> Đã xác định nguồn gốc bò tót “đại náo” sân bay
Sở dĩ việc tiêu hủy bò tót gây nghi ngờ về tính trung thực, là do người dân và các cơ quan báo chí không được tiếp cận hiện trường cũng như hình ảnh về hoạt động nhạy cảm này.
Ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: “Có người đến đây hỏi tôi và tỏ ra nghi ngờ về tính trung thực của việc tiêu hủy bò tót. Tôi khẳng định, hội đồng tiêu hủy gồm nhiều cơ quan chứ không riêng đơn vị kiểm lâm”.
Cũng theo ông Hoạch, có người còn đặt vấn đề nên giữ lại và bảo quản mật bò tót, vì cho rằng đây là vật phẩm rất quý và đắt tiền, nhằm phục vụ công tác chữa bệnh.
“Điều đó là không thể, vì trái với nguyên tắc tiêu hủy động vật quý hiếm. Nếu giữ lại để làm thuốc, vô hình trung chúng ta khuyến khích hoạt động săn bắn, lùng tìm, tàn sát bò tót để lấy mật chữa bệnh. Hơn nữa, ai sẽ giám sát sau khi mật bò tót được bàn giao cho một đơn vị y tế nào đó, vật phẩm này không bị tráo đổi và không sử dụng đúng mục đích”, ông Hoạch nói.
Qua hồ sơ và hình ảnh tư liệu tiêu hủy, phần xác thịt, xương, da, đuôi, chân, nội tạng… con vật được xử lý phun hóa chất, rải vôi bột khử độc và chôn lấp dưới hố sâu.
Mật bò được tách riêng khi tiêu hủy, với trọng lượng khoảng 1kg, sau đó bị đập nát. Phần sọ giao về Trường ĐH Khoa học Huế xử lý tiêu bản làm mẫu vật trưng bày.
Chính quyền xã Thủy Bằng chịu trách nhiệm bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường chôn lấp bò tót trong nhiều ngày qua. Đến nay, tại khu vực xử lý tiêu hủy bò tót không có dấu hiệu bị đào xới, đánh cắp.