> Công bố các luật, nghị quyết vừa được thông qua
Bộ luật có một số quy định chi tiết để bảo vệ người lao động, cả đối với người có hoặc không có hợp đồng lao động. Ví dụ khoản 2, Điều 16 quy định hình thức hợp đồng lao động có thể bằng lời nói đối với công việc có thời hạn dưới 3 tháng.
Để tránh lao động cưỡng bức, Bộ luật cấm người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động, hoặc yêu cầu người lao động nộp tiền, thế chấp tài sản để được làm việc.
Riêng đối với lao động trẻ em, Bộ luật quy định bảo đảm người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được tiếp cận với việc làm trọn thời gian (không làm thêm giờ và làm đêm).
Một nét mới của Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là quy định về lao động giúp việc gia đình, lao động làm việc theo giờ (không trọn thời gian); và quy định (lần đầu tiên) điều chỉnh quan hệ cho thuê lại lao động. Bà Sandra Polaski, Giám đốc điều hành Khối Đối thoại xã hội (Tổ chức lao động quốc tế ILO) nhận xét đây là “một sáng kiến quan trọng”.
Theo đó, Việt Nam đã trở thành nước đi đầu trong các quốc gia mới nổi, quy định về những vấn đề này.
Để bảo vệ người lao động tốt hơn, Điều 4 Bộ luật quy định vai trò của nhà nước trong các quan hệ lao động.
Theo đó, xác lập vai trò của nhà nước trong việc hướng dẫn “đối thoại và thương lượng tập thể” giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việc đối thoại sẽ được thực hiện tại nơi làm việc, định kỳ 3 tháng/lần, để tháo gỡ những vấn đề phát sinh giữa hai bên.
Bộ luật cũng quy định rất cụ thể về tiền lương. Ví dụ lương tối thiểu phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và phải “là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường, phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Bộ Luật quy định, mức lượng trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Về chế độ nghỉ lễ tết và thai sản, người lao động được nghỉ 5 ngày vào tết nguyên đán (tăng thêm 1 ngày).
Riêng đối với lao động nữ, sẽ nghỉ thai sản (trước và sau khi sinh) tổng cộng 6 tháng (tăng thêm 2 tháng). Tuy nhiên, người lao động có thể lựa chọn đi làm sau khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh để phát huy hiệu lực của Bộ luật, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là quy định về cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể.