ÐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách

Công cán nước ngoài đang trở thành 'đặc quyền'

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong sau khi Thanh tra Chính phủ công bố nhiều con số giật mình về chuyện cán bộ “công cán” nước ngoài, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, tình trạng tranh thủ công tác nước ngoài để làm việc riêng, thăm con cái, đi du lịch… khá phổ biến. Ðặc biệt, không ít nơi cử cán bộ đi nước ngoài là một ưu đãi, như một thứ đặc quyền.
Bộ Công Thương giai đoạn 2012-2016 là một trong những bộ có nhiều đoàn đi công tác nước ngoài nhất. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ði để chụp ảnh, quay phim, khoe bạn bè

Có lẽ những con số mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố về việc cử đoàn đi nước ngoài giai đoạn 2012 - 2016 khiến nhiều người ngỡ ngàng. Trong đó chỉ riêng 4 bộ ngành đã cử trên 14.600 đoàn, gần 42.000 lượt cán bộ với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Là thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông có ngạc nhiên về con số này?

Có thể nói, việc cử cán bộ đi công cán nước ngoài là cần thiết với những công việc cần thiết. Ðiều này một mặt đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế của chúng ta về các mặt chính trị, ngoại giao và nhất là kinh tế. Việt Nam với độ mở nền kinh tế rất lớn, nên không thể không hợp tác quốc tế, trao đổi. Chính vì thế nên cần phải đi nước ngoài ký kết, thảo luận.

Bên cạnh đó chúng ta còn phải cử cán bộ đi nước ngoài học tập, nghiên cứu. Nhật Bản từ thời vua Minh Trị cũng chọn bộ máy tinh hoa thực sự cho đi học và học có chủ đề hẳn hoi. Họ học cách trị vì đất nước, đưa tiến bộ khoa học về ứng dụng cho nước mình. Họ củng cố một thế hệ cán bộ có tầm nhìn, tư duy chất lượng. Hay Hàn Quốc, sau 20 năm nền điện ảnh ở đây khác hẳn, vì họ đào tạo một thế hệ cán bộ có lớp lang, có chủ đề, có lựa chọn và có đối tượng.

Với chúng ta, vừa qua mới lộ diện ra kinh phí cho cán bộ đi nước ngoài quá lớn, nhưng lại rất khó đánh giá hiệu quả mang lại, nên cần phải rà soát, đánh giá lại cụ thể.

 Từ thực tế này chúng ta cũng có thể rút ra được những bài học từ việc cử cán bộ công cán đi nước ngoài?

Có ba bài học có thể rút ra từ việc này. Trước tiên đó là việc lựa chọn chủ đề. Chúng ta đưa ra những kỳ vọng rất lớn, với những đoàn cán bộ đi học hỏi, nhưng chủ đề lại không cụ thể, không phù hợp với thực tiễn. Lẽ ra, những chủ đề đó phải phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa của chúng ta. Chúng ta đang cử đi học đại trà, không có sàng lọc đối tượng, không có lựa chọn chủ đề, thậm chí không lựa chọn quốc gia đến, cũng không nghĩ tới hiệu quả, dẫn tới tốn kém ngân sách là đương nhiên.

Thứ hai, còn có chuyện tranh thủ để đi tham quan, du lịch, rồi lợi dụng việc đi công tác nước ngoài để thăm thân, kết hợp chăm nuôi con cái… Nhiều chuyến đi không rõ mục đích, cứ tổ chức đi nước ngoài bằng ngân sách, kết hợp xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp. Chủ yếu đi du lịch, chụp ảnh, quay phim những danh lam thắng cảnh, rồi về khoe khoang bạn bè. Còn nhận thức của thế giới, của nước bạn đối với mình, rút ra bài học cho mình từ các chuyến đi lại không nhiều.

