Có thể in bổ sung phôi bằng

Xử lý đối với những trường hợp “học xong không được cấp bằng” ở một số trường nghề, ông Nguyễn Hồng Minh - vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề - cho rằng các cơ sở đào tạo có nhiều cách giải quyết để đảm bảo quyền lợi của học viên.

> Học xong không được cấp bằng

Học sinh hệ trung cấp nghề Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn trong giờ thực hành. Từ cuối năm 2007, trường này không còn tuyển hệ công nhân kỹ thuật. Ảnh: Minh Giảng.
 

Thưa ông, tại sao lại có tình trạng thiếu phôi bằng tốt nghiệp để cấp cho học viên đào tạo nghề dài hạn?

Luật dạy nghề bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2007. Theo đó, hệ đào tạo công nhân kỹ thuật (dạy nghề dài hạn) từ thời điểm này chuyển thành hệ đào tạo trung cấp nghề.

Tổng cục Dạy nghề đã có hướng dẫn tới tất cả các sở GD-ĐT về biện pháp xử lý trong giai đoạn chuyển tiếp theo hướng: những khóa tuyển sinh dạy nghề dài hạn trước khi luật có hiệu lực vẫn tiếp tục đào tạo hoàn tất theo chương trình và cấp bằng công nhân kỹ thuật; các trường dạy nghề không được tuyển sinh hệ công nhân kỹ thuật dài hạn nữa để chuyển sang đào tạo chương trình trung cấp nghề.

Chúng tôi đã thông báo cho các sở yêu cầu các trường thuộc hệ thống dạy nghề rà soát, xác định số lượng học viên học nghề dài hạn còn lại sẽ tốt nghiệp để đề xuất về tổng cục số phôi bằng tốt nghiệp cần cấp cho khóa công nhân kỹ thuật cuối cùng. Tuy nhiên có một số trường, một số địa phương do thống kê chưa đầy đủ, chính xác đã dự trữ không đủ so với số lượng thực tế, dẫn đến bị thiếu phôi bằng tốt nghiệp.

Trong khi đó, Tổng cục Dạy nghề đã dừng in mẫu phôi bằng tốt nghiệp hệ này vì Luật dạy nghề đã có hiệu lực được gần bốn năm. Hiện chúng tôi không còn phôi dự trữ.

Theo ghi nhận của Tổng cục Dạy nghề, số lượng học viên chưa được cấp bằng do thiếu phôi bằng tốt nghiệp trong cả nước có nhiều không và biện pháp giải quyết thế nào, thưa ông?

Các sở có rải rác báo cáo về nhưng số lượng ở từng địa phương không nhiều, phần lớn là do lúc ước lượng số lượng học viên sẽ tốt nghiệp để dự trữ phôi bằng chưa chuẩn. Phương án giải quyết của chúng tôi trong thời gian qua là tiếp nhận thông tin số lượng phôi bằng còn thiếu của các địa phương, đồng thời thông báo cho các sở, trường nào còn dư phôi thì điều chuyển cho địa phương có nhu cầu.

Nhìn chung, các sở có yêu cầu đều thiếu với số lượng không quá lớn và đề xuất, tìm kiếm nguồn bổ sung sớm nên đều đã giải quyết được từ năm trước. Tôi muốn lưu ý là khóa dạy nghề dài hạn cuối cùng được phép tuyển sinh muộn nhất cũng phải trước tháng 6-2007, với thời gian hai năm đào tạo thì đáng lẽ học viên phải tốt nghiệp từ năm 2009, nếu còn chỉ có một số trường hợp đặc biệt chứ không thể dây dưa kéo dài đến tận bây giờ với số lượng lớn...

Nếu do có nhu cầu với số lượng nhiều, các cơ sở dạy nghề đề xuất, Tổng cục Dạy nghề có thể in bổ sung phôi bằng tốt nghiệp hay không?

Trong trường hợp cần thiết, nếu cần với số lượng nhiều, do sở GD-ĐT tập hợp được số lượng và có đề xuất chính thức về Tổng cục Dạy nghề, chúng tôi có thể xem xét giải quyết theo hướng cho phép in bổ sung, tổng cục sẽ quản lý chặt chẽ số lượng và xêri phôi bằng. Tuy nhiên, các trường nên khuyến khích và tạo điều kiện cho người học học chuyển đổi sang hệ trung cấp nghề.

Vậy đối với các địa phương, các trường còn thiếu phôi bằng để cấp cho số học viên hệ dạy nghề dài hạn cuối cùng, như Tuổi Trẻ phản ánh, sẽ phải giải quyết như thế nào?

Nếu các trường cần phôi bằng cấp cho học viên cần chủ động liên hệ với sở GD-ĐT để đề xuất sở liên hệ với Tổng cục Dạy nghề hoặc các sở GD-ĐT khác tìm số phôi bằng còn dư.

Ngoài ra, còn có nhiều cách giải quyết khác để đảm bảo quyền lợi của người học như cấp chứng nhận tốt nghiệp. Hoặc người học có thể tiếp tục học chuyển đổi sang hệ trung cấp nghề và nhận bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.

Trong vấn đề này, để đảm bảo quyền lợi cho học viên, trước hết là trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề vì Luật dạy nghề đã có hiệu lực được bốn năm - một khoảng thời gian đủ dài, không còn ở giai đoạn chuyển tiếp...

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp