Con nhà nghèo & 'cơn sốt' thủ khoa

TP - Mấy năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều con nhà nghèo nhưng chễm chệ trên bảng vàng tuyển sinh các trường đại học lớn trong nước. Điều mà nhiều con nhà giàu có mơ cũng không được.

>> Hàng ngàn độc giả khâm phục hai thủ khoa nghèo

Nhiều thủ khoa đậu điểm tuyệt đối khi cơm ăn không đủ no, chiếc xe đạp không có để đi, sách vở thiếu thốn, lại phải thức khuya dậy sớm lo việc đồng áng, chăn trâu cắt cỏ, phụ hồ đẩy xe … Để theo được việc học thường ngày thôi đã phải gồng lên với nghị lực ghê gớm, chưa nói là còn học giỏi, đạt kết quả thi xuất sắc.

Một hiện tượng xã hội đáng mừng. Thật đáng chúc mừng những thủ khoa vượt khó bằng nghị lực kiên cường ấy!

Tất nhiên vẫn có thể đặt câu hỏi ngược, rằng hồi xưa thời chiến tranh, bao cấp, có được mấy nhà giàu mà vẫn thật nhiều những người học giỏi ? Và thực tế bây giờ nhiều con nhà giàu học rất giỏi, bằng thực chất của mình, chứ không từ sự "trao đổi" nào cả.

Nhưng có lẽ với giới truyền thông, cũng như tâm lý nhiều người, vẫn luôn ấn tượng xuýt xoa ngưỡng mộ hơn khi một cậu học trò chân lấm tay bùn vươn lên bảng vàng mơ ước, thay vì một cậu ấm lên ngôi !

Nhưng cũng từ đây, dẫn đến một hiện tượng xã hội khác đáng suy nghĩ.

Ai cũng biết, danh hiệu thủ khoa và điểm số sau kỳ thi mới chỉ là bước đầu tiên của sự học, không phải là thành tích vĩnh viễn. Cũng như những chiếc huy chương vàng, bạc tại các kỳ thi Olympic quốc tế mà học sinh nước nhà đều đều gặt hái.

Vấn đề là từ thành quả ấy, lộ trình tiếp theo có phải là con đường say mê học hỏi, nghiên cứu sáng tạo dù đầy chông gai, gian khó, chấp nhận nhiều hy sinh ? Hay chỉ là tấm bằng loại tốt từ những ngôi trường tốt, để chỉ kiếm những công việc nhàn thân, thu nhập cao để thoát khỏi quá khứ đói nghèo ?

Một nghịch lý đã trở nên quá bình thường. Đó là lâu lâu báo chí lại phát hiện ra những nhà sáng chế "chân đất", những nông dân Hai Lúa thực sự. Họ đã sáng tạo ra thật nhiều những công cụ, máy móc thiết bị hữu hiệu để giảm bớt nỗi nặng nhọc cho chính mình trên ruộng đồng, trong sản xuất, chăn nuôi. Nhưng ít ai hỏi lại, rằng thật nhiều những cậu những cô thạc sĩ, tiến sĩ bằng đỏ nước trong, nước ngoài đang ở đâu, đang làm gì ?

Vẫn còn thật ít những nhà khoa học trẻ như GS toán học Ngô Bảo Châu. Vẫn còn thật ít những công trình nghiên cứu, những sản phẩm công nghệ, những phát minh khoa học mang tầm quốc gia và khu vực, chưa nói đến thế giới từ những bạn trẻ, vốn có nền tảng và năng lực trí tuệ hơn người.

Ở góc độ nào đó, nhiều bạn trẻ vẫn đang nghèo. Nghèo khát vọng nghiên cứu sáng tạo. Nghèo những mơ ước lớn lao, táo bạo vượt trên đôi chân chính mình để bắt nhịp ngang bằng với những phát minh tầm nhân loại.