Cởi trói hạn điền để đổi mới nông nghiệp

TP - Hơn 30 năm trước, việc “xé rào” tổ chức khoán hộ đã tạo ra cuộc đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, từ chỗ thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, nước ta đã vươn lên đứng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, hồ tiêu, cà phê…

Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, những động lực của đổi mới đã cạn, thậm chí còn là rào cản cho sự phát triển, đòi hỏi cần phải có một cuộc đổi mới tiếp theo trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến hạn điền, tích tụ đất đai.

Bài 1: “Xé rào” tích tụ đất đai ở Hà Nam

“Đã “xé rào” thì chắc chắn là vướng luật. Nhưng nếu không “xé rào” thì sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục tụt hậu, đời sống nhân dân khó khăn. Vì thế, việc Hà Nam “xé rào” thực hiện thí điểm tích rụ ruộng đất không có mục đích gì khác ngoài việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đem lại đời sống tốt hơn cho bà con nông dân”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc bộc bạch.

Đời sống khó khăn trên những “bờ xôi, ruộng mật”

Cũng như nhiều vùng quê thuần nông khác, 10 năm trở lại đây, những giá trị về thu nhập do sản xuất nông nghiệp đem lại cho người dân các xã trong huyện Lý Nhân (Hà Nam) ngày càng giảm dần. Qua thảo luận, hạch toán công khai, dân chủ giữa người dân và các cấp chính quyền trước khi thực hiện thí điểm tích tụ ruộng đất cho thấy, những “bờ xôi ruộng mật” ở Nhân Khang, Xuân Khê và Nhân Bình (Lý Nhân) dù tạo ra đến 2 vụ lúa, một vụ đông/năm nhưng trừ hết chi phí (chưa tính công lao động), cũng chỉ đem lại thu nhập khoảng 400- 450 nghìn đồng/ sào năm. Nếu gia đình nào thuê khoán tất cả mọi khâu chỉ còn hòa vốn, thậm chí có năm thời tiết khắc nghiệt, mưa bão, mất mùa thì lỗ vốn. Tỷ lệ người dân gắn bó với ruộng đồng ngày càng ít, cá biệt có nơi còn để đồng hoang.

Đứng trước thực trạng đó, từ chính quyền địa phương cho đến người dân đều trăn trở, mong muốn có một cuộc đổi mới trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra giá trị hiệu quả cao. Tuy nhiên, do ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ, xôi đỗ, lại bị “trói buộc” bởi quy định về hạn điền, tích tụ ruộng đất nên người dân, doanh nghiệp bị “trói chân, trói tay” không có cơ hội làm ăn lớn.

Vì thế, sau 30 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh Hà Nam vẫn theo nếp “tự cung, tự cấp”, chứ không có tính hàng hóa, thị trường, thiếu các sản phẩm chất lượng cao. Điểm mới khác trước có chăng chỉ là sự xuất hiện của những chiếc máy gặt, máy làm đất… “Muốn đầu tư đưa cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì phải có diện tích lớn liền bờ, liền thửa, chứ nhỏ lẻ vài ha, vài mẫu, hoặc xôi đỗ thì không doanh nghiệp, người dân nào đầu tư cả ”, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết.

“Xé rào” để làm ăn lớn

Đứng trước thực trạng trên, để tái cơ cấu nền nông nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Nam đã bàn chủ trương tích tụ ruộng đất để tạo ra những cánh đồng lớn kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. “Đây là việc làm mới, Luật Đất đai chưa có quy định nên ngay khi vấn đề được nêu ra đã nảy sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngay trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có nhiều ý kiến khác nhau,  có ý kiến còn nói thẳng rằng, luật chưa cho phép, thậm chí có ý kiến gay gắt nói rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Hiến kể.

“Các bộ, ngành phải suy nghĩ, nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách, trong đó có các Bộ Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT. Trong tháng 3 này phải sửa xong Nghị định 210 tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Thứ hai, các văn bản liên quan khác không thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả Luật Đất đai, phải được báo cáo Quốc hội sửa chữa, tạo điều kiện cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói khi dự lễ khởi động dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam ngày 2/2

Theo ông Hiến, ở thời điểm đó, ông Mai Tiến Dũng đang là Bí thư Tỉnh uỷ (nay là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) luôn bảo vệ quan điểm về tích tụ ruộng đất. Ông cũng cam kết, sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề trên. 

