Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với họa sĩ Bùi Hoài Mai, một trong số những người đầu tiên tham gia cố vấn thiết kế cho dự án.
Thưa, anh có ý kiến gì về chuyện giới mỹ thuật hết sức phản đối dự án con đường gốm sứ bởi tính phi thẩm mỹ của nó?
Trước tiên phải nói, đây là một ý tưởng hay đối với thành phố Hà Nội bởi nó là dự án hiếm hoi, xuất phát từ ý tưởng của một cá nhân quan tâm đến môi trường, cảnh quan đô thị.
Việc mà khá nhiều người dân đang sinh sống ở Hà Nội vẫn coi đó là vấn đề của chính quyền. Căn bệnh thờ ơ, vô trách nhiệm, thiếu ý thức công dân đang ngày càng đẩy thủ đô 1.000 năm văn hiến vào cảnh nhếch nhác lộn xộn.
Tôi và rất nhiều họa sĩ khác đã hăng hái đóng góp ý tưởng, công sức, tiền bạc để ủng hộ cho dự án ra đời. Kết quả là trong thời gian ngắn, đã có một triển lãm đẹp trình bày cho công chúng thủ đô hiểu về chất liệu gốm ngoài trời tại Bảo tàng Dân tộc học. Lúc đó tất cả chúng tôi rất khâm phục nhà báo Nguyễn Thu Thủy, người vất vả, kiên trì để có được giấy phép khởi động dự án thú vị này.
Chúng tôi hi vọng rất nhiều vào ý nghĩa mang lại từ dự án chứ không phải danh hiệu “dài nhất” trong danh mục kỉ lục nào đó mà nghe nói họ đang đề cử. Giá trị mà những người tham gia vào dự án luôn hi vọng là bằng các hoạt động sáng tạo, mọi người dân cùng đưa ra ý tưởng, đánh thức lại những giá trị cộng đồng khi họ trực tiếp tham gia làm đẹp nơi sinh sống của chính mình.
Trong các cuộc họp tìm phương hướng cho dự án, tôi cùng các anh em họa sĩ đã luôn nhấn mạnh rằng bức tường này không phải là nơi để trưng bày các tác phẩm của họa sĩ.
Tiếc là rất nhiều mục đích tốt đẹp ban đầu nay đã biến tướng. Đây là một dự án thành công trong triển khai nhưng thất bại trong kết quả. Trên thực tế con đường này đang làm nên một thứ thẩm mỹ hổ lốn bôi bác thành phố. Không chỉ tôi mà có lẽ bất cứ một người nào am hiểu nghệ thuật công cộng cũng sẽ nói như thế.
Vậy mục đích ban đầu của dự án này là gì?
Khi chúng tôi đề nghị sự hỗ trợ tài chính từ quỹ Ford, tôi viết rất rõ: đây là một dự án nghệ thuật cộng đồng phi lợi nhuận. Tiền mà quỹ tài trợ sẽ dùng để quảng bá, học tập kinh nghiệm tổ chức từ các chuyên gia, phát triển truyền thông để quảng bá ý tưởng tốt đẹp này.
Dùng phương tiện nghệ thuật để nâng cao ý thức, bảo vệ cảnh quan đô thị trong chính những người dân thủ đô. Bất cứ ai, bất cứ nhóm người nào, ở một độ tuổi nào cũng có thể tham gia.
Những tác phẩm được tạo dựng trên con đường gốm sứ này là cái gì không quan trọng, điều quan trọng hơn là người dân sẽ đưa ra những ý tưởng, họ sẽ cùng nhau bàn cách giải quyết sao cho tác phẩm chung của họ nói lên được những vấn đề về Hà Nội hôm nay và cả tương lai. Tất nhiên muốn làm được điều này thì cần đến sự giúp đỡ của các nghệ sĩ.
Cách làm này không mới, các nước trên thế giới họ đã ứng dụng rất hiệu quả. Nó đạt được hai mục đích, một là người dân không thờ ơ, bàng quan với thẩm mỹ nơi họ đang sống. Từ sự không thờ ơ đến việc họ tự tay làm nên các tác phẩm thì ý thức giữ gìn nó cũng được nâng cao.
Mục đích thứ hai còn cao hơn là tạo ra một ý thức cộng đồng, ý thức công dân. Họ sẽ thấy thành phố này có ý nghĩa với họ biết bao. Khi tạo dựng được điều này rồi, thì con đường gốm sứ là của dân, dân là người thiết kế, là người thực thi, thậm chí bỏ tiền ra nữa.
Mục đích ban đầu kêu gọi sự phát triển nghệ thuật cộng đồng, nay dường như dành cho một nhóm họa sĩ đang âm thầm thực hiện “hợp đồng”. Sự “cần mẫn” của nhóm này cũng chẳng gây được “ấn tượng” cho mục đích cộng đồng kia, bởi thế mới có chuyện đoạn đường gốm sứ vừa được làm xong vẫn có kẻ đi tè vào nó.
Cũng xin nói luôn, sau khi Dự án nhận được khoản tài trợ của quỹ Ford là khi tôi bắt đầu nhận thấy nó đang bị lái sang một hướng khác, sai với tiêu chí, nên tôi sớm rút chân khỏi dự án. Đây hoàn toàn là quyết định cá nhân.
Tôi cũng biết, một khoản tiền không nhỏ từ quỹ Ford tài trợ đã được dùng để mời các chuyên gia có uy tín về nghệ thuật cộng đồng từ các nước đến truyền bá kinh nghiệm nhưng chả thấy tí hiệu quả nào.
Hôm trước khi đi ngang qua con đường gốm sứ này, tôi giật mình nhìn thấy chữ Hanel được ghép gốm to đùng trên một đoạn đường. Tôi không thể hiểu được giữa việc tham gia tài trợ cho dự án và việc quảng cáo cho thương hiệu có khác gì nhau không?
Đấy chỉ là một hình thức trá hình của việc mua quảng cáo giá rẻ. Tôi cho đây là thất bại dự án (mặc dù có thể thành công về tiền bạc).
Tôi hỏi chị nhé, đây là công trình thế kỷ để lại cho con cháu muôn đời sau như từng hi vọng, giả sử thôi, mấy năm nữa công ty Hanel tuyên bố phá sản, một công ty khác mua lại công ty Hanel, giả dụ vậy, thì người ta lại đục đi chữ Hanel để thay một cái biển khác vào đó?
Việc nực cười thế ai liếc qua mà chẳng biết: chị nọ kiếm được khoản tài trợ để nung gốm, anh kia chiếm được không gian quảng cáo giá hời mà lại vô thời hạn.
Còn dân đi ngang bảo: “Ôi giời, ông thò chân giò, bà thò chai rượu”. Việc tài trợ vì lợi ích cộng đồng và việc quảng cáo thương hiệu đã bị đánh lận con đen.
Anh chung tay để xây dựng một bộ mặt mới cho thủ đô Hà Nội văn minh hơn, vậy mà anh lại trương biển quảng cáo to đùng thế thì khác nào con đường gốm sứ đang bị cắt khúc để bán quảng cáo.
Xin cảm ơn anh.
Hà Phương
Thực hiện