Đặt tên - thổi tai gọi hồn cho trẻ
Lễ đặt tên cho trẻ mới sinh ở nhiều dân tộc khác được làm khi tròn 1 tháng tuổi, còn người Ê Đê thì làm sau 1 ngày bé cất tiếng chào đời. Bởi họ quan niệm trẻ mới sinh ra chưa có hồn nên cần làm lễ đặt tên, gọi hồn cho trẻ càng sớm càng tốt. Chị H’Bur Niê (ở buôn K’bu, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) kể: Chị có 3 người con, trong đó con gái đầu tên là H’Jin Niê được lấy theo tên của bà cụ quá cố. Mẹ chị kể lại rằng, cụ H’ Jin xưa kia là người hiền lành, tốt bụng được dân làng yêu quý. Chị lấy lại tên cụ đặt cho con gái mình để giữ tên của dòng họ và mong con lớn lên giống tính tốt của cụ. Theo chị H’Bur, tên của trẻ thường do ông bà ngoại, bà đỡ hoặc bố mẹ bé trong lúc mang bầu được tổ tiên báo mộng chỉ tên. Dù ai đặt đi nữa vẫn tuân thủ quy định là chọn tên của hai bên dòng tộc quá cố của bé. Vì người Ê Đê luôn tin có kiếp luân hồi tái sinh, ông bà sau khi mất sẽ đầu thai tiếp tục làm con cháu. Vì thế, tên người được chọn đặt phải tài giỏi, có đức tính tốt, giàu có...
Lễ đặt tên, thổi tai tổ chức vào buổi sáng sớm tinh mơ khi mặt trời ló rạng để cầu mong mọi điều tốt lành đến với bé (người Ê Đê rất kiêng kỵ tổ chức lễ vào buổi chiều- chỉ làm cho người chết). Bố chị H’Bur là thầy cúng, khi người trong làng sinh em bé, họ đều đến nhờ ông làm lễ đặt tên, gọi hồn. Lễ vật cúng gồm 1 ché rượu, 1 bát đồng (bên trong đựng ít nước sương và 1 củ gừng), 1 lá mía (hoặc lá tranh), 1 con gà và 1 sợi chỉ màu đen to được bện chặt. Đến giờ cúng, em bé được tắm rửa sạch sẽ, quấn chăn ấm đặt cạnh ché rượu. Lúc này, thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi thức cúng.
Thầy khấn: “Ơ Yàng (thần linh), hiện gia đình đã dâng lên 1 con gà, 1 ché rượu để làm lễ đặt tên cho con. Mời tất cả các Yàng về uống rượu, ăn thịt, giúp trẻ ăn no, chóng lớn”.
Dứt lời, thầy cúng thì thầm vào tai trẻ: “Này cháu, ta sẽ gọi tên cho cháu. Cháu ưng tên nào thì mở miệng cười hoặc khua tay ra hiệu, tên nào không thích cháu hãy khóc thật to nhé”. Nói rồi thầy cúng đọc lần lượt các tên gia đình muốn đặt. Tên nào trẻ không khóc, khua tay chân tỏ vẻ thích thú, gia đình sẽ lấy tên đó đặt cho trẻ. Xong rồi, thầy cúng lấy một ít gan gà đã luộc chín cho bé ăn, lấy lá mía nhúng nước sương trong chén đồng bôi lên miệng, tay chân bé. Tay vừa làm, miệng thầy vừa khấn cầu cho cháu sau lớn lên sẽ thành người gan dạ, có sức khỏe tốt, siêng năng, chăm chỉ, dẫu dầm sương dãi gió vẫn không sợ.
Tiếp đến thầy cúng làm lễ thổi tai cho trẻ. Thầy nhai củ gừng rồi phả vào hai lỗ tai của bé với ý nghĩa để tai cháu được thính, mắt sáng, thông minh, biết vâng lời cha mẹ, hiếu kính với ông bà, cô bác trong dòng tộc. Nếu bé là trai, thầy cúng làm thêm động tác cầm cái dùi, cái đục hoặc con dao đã chuẩn bị sẵn, gõ ra tiếng kêu cầu cho cháu lớn lên có đôi bàn tay khéo léo, biết trui rèn miếng sắt thành dao, xà gạt, cuốc xẻng…; biết chặt cây làm nhà, chẻ tre đan gùi, làm rổ… Cuối cùng, thầy lấy một sợi chỉ đen cột vào tay bé để chứng tỏ từ đây bé đã có tên, có hồn. Chị H’ Bur tin rằng, các con của chị được đặt tên - thổi tai theo đúng phong tục Ê Đê sẽ được Yàng che chở, có sức khỏe tốt, học hành giỏi giang, thành đạt.
Đặt tên xong, đứa trẻ hiển nhiên mang họ mẹ. Đây là phong tục truyền thống có từ xa xưa của người Ê Đê. Anh Y Chen Niê - Phó trưởng phòng Quản lý Di sản - Sở VH-TT&DL Đắk Lắk, cho biết: Chế độ mẫu hệ người Ê Đê, con mang họ mẹ xuất phát từ xã hội nguyên thủy trong quá khứ. Khi ấy, người đàn ông có nhiệm vụ vào rừng săn thú, chim chóc, còn phụ nữ làm công việc hái lượm. Phụ nữ siêng năng, chăm chỉ kiếm ra nhiều lương thực nên có tiếng nói hơn. Hơn nữa, khi người đàn ông đi săn nhiều ngày không trở về, đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha đẻ, suốt ngày quấn quýt bên mẹ. Chế độ mẫu hệ thiết lập từ đó và ảnh hưởng đến ngày nay.
