Cố nghị sĩ John McCain và ký ức với người Hà Nội

TPO - Cố TNS Mỹ John McCain, người bạn quan trọng của VN thời hậu chiến tranh, vừa qua đời ở tuổi 81 sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Từng là một cựu tù binh chiến tranh với gần 6 năm tại nhà tù Hoả Lò, TNS John McCain đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam và không thể quên quay lại thăm Hà Nội.  

Lần cuối cùng Thượng nghị sĩ John McCain đến thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò là vào ngày 31/5/2017 trước khi ông phát hiện căn bệnh ung thư của mình và qua đời ở tuổi 81. Ông chiến đấu với căn bệnh ung thư não ác tính từ tháng 7/2017 và đã không còn xuất hiện ở Quốc hội Mỹ kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong những lần trở lại thăm Việt Nam, ông đều dành thời gian để thăm lại Nhà tù Hoả Lò, nơi ông đã trải qua gần 6 năm cuộc đời. 

Tháng 7/1966, chiến dịch Sấm Rền của Mỹ được mở rộng mục tiêu sang cả các kho đạn và các cơ sở trữ dầu của miền Bắc. John Mc.Cain đã thực hiện 23 lần bay trên bầu trời miền bắc Việt Nam. Trong chuyến ném bom xuống Nhà máy điện Yên Phụ, ngày 26/10/1967, chiếc A-4E Skyhawk đã bị bộ đội Phòng không Việt Nam bắn rơi. John Sidney McCain gần như bị chết đuối khi nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch và bị thương nặng. Ông Lê Trần Lụa và Mai Văn Ổn là những người đầu tiên bơi ra giữa hồ vớt John McCain lên. Trong những lần quay lại Việt Nam và đến Hà Nội, ông luôn tìm gặp những người đã từng giúp đỡ mình. Trong ảnh là sự vui mừng, xúc động của ông Mai Văn Ổn và Thượng nghị sỹ John S. McCain khi gặp lại nhau sau gần ba thập kỷ tại Hà Nội vào năm 1996.
Để ghi nhớ sự kiện của TNS John McCain năm xưa, sau đó một bức phù điêu ven hồ Trúc Bạch đã được xây dựng.
Cố Nghị sĩ John Sidney Mc.Cain sinh năm 1936, tại căn cứ không quân Coco Solo trong vùng kênh đào Panama. Cha và ông nội của John McCain đều là Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ. Ngày 02/3/1965, Mỹ tiến hành chiến dịch Sấm Rền (Rolling Thunder) nhằm chặn các tuyến đường vận tải ở miền Bắc và các đường chuyển quân, viện trợ vào miền Nam. Tháng 7/1966, chiến dịch Sấm Rền đã được mở rộng mục tiêu sang cả các kho đạn và các cơ sở trữ dầu của miền Bắc. John Mc.Cain đã trực tiếp thực hiện 23 lần bay trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Trong ảnh, John Sidney McCain (đứng bên phải) cùng đồng đội trong lực lượng Không lực Hải quân.
Ngày 26/10/1967, chiếc A-4E Skyhawk của John McCain đã bị bộ đội Phòng không Việt Nam bắn rơi. Ông đã được cứu sống khi rơi xuống hồ Trúc Bạch. Sau đó, ông được chuyển tới Viện Quân y 108 để điều trị. 
Từ 1972 - 1973, John Sidney McCain đã được đưa đến Đức Giang, ngoại thành Hà Nội để tận mắt chứng kiến cảnh đổ nát và chết chóc do không lực Hoa Kỳ gây ra. Những mất mát của người dân Việt Nam đã giúp McCain hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh đang diễn ra tại đây. Và đây cũng chính là bước ngoặt đã giúp ông hiểu hơn về cuộc chiến phi nghĩa ông đang tham gia trước khi bị bắt làm tù binh. Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, sáng ngày 14/03/1973, John Mc.Cain (giữa) cùng những phi công Mỹ khác được trao trả tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
Trước đó, trong những ngày tháng tại trại giam Hoả Lò, cố TNS John McCain đã trải qua những ngày tháng khó quên.
Trại giam Hoả Lò từ trên cao, nơi cố TNS John McCain từng bị giam giữ sau khi bị bắn rơi máy bay tại hồ Trúc Bạch. Tại đây suốt quãng thời gian gần 6 năm đã tác động không nhỏ tới vị cố TNS sau này về hình ảnh Việt Nam. Với vị trí của mình trong Thượng viện Hoa Kỳ, cố TNS John Sidney McCain đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng ủng hộ Việt Nam cũng như mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ sau này như: Sự kiện bình thường hoá quan hệ hai nước vào năm 1995, Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chống bán phá giá đối với Việt Nam và góp phần không nhỏ xoá bỏ lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ đã áp đặt lên Việt Nam.