Có 'siêu máy bơm' đường vẫn ngập, chủ đầu tư nói bị phá hoại

TPO - Trận mưa kéo dài nhiều tiếng đồng hồ ở TPHCM vào tối 1/6 khiến hàng loạt tuyến đường trên nhiều quận huyện bị ngập nặng kể cả đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh dù có “siêu máy bơm”. Như lần trước, chủ ”siêu máy bơm” đổ lỗi bị phá hoại khi đường ngập nhưng nước không về trạm bơm được do tắc cống.
Cơn mưa tối 1/6 khiến nhiều tuyến đường ở TPHCM ngập nặng.

Cơn mưa lớn kéo dài từ khoảng 22h30 tối 1/6 đến gần 2h sáng nay khiến nhiều khu vực ở TPHCM bị ngập sâu. Đáng kể là khu vực đường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè; đường Huỳnh Tấn Phát quận 7; đường Ung Văn Khiêm, D1, Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh; đường Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, Lê Lai quận 1; đường số 20, Kha Vạn Cân quận Thủ Đức...

Trong đó, đoạn đường Lê Văn Lương huyện Nhà Bè mới được nâng cấp, đường Ung Văn Khiêm mới được công bố hết ngập, đường Huỳnh Tấn Phát đang được đầu tư thay hệ thống cống thoát nước nhưng có đoạn vẫn ngập gần cả mét. Đường Nguyễn Hữu cảnh được trang bị siêu máy bơm nhưng nước vẫn ngập.

 Đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng bị ngập sâu khiến các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn.

Sáng 2/6, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp Quang Trung  cho biết, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập trong cơn mưa tối qua là do nước không về được trạm bơm. Vì vậy, hệ thống bơm dầu công suất từ 27.000-96.000m3/h không thể hoạt động được, đơn vị chỉ cho máy bơm phụ hoạt động.

Theo ông Cường, đơn vị đã lắp chip thông minh để đo mực nước trong hệ thống cống và tại trạm bơm. Khi trời không mưa, mực nước trong cống hộp tại trạm bơm ở mức khoảng 2,7m, trong các trận mưa trước mực nước đạt khoảng 1,3m thì máy bơm hoạt động tốt và đường không bị ngập.

Nước ngập khiến nhiều phương tiện chết máy trên đường lúc giữa đêm.

Tuy nhiên, trong trận mưa tối qua, nước từ ngoài đường không về trạm bơm được nên mực nước tại đây vẫn nằm trong khoảng từ 2,6-2,7m khiến máy bơm không thể hoạt động gây nên ngập. “Ngoài đường ngập sâu nhưng nước lại không về tới trạm bơm nên máy bơm không thể hoạt động được. Theo tôi hệ thống cống dẫn ra trạm bơm đã bị tắc nghẽn nên nước không về được”, ông Cường nói.

Chủ đầu tư “siêu máy bơm” cho hay, mới đây công nhân thoát nước đã vớt từ hệ thống cống đường Nguyễn Hữu Cảnh lên gần 200m3 bùn đất, rác thải. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì chỉ vài ngày sau khi nạo vét thì cống đã bị tắc. “Tôi nghi ngờ có sự phá hoại ở đây. Có những cá nhân không muốn công nhận hiệu quả của máy bơm trong khi từ lúc thử nghiệm đến nay đã có 20 lần chống ngập thành công. Đây là lần thứ 2 không thành công do nước không về trạm bơm”, ông Cường nói. Ông Cường cho hay, ông đã báo cáo tình trạng này lên lãnh đạo UBND TPHCM và trung tâm chống ngập thành phố.

Chủ đầu tư "siêu máy bơm" cho rằng cống bị tắc khiến nước không về trạm bơm được. Mực nước tại trạm bơm thời điểm đường ngập là 2,65.

Theo thông tin từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, quy hoạch từ 2016-2020, TPHCM cần đến 97.000 tỷ đồng để chống ngập cho thành phố. Tuy nhiên, đến nay vốn ngân sách của thành phố, của trung ương chỉ huy động được hơn 26.800 tỷ đồng.

Cống hộp tại trạm "siêu máy bơm" không đủ nước để bơm hoạt động do tắc cống?

Ngoài ra, nhiều khu vực dù đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng đường, thay cống hộp cỡ lớn để chống ngập nhưng cứ hễ mưa lớn là ngập khiến người dân thành phố bức xúc.