Đi xin… nhà cho người nghèo
Khi chúng tôi hoài nghi câu chuyện về một người bỏ hết thời gian, công sức chỉ lo chuyện khó của người dưng, nhiều người ở quán nước đầu làng góp tiếng: “Ông Ôn từ thiện ấy à, ổng tội lắm, làm đủ chuyện cho người nghèo. Làng trên xóm dưới ai không biết”.
“Nó như cái duyên, cái nghiệp đã vận vào tôi rồi. Thấy khó không giúp thì người bứt rứt khó chịu lắm” - ông Ôn mở đầu câu chuyện. Chuyện mẹ con chị Huỳnh Thị Tuyết (51 tuổi, thôn Hưng Phố, xã Bình Lâm) hơn 20 năm sống trên núi. Đơn thân, cơ cực. Ông đề xuất với xã bố trí đất, xây nhà tình thương. Hội phụ nữ trích quỹ 30 triệu đồng, còn ông chạy khắp nơi xin quyên góp thêm để mẹ con chị Tuyết có được ngôi nhà mới dưới này. Nhà khánh thành hồi tháng 6 nhưng vẫn trống hoác không có vật dụng gì. Ông lại đi xin xoong nồi, bàn ghế… Cả cái tivi cũ họ cho ông cũng cho mang về sửa lại làm “quà” nhà mới. Ông còn xin được suất hỗ trợ dài hạn tới 5 năm cho con trai chị Tuyết là em Huỳnh Văn Dũng, người hỗ trợ tiền, có cả người nhận cắt tóc cho em… miễn phí!
“Hiếm có người tốt bụng như ông Ôn. Con người đó kỳ lạ lắm, giúp người vô tư, không nề hà, không tính toán. Thấy ai gặp khó ổng cũng xắn tay giúp, tận tâm, nhiệt tình nên làng trên xóm dưới ai cũng quý”.
Ông Nguyễn Văn Thông -
Bí thư Đảng
ủy xã Bình Lâm
“Tui không phải người gốc ở đây, mấy chục năm mẹ con sống trên núi nay xuống đây có nhà mới, có hàng xóm láng giềng nên vui lắm. Tui mang ơn bác Ôn, mang ơn mọi người nhiều”, chị Tuyết xúc động.
Tình cảnh mẹ con bà Dương Thị Đào (88 tuổi, thôn Nhứt Đông, xã Bình Lâm) cũng thương tâm không kém. Tuổi già, sức yếu lại mang trên cổ khối bướu, ở với đứa con trai khuyết tật. Gian nhà nhỏ của hai mẹ con dựng lên đã 25 năm vẫn chưa trát vữa, nay hư hỏng nặng, mưa dột khắp. Xót xa, ông Ôn đi vận động đóng góp dựng lại nhà cho bà. Cũng như mọi lần, trường hợp bà Đào ông dành riêng một cuốn sổ để ghi chép danh sách ủng hộ, rồi mở ví lấy 500 ngàn đồng ghi lên hàng đầu. “Mình góp trước làm gương rồi mọi người mới chung tay góp vào được. Và phải rõ ràng minh bạch, ai cho đồng nào thì tự ký tên vào sổ”, ông Ôn nói.
Gần hai tháng ròng mang sổ đi xin, đến nay ngôi nhà bà Đào đã hoàn thành một nửa. Người cho tiền, người cho gạch ngói, rui mè, người góp công sức…gom góp lại. Xin chưa kịp thì ông lại đứng tên vay nợ mua vật liệu để làm cho kịp. “Cũng vì thế nhiều khoản nợ không tên không biết báo cáo với vợ thế nào” - ông vò đầu cười.
Gặp nạn là giúp
Những cuốn Sổ vàng ghi lại các hoàn cảnh được cứu giúp của ông Ôn ngày càng dày lên. Năm ngoái, một phụ nữ ở xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh) lên Hiệp Đức không may bị đuối nước. Trời tối, hỏi thăm mãi được số điện thoại báo cho gia đình, nhưng người thân quá nghèo, loay hoay chưa biết vay mượn đâu để lên đưa xác về. Ông làm thùng kêu gọi quyên góp. Được 13,5 triệu đồng, ông bàn giao cho gia đình nạn nhân trước sự chứng kiến của chính quyền, rồi thuê xe đưa nạn nhân cùng người nhà về.
Có hôm đang trên đường từ Đà Nẵng về Quảng Nam, ông gặp tai nạn hai xe máy. Ông cùng mọi người hỗ trợ đưa nạn nhân đi cấp cứu, túc trực ở bệnh viện cho đến khi người nhà tới. Hôm đó về được đến nhà thì đã qua ngày mới.
Ông cũng là ân nhân của những đứa trẻ chạy trốn khỏi các bãi vàng. Mấy năm trước, 15 thanh, thiếu niên người Tà Ôi quê ở A Lưới (tỉnh TT - Huế) bị bóc lột lao động nên bỏ trốn khỏi bãi vàng chạy bộ hơn 100km từ Trà Bồng (Quảng Ngãi) sang Quảng Nam. Khi chạy đến xã Bình Lâm các em kiệt sức, đói lả. Ông Ôn cùng một số người dân cho các em ăn uống, đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Sau đó cùng đại diện chính quyền thuê xe đưa các em về quê. Mới đây, hai phu vàng nhí quê ở Nghệ An tẩu thoát khỏi bãi vàng Phước Sơn được người dân thôn Bình Lâm cưu mang, giúp đỡ. Ông Ôn mua tặng các em áo quần, cho ăn uống để hồi sức…
Lần ấy có một phụ nữ bị đuối nước. Khi ông vừa đưa được xác lên bờ thì gặp hai thanh niên nhậu say về, hô hoán ông giết người. Sự việc sau đó được điều tra rõ ràng nhưng ông một phen hú vía. Cũng có lần gặp vụ tai nạn ở gần nhà, ông chở nạn nhân đi cấp cứu, về ông bị công an mời lên để “làm rõ” suốt cả nửa tháng trời.
Vợ ông là giáo viên, hai người con đứa đang du học Nhật Bản, đứa học cấp 3. Trước, ông là lái xe cho một công ty, nay nghỉ hưu về làm những công việc yêu thích. Ông nói “Giờ chỉ mong sao có được chiếc xe cứu thương để kịp thời đưa nạn nhân đi bệnh viện khi cần. Những lúc như vậy, nhanh một phút có thể cứu sống được một mạng người!”.