> Thần chết mang tên men rượu độc
Uống… hóa chất
Vào cửa hàng bán hóa chất Tấn P. ở khu chợ Kiêm Biên, quận 5, TPHCM hỏi mua nguyên liệu chế biến rượu, nhân viên cửa hàng hỏi ngay: “Mua hương liệu hay cồn công nghiệp”.
Các nguyên liệu chế rượu không được cơ sở trưng bày nên khi tôi yêu cầu lấy cả cồn, hương liệu, chất tạo đục, nhân viên cửa hàng Tấn P. phải vào trong nhà lấy ra.
Tôi hỏi giá, được một nhân viên liệt kê: “Cồn công nghiệp giá 40.000 đồng/lít, hương liệu tạo hương nếp và hương gạo có giá 35.000 đồng/100ml còn chất tạo đục cho rượu giá 250.000 đồng/chai”.
Cồn công nghiệp đựng trong bịch nhựa 10 lít được người bán hàng giới thiệu nhập từ Indonesia, tuy nhiên không có nhãn mác gốc hay nhãn tiếng Việt để chứng minh điều đó.
Trong khi đó, các loại hương liệu và chất tạo đục cho rượu được cho là lấy từ Trung Quốc. Sau khi trả tiền cho các nguyên liệu đã mua, tôi được nhân viên nơi đây “khuyến mãi” cách chế biến để có được “rượu ngon”.
“Một lít cồn hòa với 20 lít nước lã, sau đó bỏ 50ml hương liệu hương nếp và khoảng 200ml chất tạo đục cho rượu, khuấy đều là xong. Nếu muốn rượu đặc trưng mùi hương nếp thì cho thêm hương liệu vào nhiều hơn”.
Tại cửa hàng bán hóa chất khác có tên Mười H, ở khu chợ này, khi hỏi nguyên liệu chế rượu, nhân viên bán hàng cho biết ngoài bán cồn công nghiệp, các hương liệu và chất tạo đục cho rượu, cửa hàng còn có chất làm rượu thuốc và cả hương liệu làm rượu ngoại.
Theo người bán hàng, nếu muốn chế rượu trắng thì chỉ cần pha nước lã, cồn công nghiệp, hương liệu và chất tạo đục.
“Còn muốn chế thành rượu thuốc ngoài công thức nói trên, phải cho thêm hương liệu đặc trưng của từng loại rượu thuốc như chuối hột, thảo dược, thậm chí có cả hương liệu rượu sâm và linh chi”.
Về cách tạo ra rượu ngoại, người chế rượu phải sử dụng hương liệu, phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên để pha vào.
Có nhiều loại hương liệu để làm rượu Henessy XO, hay Johnnie Walker... Cũng giống như cách chế các loại rượu thuốc, sau khi hút hết rượu xịn như Henessy XO, hay Johnnie Walker…ra khỏi chai, dân làm rượu dỏm dùng xi lanh bơm rượu trắng pha hóa chất vào vỏ chai rượu ngoại thứ thiệt mua từ đường Võ Thị Sáu.
“Rất nhiều cơ sở sản xuất rượu giả mà chúng tôi phát hiện được, họ còn pha cồn công nghiệp tỷ lệ cao lên để làm rượu ngoại nặng đô hơn”- một cán bộ quản lý thị trường TPHCM bật mí.
Gặp mặt “sát thủ”
Ở khoa Bệnh Nhiệt đới- BV Chợ Rẫy TPHCM hầu như tuần nào cũng tiếp nhận vài ba đệ tử “lưu linh” nhập viện vì ngộ độc rượu quá nặng. Bác sĩ Lê Quốc Hùng- Phó khoa Bệnh Nhiệt Đới cho biết, methanol là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu tràn lan trong những ngày qua
“Methanol thường xuất hiện trong chế phẩm làm dung dịch tẩy rửa, làm lạnh hay sản xuất sơn, tức là có trong thành phần của cồn công nghiệp nói chung. Nó cũng được điều chế bằng cách như chưng cất khí đốt từ cây gỗ hoặc than, các nguồn khí đốt khác, khí biogas, từ khí CO2 trong không khí hay khí đốt hóa thạch. Vì vậy methanol rất độc hại rất dễ gây tử vong nếu uống vào”- bác sĩ Hùng cảnh báo.
TS Nguyễn Đình Phú- Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết mỗi tháng nơi đây tiếp nhận khoảng 15 trường hợp ngộ độc do rượu gây nên.
“Nhiều trường hợp hôn mê sâu, suy gan, thận và trụy tim mạch do tác hại của methanol”- bác sĩ Phú nói.
Theo số liệu thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương của Việt Nam, tỷ lệ người điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 – 6% số bệnh nhân tâm thần.
Số vụ ngộ độc rượu chết người những năm gần đây cũng tăng lên với hàng chục người chết mỗi năm do tình trạng buôn bán, sử dụng rượu dỏm, dùng cồn công nghiệp pha chế rượu.
Tại BV Cấp cứu Trưng Vương, gần đây nhất, ngày 2-11, ông Nguyễn Minh K., 49 tuổi ở Bình Chánh, TPHCM được đưa vào cấp cứu trong tình trạng mạch chậm, động kinh kèm nôn ói.
Người nhà cho biết, ông K. uống rượu mua ở một lò rượu tại xã Vĩnh Lộc A và cùng uống với 3 người bạn. Sau khi “cưa” được hai chai, ông K. gục tại bàn, nói nhảm, co giật nên được đưa vào BV cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol và aldehyde trong máu của ông K. quá cao.
Bác sĩ CKII Trần Thanh Chiến- Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương cho biết, methanol không phải loại thực phẩm nên việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định cho phép là <0.1%, nghĩa là trong 1000 ml rượu chỉ cần có dưới 1ml methanol lập tức gây ngộ độc”.
Theo các chuyên gia, methanol đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đường hô hấp và ngấm trực tiếp qua da do tiếp xúc.
Methanol được hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa từ 30 - 60 phút sau khi uống, nó được chuyển hóa qua gan và thời gian bán hủy từ 4 - 8 giờ.
Còn theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, ngộ độc rượu methanol là loại ngộ độc khiến bệnh nhân chết rất nhanh chỉ trong vòng từ 6 tới 30 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
“Dân nhậu uống gặp loại rượu được chế từ cồn công nghiệp, thường có methanol cao. Chất này vào cơ thể sau đó hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, các chất dịch và lượng đào thải qua phổi là 20-30%, qua nước tiểu là 3%. Nên nếu xét nghiệm nước tiểu không thể biết được nồng độ thực chất lượng methanol trong người ngộ độc, dẫn đến khó khăn trong điều trị. Khi ngộ độc methanol sau 2 giờ, chất độc sẽ chuyển hóa thành Formate - một chất cực độc gây tử vong nhanh”- bác sĩ Hùng cho biết.
Rượu thủ công uống vào đi tong
Loại rượu chuối hột từ lò rượu thủ công của anh Lê Văn T. ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM được quảng cáo có chất lượng thượng hạng. Anh T., cho biết nấu rượu truyền thống từ nhiều năm nay, mối bán rượu cũng thích uống rượu của mình nên không bỏ được. Lò rượu của anh T., mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 150 lít, chủ yếu là rượu ngâm chuối hột và rượu nếp mới. Anh T. nói uống rượu thủ công cho an tâm, nhưng thực tế lò rượu thủ công này đã khiến 3 người tử vong vào 2 năm trước sau khi uống rượu chuối hột tại đây.