Cô giáo dân tộc 'gieo chữ' trên vùng đất khát

TPO - Cô giáo Lồ Thị Lan (SN 1990, dân tộc Bố Y) đã gần chục năm bám bản bám trường gieo chữ trên vùng cao còn nhiều gian khó mà "khát" chữ và "khát" nước luôn thường trực vây quanh. Cô Lan là một trong những giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020".
Cô giáo Lồ Thị Lan là một trong những giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2020. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Kiên cường trên vùng đất "khát"

Cô giáo Lồ Thị Lan có 9 năm gắn bó với vùng đất Dìn Chin - xã vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Mường Khương, Lào Cai. Tháng 6/2011 tốt nghiệp ra trường, đến tháng 9 cô cầm quyết định lên nhận công tác ở trường Tiểu học Dìn Chìn với tâm thế sẵn sàng đối mặt với những gian khó, thiếu thốn.

 Trong những bộn bề khó khăn thiếu thốn, Dìn Chin thiếu nhất là nước. Cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan làm, cô Lan cùng đồng nghiệp lại chuẩn bị can nhựa, đòn gánh đi gần 1km để lấy nước về phục vụ sinh hoạt.

 "Gọi là lấy nước nhưng thực tế là đi hứng từng giọt nước. Mỗi can nước là một phép thử về sự kiên nhẫn của người đi lấy, bởi ai cũng phải chờ đợi, xếp hàng. Có hôm phải chờ đến 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình để lấy được 2 can nước về", cô Lan chia sẻ.

Cô Lồ Thị Lan đã 9 năm gắn bó với trường Tiểu học Dìn Chin. Mới đây, cô Lan được phân công về dạy tại trường Tiểu học số 2 thị trấn Mường Khương. - Ảnh: Lâm Đăng Hải

 Cả thôn cũng chỉ có một nguồn nước bé tí ti nước chảy ít và chậm. Cách nguồn nước này không xa có một khe nước khác, nhưng phải vượt qua đoạn đường dốc đá lởm chởm. Sức người không nổi, có khi mang về đến nhà đã rơi, đổ hết.

 Cô Lan chia sẻ, bài học đầu tiên của cô và trò vùng đất "khát" Dìn Chin là "nước quý hơn vàng", là cách sử dụng nước tiết kiệm và thông minh. Nước vo gạo để rửa rau, rồi dùng nước rửa rau để rửa bát... Cô trò ở đây đều rất thích mưa. Trời mưa lớn giống ngày hội để mọi người hồ hởi cùng nhau hứng nước dùng cho sinh hoạt, để tưới tắm, giặt giũ quần áo, lau rửa đồ dùng..

Gieo con chữ, vẽ ước mơ

Cô Lan đảm nhiệm dạy lớp 1 vốn được xem khó nhất ở trường Dìn Chin vốn tất cả học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Học sinh lớp 1 chưa va chạm nhiều với dân tộc đa số khác, lạ trường lớp; phần lớn chỉ nói tiếng dân tộc của các em và hạn chế tiếng phổ thông...

"Là người dân tộc thiểu số, người con của bản làng nên tôi hiểu những khó khăn của học trò. Các em thiệt thòi nhiều, điều kiện phục vụ việc học đều rất thiếu thốn. Chính vì không muốn để học trò bị mù chữ, tương lai phải gắn bó cả đời với nương rẫy mà cái đói nghèo vẫn cứ bám riết nên tôi luôn tự nhủ chịu khó hi sinh một chút, chấp nhận khó khăn để dạy chữ cho các em", cô Lan tâm sự.

Cô Lan cho biết, điều sợ nhất là học sinh vì khó khăn phải nghỉ học để theo cha mẹ lên nương rẫy. Gần chục năm bám lớp, không ít lần cô xuống bản vào tận nhà để vận động phụ huynh, thuyết phục học sinh đi học trở lại.

Ngoài việc dạy kiến thức, cô Lan và giáo viên còn có nhiệm vụ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em học sinh nội trú. Ảnh: Lâm Đăng Hải

“Tôi đã chọn cho mình nghề giáo, chỉ mong được góp một phần sức lực nhỏ bé trong việc gieo những ước mơ, đặt những nấc thang đầu tiên cho một thế hệ mới. Còn gì vui hơn nếu hạt giống gieo trồng năm nào, với biết bao tình cảm, nay đơm hoa kết trái. Dù là thầy, cô nào cũng vậy, sẽ thật hạnh phúc và cảm thấy ấm áp khi các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết nói điều hay làm việc tốt, trở thành người có ích cho xã hội", cô Lan bày tỏ.

 Để học sinh đều đặn đến lớp và tiến bộ, cô Lan vừa làm bạn, vừa học tiếng của các em để trò chuyện. Từ đó hiểu hơn những tâm tư, hoàn cảnh của học trò để kịp thời động viên khuyến khích; hướng dẫn các em cách học, rèn luyện kỹ năng sống... Đến nay, cô Lan đã đạt được nhiều thành tích như giáo viên dạy giỏi cấp huyện, lao động tiên tiến cấp trường.

Thầy Trần Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Dìn Chin cho biết: “Cô Lồ Thị Lan là giáo viên trẻ nhiệt huyết, giỏi chuyên môn; là một tổ trưởng giỏi cấp huyện. Trong quá trình công tác, cô luôn được học trò và đồng nghiệp yêu quý”. 
Đại diện Ban tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2020 tặng quà lớp cô Lồ Thị Lan. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Cô giáo Lồ Thị Lan là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

 Đến thăm cô Lồ Thị Lan, đại diện Ban tổ chức, ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing của Tập đoàn Thiên Long chia sẻ:

“Có thể nói, với tất cả những nỗ lực của các thầy cô, có lẽ một từ “cảm ơn” là chưa đủ để tuyên dương những “người hùng thầm lặng" nơi non cao hiểm trở này. Các thầy cô còn là động lực chân thực nhất để chắp cánh cho con em dân tộc thiểu số tiếp tục ước mơ, phấn đấu học hành, thay đổi tương lai của chính mình và của bản làng mình. Ý chí và nghị lực phi thường này thật sự đáng được trân trọng và tri ân”.