Cô gái từ chối Liên Hiệp Quốc để tự mình khởi nghiệp

TP - Từ chối cơ hội làm việc ở cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc để tập trung cho dự án khởi nghiệp về giáo dục của mình, Tôn Nữ Tường Vy (sinh năm 1990, cựu sinh viên ĐH Mở TP Hồ Chí Minh) khiến không ít người ngạc nhiên. 
Tường Vy (thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn trẻ quốc tế tham gia chương trình tình nguyện viên trẻ vì môi trường ASEAN (2013) tại Malaysia.

Miệt mài với những chuyến đi

Một cô gái tuổi ngựa và cũng “đi nhiều như ngựa” chính là điều mà mọi người ấn tượng với Tường Vy. Ước mơ du học từ lúc là sinh viên năm nhất của ĐH Mở TP HCM đã thôi thúc Vy săn tìm những cơ hội để tham gia các khóa tập huấn, các hội thảo... “Đó là những cơ hội rất mở và lựa chọn dựa trên năng lực của mỗi người nên đó là cơ hội chia đều cho tất cả mọi người”, Tường Vy chia sẻ. Năm 2011, Vy là sinh viên Việt Nam duy nhất tham dự World Innovation Summit for Education (Hội nghị Thượng đỉnh về Đổi mới Giáo dục quốc tế) tại Qatar. Từ đó, mối nhân duyên với các chương trình quốc tế của Tường Vy được mở ra. Trong năm 2013, Vy xuất ngoại 6 lần để tham gia các chương trình hội thảo, hội nghị, làm tình nguyện viên quốc tế ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản. 

Trong nhiều chuyến đi của Vy, đặc biệt nhất đối với cô là chuyến đi Thái Lan dự hội nghị về Tôn giáo của Đại học Mahidol năm 2012. Đó là chuyến đi theo lời mời của một giáo sư của Mahidol đã từng quen Vy trong một chuyến tập huấn. Tường Vy cũng là sinh viên duy nhất tham dự hội nghị cùng với rất nhiều quan chức, lãnh đạo tôn giáo... đến từ Đông Nam Á, Trung Đông, Âu Mỹ. 


Chuyến đi đó cũng cơ hội cho Vy được làm quen với Tổng thư ký tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Sau này, Vy được gặp lại ông tại New York (Mỹ) năm 2014 và sắp tới đây tại Baku (Azerbaijan). Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất trong chuyến đi đó là việc Vy gặp được một cựu phóng viên ảnh của Mỹ đã từng đến Việt Nam trong chiến tranh. “Lần đầu tiên gặp mình, bác ấy đã xúc động đọc to tên của mình và kể cho mình nghe câu chuyện về một người bạn Huế cũng mang họ Tôn Nữ đã mất trong chiến tranh. Bác ấy còn tặng mình một bài thơ bác ấy viết 20 năm sau khi người bạn ấy mất. Cuộc đời có những nhân duyên rất kì lạ”, Tường Vy xúc động nhớ lại. 

Điều thôi thúc cô gái nhỏ tìm kiếm nhiều cơ hội và đi đến nhiều vùng đất chính là cơ hội được học hỏi. 

Tường Vy trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế khi tham gia chương trình tình nguyện viên trẻ vì môi trường ASEAN.
Trăn trở với giáo dục
“Trước khi bước vào đại học, mình đã rất chật vật để học, thi qua các cấp lớp học. Lên đại học, khi được học tập trong một môi trường mở, học theo cách của mình, mình mới nhận ra là mình có thể làm tốt như thế nào khi có sự hướng dẫn nhưng vẫn được tôn trọng cảm hứng và tự do cá nhân”, Tường Vy nhớ lại.

“So với việc là một nhân viên Liên Hiệp Quốc ở nước ngoài thì mình thấy giúp người trẻ Việt Nam về mặt giáo dục vẫn có giá trị hơn”.

 Tôn nữ Tường Vy
Bởi vậy, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tường Vy đã sáng lập CLB Học thuật Lan tỏa (Spread Out Academic Club) gồm tập hợp một nhóm bạn trẻ cùng tổ chức tự học những gì mình thích theo cách mình muốn. Hiện, CLB đã tổ chức được hơn 40  chương trình sinh hoạt như đặt lại các vấn đề về chữ Nôm, việc giảng dạy phương pháp luận nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, Triết học hậu hiện đại, vì sao Kito giáo có ảnh hưởng sâu rộng ở phương Tây... 