Việc này không phải bây giờ mà trong các khóa, Ban Bí thư đã có những văn bản chỉnh đốn, lưu ý lãnh đạo về việc hạn chế, lựa chọn đối tượng và quản lý cán bộ đảng viên trong quá trình đi học tập, công tác nước ngoài. Thế nhưng việc chấp hành lại không nghiêm, dẫn đến thực tế như vừa qua Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra. Sự thật về việc này bộc lộ nhiều hạn chế, nhưng đánh giá sâu hơn về hiệu quả mang lại thì chúng ta chưa làm được.

Một năm đi 163 ngày, “quá kinh khủng”

Cơ quan chức năng xác định, thời kỳ còn làm Bộ trưởng Công Thương, có năm ông Vũ Huy Hoàng đi công cán nước ngoài tới 163 ngày. Theo ông, điều này có gì bất thường không?

Việc này cần phải xem xét ở cả hai mặt. Một mặt, do thời kỳ đó chúng ta phải đi đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại. Vai trò của Bộ trưởng Công Thương đặt ra với rất nhiều công việc. Nhưng điều người ta thắc mắc, liệu có phải ngày nào, tuần nào cũng có những đàm phán song phương hay không?

Muốn biết thực hư ra sao, bây giờ phải rà soát lại lịch trình cụ thế mới biết được, xem cái nào là công việc buộc phải đi, cái nào có thể cử cấp dưới đi, cái nào lợi dụng vị thế của mình để đi công cán nước ngoài làm những việc khác. Việc này phải xem xét cụ thể, cũng không nên quá cực đoan về số lượng thời gian mà đánh giá. Nhưng rõ ràng, số lượng thời gian đi công tác nước ngoài với 163 ngày, chiếm gần nửa số ngày trong năm như thế là quá kinh khủng.

Là tư lệnh ngành như ông Vũ Huy Hoàng mà thời gian đi công cán nước ngoài “quá kinh khủng” như vậy nói lên điều gì, thưa ông?

Vấn đề trước tiên đặt ra là, vai trò trụ cột mà ông ấy nắm giữ quyền đề xuất chính sách, tổ chức thực thi chính sách, trong vai trò bộ trưởng, ông ấy quản lý thế nào khi vắng quá nhiều như vậy? Thứ hai, những sai phạm, thất thoát tài sản, phải chăng do thời kỳ đó người đứng đầu vắng mặt quá nhiều?

Nhưng trên thực tế có thể nói, một người lãnh đạo xuất sắc, cho dù anh đi đâu, làm gì thì bộ máy vẫn hoạt động đều đặn. Ðó là kỹ năng quản lý, tầm nhìn chiến lược của cán bộ lãnh đạo. Còn bộ máy mà rời mình nửa bước lại chệch choạc thì đó không phải người lãnh đạo giỏi.

Ông vừa nói việc đi công cán nước ngoài không loại trừ khả năng kết hợp làm việc riêng, đi du lịch, thăm thân… Theo nhìn nhận của ông thì tình trạng này có phổ biến hay không?

Khá phổ biến. Có thể nói việc cử cán bộ đi nước ngoài cũng tính đến chính sách chế độ. Không ít nơi cử cán bộ đi nước ngoài là một ưu đãi. Rồi lần lượt cử đi, lần này anh đi, lần sau tôi đi, như một thứ đặc quyền phân bổ, tưởng chừng công bằng nhưng lại không công bằng. Nếu đối tượng được cử đi phù hợp, quốc gia đến phù hợp, với hiệu quả mang lại cụ thể thì chẳng ai nói làm gì. Nhưng đằng này ai đi cũng được và có khi người đáng đi lại bị loại ra.

Không ít cơ quan tổ chức cố tình xây dựng dự toán ngân sách để đi nước ngoài bằng được mà hiệu quả không có.

Xin cảm ơn ông !

“Nhiều chuyến đi không rõ mục đích, cứ tổ chức đi nước ngoài bằng ngân sách, kết hợp xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp. Chủ yếu đi du lịch, chụp ảnh, quay phim những danh lam thắng cảnh, rồi về khoe khoang bạn bè. Còn nhận thức thay đổi của thế giới, của nước bạn đối với mình, rút ra bài học cho mình từ các chuyến đi lại không nhiều”.   Ông Lê Thanh Vân