Công chức, đảng viên uống bia rượu lái xe bị đuổi việc?

“Đối với cán bộ công chức, đảng viên uống bia rượu khi tham gia giao thông, mức phạt nặng nhất là bị buộc thôi việc, đuổi ra khỏi ngành”.

Công chức, đảng viên uống bia rượu lái xe bị đuổi việc?

> Công chức sắp bị cấm uống rượu bia vào buổi trưa

Đo nồng độ cồn với một lái xe tại Hà Nội. Ảnh minh hoạ.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia chia sẻ với Dân Việt quanh việc đảm bảo ATGT năm 2013, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo ông Hiệp, năm 2012, tình hình trật tự ATGT bước đầu được thiết lập lại, đạt được mục tiêu giảm tai nạn, ùn tắc giao thông của Quốc hội đề ra. Tai nạn giao thông có chuyển biến tích cực, giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương; vượt chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Sau 10 năm (2001 - 2011), lần đầu tiên, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 10.000 người/năm. Tuy nhiên, các vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng giảm về số vụ, số người chết nhưng tính chất và mức độ nghiêm trọng không giảm, thậm chí có những vụ thảm khốc hơn.

Ông đánh giá thế nào về tình hình giao thông trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

- Dịp tết này, câu chuyện mua vé tàu vất vả, xe khách nhồi nhét khách, giá vé đắt đỏ… sẽ tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân vẫn do nhu cầu tăng cao, ngay tại thời điểm đó chưa thể đáp ứng được. Năm nay Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo phải đảm bảo không để hành khách không thể về quê ăn tết vì thiếu phương tiện. Các đơn vị vận tải sẽ huy động tối đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nỗi ám ảnh về nhồi nhét trên xe khách dịp tết năm nào cũng có. Ủy ban có giải pháp nào hiệu quả hơn để xử lý tình trạng này?

- Đúng là các lực lượng tuần tra kiểm soát trong dịp tết đã linh động đối với những xe chở quá một vài người, tuy nhiên, với những xe khách chở 20 người mà vượt lên 30 - 40 người là không chấp nhận được. Các lực lượng kiểm tra kiểm soát phải xử lý nghiêm những trường hợp này, dứt khoát phải san khách (hạ tải) mới cho đi. Năm nay, các Ban ATGT địa phương phải chuẩn bị xe để san khách, chi phí đó do xe khách chở quá tải chịu.

 

Quãng thời gian gần, trong và sau tết, tình trạng người tham gia giao thông uống rượu bia chắc sẽ khó tránh khỏi. Giải pháp nào đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng đó?

- Theo thống kê hàng năm, trong dịp tết, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương cao hơn ngày thường từ 1,5 – 2 lần; trong đó nguyên nhân từ uống bia rượu chiếm đến 80%. Trong chỉ đạo chung của Ủy ban ATGT Quốc gia, các đơn vị liên quan phải kiểm tra chặt chẽ việc uống bia rượu dịp tết khi tham gia giao thông. Năm nay, chúng tôi đề nghị lực lượng CSGT và các lực lượng liên quan phải xử lý nghiêm các hành vi như đua xe, gây rối công cộng và đặc biệt là uống bia rượu khi lái xe; phải chủ động phát hiện những trường hợp có biểu hiện uống bia rượu khi tham gia giao thông.

Riêng đối với cán bộ công chức, đã có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bắt đầu từ năm 2013, cả nước sẽ triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý tình trạng cán bộ công chức uống bia rượu vào buổi trưa và khi tham gia giao thông. Nếu cán bộ, đảng viên nào vi phạm sẽ bị công khai danh tính lên các phương tiện truyền thông ở địa phương và T.Ư.

Việc xử lý cán bộ công chức uống bia rượu khi tham gia giao thông có khác với phạt người dân khi vi phạm hành vi tương tự không?

- Đối tượng này vẫn bị xử phạt hành chính bình thường. Ngoài ra, cán bộ công chức, đảng viên còn phải chịu các hình thức kỷ luật của đơn vị nơi họ làm việc, cụ thể như không lên lương, cắt thưởng, cảnh cáo, khiển trách, cao hơn nữa là buộc thôi việc, đuổi khỏi ngành… Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng các quy định cụ thể về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Sỹ Lực - Nguyễn Đình
Người Lao Động

Theo Đăng lại