Chính sự quyết liệt đó đã dần dần tạo ra sự yên tâm, đồng thuận trong Ban Thường vụ. Đến năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành kết luận chỉ đạo “xé rào” thực hiện tích tụ ruộng đất để cho doanh nghiệp thuê đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quan điểm của tỉnh là làm thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Làm đến đâu, báo cáo với các cấp thẩm quyền ở Trung ương đến đấy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng quyết định “xé rào” bằng việc chính quyền trực tiếp đứng ra thuê đất của dân chứ không để doanh nghiệp tự thỏa thuận thuê lại. “Thực tế không chỉ ở Hà Nam, mà nhiều địa phương khác trong cả nước cho thấy, nếu doanh nghiệp trực tiếp đứng ra thỏa thuận thuê lại của dân theo tinh thần của Luật Đất đai thì có rất ít cơ hội thành công. Bởi chỉ cần một vài hộ không đồng tình, không cho thuê là dự án hoàn toàn có thể đổ vỡ”, ông Hiến nói.

Dù vậy, ông Ngọc cho biết, một số người dân nói rằng, bao nhiêu công sức, xương máu đổ ra mới có đất mà bây giờ không có đất thì người nông dân đâu còn gì nữa.

Tuy nhiên, với việc “xé rào”, chính quyền trực tiếp ký hợp đồng thuê lại đất của dân với thời hạn 20 năm, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại thì quyền sở hữu đất đai của người dân vẫn được đảm bảo. Nhờ đó, mà mọi người đều đồng thuận, tỷ lệ ủng hộ tích tụ ruộng đất ngày càng cao, có dự án đến 90 – 95%.

Thu nhập gấp đôi

Một vấn đề lớn nhất trong việc tích tụ đất đai là làm sao bảo đảm được thu nhập của người dân cao hơn so với trước dù họ không trực tiếp sản xuất trên đất của mình nữa. Theo ông Hiến đây là nội dung gây ra rất nhiều ý kiến khác nhau. Để tìm sự đồng thuận, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã trực tiếp về tận các thôn, xóm, xã để họp bàn với dân. Cả người dân và chính quyền đều dân chủ, tính toán, hạch toán công khai tất cả các chi phí mà mỗi sào đất phải gánh chịu, từ cây giống, phân bón, tưới tiêu, làm đất, đổ ải… Sau đó, tính đến năng suất cao nhất, giá thành cao nhất mà sản phẩm có được để ra thu nhập của người nông dân trên mỗi sào ruộng.

Đứng trên quan điểm, những người có đất thuộc diện tích tụ phải có thu nhập cao hơn trước, tỉnh đã quyết định cơ chế hỗ trợ là 900.000- 1 triệu đồng/ sào đất. Như vậy người dân có đất cho thuê, dù không phải làm gì thì cũng có thu nhập gấp đôi so với trước. Đồng thời, những gia đình có đất cho thuê, nếu có nhu cầu và phù hợp sẽ được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc với mức lương 4- 6 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, vướng mắc nảy sinh là tiền đâu để trả cho dân khi mà chưa thu hút được doanh nghiệp. Ông Hiến cho biết, tỉnh quyết định không mua xe mới, không xây trụ sở mà dồn tiền để đầu tư cho nông nghiệp.

Chính những quyết định “xé rào” trên cộng với sự quyết tâm, sẵn sàng chịu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh nên chính sách tích tụ ruộng đất ở Hà Nam đã dần vượt qua được những rào cản. Đến nay, có nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu trong và ngoài nước đã về Hà Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, mới đây Cty cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đầu tư 75 tỷ đồng để sản xuất rau quả nông sản cao cấp trên diện tích gần 22 ha được tích tụ ở xã Nhân Khang. Tập đoàn Vingroup cũng triển khai dự án VinEco Hà Nam, với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng trên diện tích 180 ha đất được tích tụ ở huyện Lý Nhân.

(Còn nữa)