Họa sĩ bụi đời
Festival Huế 2010, nhóm họa sĩ Nguyễn Duy Hiền đã xác lập kỷ lục với phố tranh gồm 3.000 bức. Hiền hơi khác so với phần đông nghệ sĩ Huế, tuy sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng vì nhà nghèo, phải bỏ học vào rừng tìm trầm. “Giờ trong những tác phẩm của tôi vẫn còn lẩn quất ký ức kinh hoàng của cái đói, sốt rét rừng, những vụ thanh trừng tranh giành địa bàn trong những tháng ngày lang thang tìm trầm” - Nguyễn Duy Hiền nói.
Bỏ rừng, Nguyễn Duy Hiền vào Sài Gòn, đạp xích lô sống qua ngày. Chán Sài Gòn, Hiền về Quảng Nam đãi vàng, rồi ngược ra Nghệ An đào đá đỏ?
Mọi khát vọng làm giàu đều dang dở, Hiền sực nhớ và quay trở lại với ước mơ cầm cọ ngày nào. Không có tiền, anh vào trường ĐH Nghệ thuật Huế đứng ngoài cửa sổ lén nghe giảng bài.
Hiền vẽ tranh sống cầm cự. Hơn 20 năm trời dành dụm, ước mơ của anh là được đóng góp một phần công sức, tâm huyết của mình cho đất Huế quê hương. Vợ anh biết anh lén giấu tiền, rất khổ sở, nhưng cuối cùng cũng cảm thông với ước nguyện của chồng.
Xã hội hóa lễ hội
Đến với Festival Huế lần này, ngoài 2012 tác phẩm hội họa trên mọi chất liệu sơn dầu, acrylic, tổng hợp và sắp đặt của ba gương mặt họa sĩ quen thuộc Nguyễn Duy Hiền, Trần Hữu Nhật và Nguyễn Hoàng Việt, công chúng yêu nghệ thuật còn được xem màn trình diễn trực tiếp của các họa sĩ từ ba miền Bắc-Trung-Nam như: Lương Xuân Đoàn, Chế Công Lộc, Lê Kinh Tài, Vĩnh Phối...
“Tôi luôn quan niệm nghệ thuật phải hướng về cộng đồng”, Hiền cho biết: “Có một bức ảnh chụp phố tranh khiến chúng tôi rất ấn tượng, đó là một bà lão đang đi trên đường bỗng dừng lại chăm chú xem tranh”. Vì vậy, ngoài không gian trưng bày, Hiền còn tạo một không gian mở để công chúng và hàng trăm em học sinh quanh vùng được tự do sáng tạo và tương tác. Với Hiền, không có khoảng cách giữa mỹ thuật với mọi tầng lớp công chúng. Anh vừa gom góp, vừa chạy vạy vận động khắp nơi để tranh không chỉ nằm trong studio. Mong muốn của Nguyễn Duy Hiền là sau kỳ Festival, những bức tranh của anh cùng các bạn sẽ được mang bán đấu giá. “Toàn bộ số tiền sẽ ủng hộ trẻ em khó khăn”, Hiền nói.
Sau nhiều kỳ Festival Huế, lễ hội đã đi vào đời sống người dân Huế. Những người nông dân bình dị sắp đặt hoa giấy ở làng Thanh Tiên, những nghệ nhân làm gốm ở làng cổ Phước Tích và chính những nghệ sĩ như Nguyễn Duy Hiền đang góp phần xã hội hóa lễ hội, mang lễ hội đi vào cuộc sống của người dân Cố đô.