồn lực của nhà nước đã giảm sút trong khi sức ép lạm phát lại tăng lên. Chưa bao giờ “ứng phó linh hoạt” thực sự cân não các nhà quản lý như lúc này. Không còn cách nào khác, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành cần chung sức, đồng lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp, đầu tiên bằng cách tự phá bỏ rào cản do chính mình dựng nên. Cộng lực luôn là sức mạnh.