Phụ nữ là “trụ cột gia đình”
Có trong tay nhiều đặc quyền như được quyền hỏi chồng, được chia của cải và con sinh ra mang họ mẹ, nhưng đằng sau đặc quyền đó thì phụ nữ Ê Đê cũng phải chịu nhiều vất vả, gian truân khi gánh trên vai trách nhiệm trụ cột trong gia đình.
Nếu như trong chế độ phụ hệ, mọi việc nặng nhọc trong nhà đều do đàn ông gánh, còn phụ nữ làm việc nhẹ hơn, chăm sóc con cái là chính. Ở chế độ mẫu hệ, phụ nữ Ê Đê gánh trên vai nhiều trách nhiệm hơn khi vừa lo việc trong nhà, dòng tộc, cộng đồng. Tranh thủ lúc đàn bò gặm cỏ trên đồng, Amí Nin (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) nhặt phân bò bán kiếm thêm thu nhập. Amí Nin cho biết, phụ nữ như bà việc gì cũng phải biết làm từ gùi nước, nấu ăn, lên nương làm rẫy nên vất vả lắm. Khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, phụ nữ đã lật đật dậy lo cơm nước cho cả nhà. Ăn xong, phụ nữ dọn dẹp, gói thức ăn trưa bỏ vào gùi rồi cầm thêm con dao, cái cuốc, xà gạt… cuốc bộ lên rẫy. Ở đó, phụ nữ cuốc đất, trồng cây, chặt củi… như cánh đàn ông. Hết buổi rẫy, họ lại gùi đồ đạc về nhà, đôi vai còng xuống khi đèo thêm bó củi bên người. Đến nhà, họ phải lao vào nấu cơm chuẩn bị bữa tối, loay hoay lo cho con cái đến khi ngọn lửa trong bếp sắp tàn họ mới được nghỉ ngơi.
“Thời chưa có máy xay gạo, già phải dậy sớm hơn để giã gạo. Giã gạo xong thì vào rừng sâu lấy nước về. Phải đi sớm thì lấy nước mới trong, sạch, nấu cơm ngon. Làm nhiều đến nỗi hai bàn tay chai sạn, cái vai u sần vì đeo nặng. Thời nay đỡ hơn thời ông bà mình nhiều rồi”, Amí Nin cho hay. Công việc mệt nhọc, vất vả là thế nhưng Amí Nin và chị em người Ê Đê không than vãn, không kêu la trách chồng. Họ âm thầm đón nhận quy luật tự nhiên như loài hoa Pơ Lang chỉ nở trong rừng, như dòng sông Srêpốk tuôn chảy quanh năm suốt tháng.
Một điều dễ nhận thấy, trong buôn làng Ê Đê hiếm khi xảy ra các vụ bạo hành. Theo già Y Bly Niê (người uy tín ở buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho hay trong buôn ít có gia đình cãi nhau vì đàn ông rất coi trọng phụ nữ. Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn bất hòa, sẽ có dòng họ hai bên đứng ra can thiệp hòa giải. Nếu còn tái phạm, dù chồng hay vợ sai cũng sẽ chiếu theo luật tục để phạt. Mức phạt dựa vào nội dung thỏa thuận ghi trong tờ giấy hôn ước của hai vợ chồng trước kia. Thông thường mức phạt là đốt 1 con gà hoặc một con heo to để tạ lỗi với dòng họ.
Chung sống với nhau hơn 40 năm, vợ chồng già Y Bly chưa khi nào to tiếng đến mức dòng tộc, xóm làng đến phân giải. Già Y Bly tâm sự: “Vợ của già rất hiền, siêng năng, chăm chỉ lên nương rẫy làm ra nhiều thóc gạo nuôi gia đình. Mua con gì nuôi, trồng cây gì, vợ cũng bàn với già trước khi quyết định”. Thấy vợ đảm đang chu toàn mọi việc lớn nhỏ trong nhà nên già Y Bly rất yên tâm. Những khi xảy ra mâu thuẫn, già luôn là người kiềm chế, không phải vì “lếp vế” mà đơn giản vì ông thương vợ.
Thời nay, công việc của người phụ nữ Ê Đê được san sẻ đi ít nhiều. Các ông chồng trẻ biết phụ vợ nấu ăn, chăm sóc con cái. Người vợ cùng chồng bàn cách làm ăn, nuôi con ăn học… Nhưng người vợ vẫn là “tay hòm chìa khóa”, quản lý tiền nong và là người đưa ra quyết định cuối cùng về các công việc quan trọng trong gia đình.
Một điều dễ nhận thấy, trong buôn làng Ê Đê hiếm khi xảy ra các vụ bạo hành. Theo già Y Bly Niê (người uy tín ở buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho hay trong buôn ít có gia đình cãi nhau vì đàn ông rất coi trọng phụ nữ. Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn bất hòa, sẽ có dòng họ hai bên đứng ra can thiệp hòa giải.
Một điều dễ nhận thấy, trong buôn làng Ê Đê hiếm khi xảy ra các vụ bạo hành. Theo già Y Bly Niê (người uy tín ở buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho hay trong buôn ít có gia đình cãi nhau vì đàn ông rất coi trọng phụ nữ. Khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn bất hòa, sẽ có dòng họ hai bên đứng ra can thiệp hòa giải.