Cạnh tranh bằng những dịch vụ đặc biệt
Giáo dục Thủ đô từ trước đến nay có một trường tư nổi tiếng khắp cả nước bởi kết quả thi ĐH cao là trường THPT Lương Thế Vinh. Điểm tuyển đầu vào của trường Lương Thế Vinh luôn ngang ngửa với những trường công đình đám nhất Hà Nội như Kim Liên, Thăng Long. Vậy mà để cho con được vào học trường này, nhiều phụ huynh đã phải chen chúc lúc 5 giờ sáng trước cổng trường để mua hồ sơ.
Hoặc một trường khác, tuy không hề nổi bật trong giáo dục mũi nhọn cũng như trong kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng cũng tạo nên được một thương hiệu vững chãi ngay tại hai quận trung tâm của Thủ đô, nơi dày đặc trường công, đó là trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Lối đi mà trường Đinh Tiên Hoàng chọn rất đặc biệt: Chuyên nhận học sinh cá biệt. Học sinh bị đuổi học ở bất kỳ trường nào đến Đinh Tiên Hoàng đều được nghênh tiếp.
Hiệu trưởng các trường trên đều cho biết, việc xác định đối tượng học sinh để thu hút các em đến với trường mình là yếu tố sống còn trong sự nghiệp phát triển một ngôi trường tư.
GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh nói: “Các trường phải trả lời được hai câu hỏi, Ta đang cần ai? Ai đang cần ta? Nếu Ta làm đúng y xì như các trường công lập thì không ai cần Ta, còn nếu Ta có dịch vụ giáo dục tiên tiến và chất lượng cao thì khối người cần Ta”.
Không kể phân biệt công - tư
Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhiều trường tư, không phải trường nào cũng dễ dàng thành công trong con đường tìm ra lối đi đặc biệt. Để hỗ trợ các trường tư trong quá trình họ xác lập vị thế vững chãi trong xã hội, nhà nước cần có những chính sách để ít nhất học sinh không có cảm giác mình bị phân biệt công – tư. Đó là chưa kể các trường tư đã có đóng góp rất lớn cho xã hội và nhà nước trong những năm qua.
Các trường THPT công trên địa bàn thành phố hiện nay chỉ đảm bảo 3/4 học sinh tốt nghiệp lớp 9 có chỗ học. Nếu không có hệ thống trường tư, 1/4 học sinh còn lại thất học và đó là điều bất hạnh cho gia đình các em và đe doạ an ninh xã hội.
Sự tồn tại của các trường tư không chỉ giúp nhà nước nâng cao dân trí, giảm bớt tệ nạn xã hội mà còn giảm đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do không được nhà nước đầu tư nên mọi chi phí học tập hiện nay ở trường tư đều phải do học sinh gánh chịu và điều đó là sự bất công với các em học sinh.
Cô Nguyễn Thu Nga, Hiệu trưởng trường THPT Hồng Hà (Hai Bà Trưng) nói: “Mỗi năm ngân sách nhà nước dành cho các trường công là 4 triệu đồng/ học sinh/ năm. Trong khi đó ở trường tư, mọi chi phí học tập gia đình học sinh hoàn toàn phải gánh chịu. Theo tôi, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ chi phí học tập với học sinh một cách đồng đều, không nên để phân biệt công – tư. Nếu không thì cũng nên hỗ trợ những em đang theo học ở trường tư phần nào đó để tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em”.
Còn thầy Đỗ Văn Mạn, hiệu trưởng trường THPT An Dương Vương (Đông Anh) thì cho rằng con em ở khu vực nông thôn là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất từ sự đối xử không công bằng này.
“Con cán bộ công chức có điều kiện kinh tế, được quan tâm học hành thì hầu hết đều vào trường công lập, đóng học phí thấp nên đã giàu lại càng giàu. Con nông dân, những gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện kinh tế, không được bố mẹ quan tâm đến việc học hành phải vào học ở các trường ngoài công lập học phí cao, dẫn đến đã nghèo lại càng nghèo”, thầy Mạn chia sẻ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố rất quan tâm tới cơ hội học hành của học sinh nông thôn, nhưng là cơ hội tại các trường công lập. Và đó là lý do để chỉ tiêu tuyển sinh với các trường công lập ở nhiều huyện ngoại thành cao áp đảo so với trường ngoài công lập.
Ông Vĩnh nói: “Đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập của các thầy cô cũng là hợp lý nhưng thực tế có triển khai được hay không và triển khai như thế nào còn phụ thuộc vào chính sách xã hội hoá của thành phố”. Với riêng học sinh diện chính sách thành phố đang thực hiện chế độ hỗ trợ học phí cho các em, bất kể các em học trường công hay trường tư.
Nhưng ông Vĩnh cũng cho rằng, dù chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp theo đầu học sinh nhưng những hỗ trợ mà các trường ngoài công lập được nhận trong những năm qua là rất lớn.
“Chẳng hạn với những dự án được cấp đất xây trường thì họ không phải trả tiền thuê đất. Đặc biệt, các chủ đầu tư khi có dự án xây trường thì được nhà nước cho vay với lãi suất không đáng kể. Những trường mới đi vào hoạt động thì không phải đóng thuế trong những năm đầu”, ông Vĩnh chia sẻ.