Chính CLB Học thuật Lan tỏa là một trong những nguồn cảm hứng để Tường Vy quyết định “khởi nghiệp” ở lĩnh vực giáo dục với Friends English Centre (FEC). FEC gồm các lớp IELTS, giao tiếp quốc tế và phát triển cá nhân. Giao tiếp quốc tế sẽ dạy cho các học viên về kỹ năng nói và viết với các tình huống khác biệt về văn hóa do bản thân Tường Vy đúc kết qua những chuyến đi, những trải nghiệm trước đây. Phát triển kỹ năng tập trung phát triển bốn kỹ năng cho các học viên: giao tiếp, hợp tác, tư duy phản biện và sáng tạo.

Các buổi học được tổ chức trong các không gian mở với những phương pháp đa dạng như phân tích note, status trên facebook, đọc sách, đọc truyện để đưa ra những vấn đề thảo luận, trao đổi... Học viên của các khóa học không giới hạn độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp... “Mục tiêu của khóa học chính là rèn khả năng suy nghĩ độc lập, thoát ra khỏi suy nghĩ lối mòn. Mô hình học thuật này trên thế giới rất phổ biến, nhưng ở Việt Nam lại khá mới mẻ”, Tường Vy chia sẻ.

Mới đây, Tường Vy đã từ chối một suất làm việc ở Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn sau nhiều tháng suy nghĩ cân nhắc, để dành thời gian và tâm huyết cho dự án giáo dục của cô. Điều níu kéo Tường Vy ở lại chính là cháu trai đang học lớp 8, cậu bé cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc Tường Vy thành lập FEC.

“Thấy cháu mình đánh vật với những rắc rối tuổi mới lớn từ học hành, bạn bè, gia đình... mình rất xót xa, bởi vậy, mình bắt đầu tự soạn một giáo án để dạy học riêng cho cháu mỗi Chủ nhật. Có thể nói đó là tiền thân các lớp học của FEC”, Tường Vy cười. “So với việc là một nhân viên Liên Hiệp Quốc ở nước ngoài thì mình thấy giúp người trẻ Việt Nam về mặt giáo dục vẫn có giá trị hơn”, Tường Vy bộc bạch.

Tường Vy (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trẻ quốc tế trong một chương trình tình nguyện.

“Hãy bước ra khỏi vùng an toàn”

Thời còn đi học, Vy lựa chọn chuyên ngành khó nhất trong Khoa để học, vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền. Đồng thời, Vy cũng tham gia rất nhiệt tình công tác Đoàn, Hội, tham gia nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế; điều hành một CLB học thuật, một tờ báo tiếng Anh của trường... Sau khi đi làm, Tường Vy vẫn miệt mài với những chuyến đi, bắt đầu với một dự án khởi nghiệp, viết sách,... 

Điều Vy cảm thấy may mắn nhất chính là sự đồng hành và ủng hộ của gia đình trong những quyết định của mình. “Mình rất biết ơn má, một người phụ nữ chỉ được học hết lớp 3, dành cả đời để bươn chải buôn bán nuôi 4 đứa con ăn học. Má luôn ủng hộ mình, và luôn nói với mình rằng “phải đi để biết, sau này đỡ khổ”. Các anh chị mình dù bận bịu với cuộc sống riêng vẫn luôn âm thầm giúp đỡ và động viên mình mỗi lúc mình gặp khó khăn. Gia đình luôn là điểm tựa lớn nhất của mình”, Vy tự hào.

Tháng 5 tới đây, Tường Vy sẽ xuất bản cuốn sách “Bên kia ranh giới” kể lại những câu chuyện nhỏ khi đi qua 12 đất nước, đặc biệt là những vùng xung đột và biên giới. Qua cuốn sách, cô cũng có tham vọng truyền được cảm hứng cho những người trẻ: bước đi để khám phá thế giới rộng lớn của con người. “Hãy thử ra khỏi vùng an toàn, thử thách bản thân bằng cách trải nghiệm nhiều, trải nghiệm sâu; tập suy nghĩ đa chiều để tiếp nhận và tôn trọng cái khác mình”, Tường Vy bộc bạch.

Tham gia công tác Đoàn từ những năm cấp 3, lên ĐH, Tường Vy từng là lớp trưởng, bí thư chi đoàn, còn kiêm luôn chức vụ Phó Bí thư Đoàn khoa Ngoại ngữ, Phó Chánh Văn phòng Đoàn trường ĐH Mở TPHCM. “Có thể phương pháp của Đoàn đôi khi chưa thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, khi đứng trong hàng ngũ những người làm công tác Đoàn, mình hiểu được những khó khăn của việc chịu áp lực từ nhiều phía mà vẫn cố gắng tạo ra được những giá trị tốt nhất. Đứng ngoài chỉ trích thì rất dễ, nhưng nếu là một đoàn viên, thanh niên thay vì phán xét, hãy tìm hiểu, cộng tác, hỗ trợ, bạn sẽ thấy bản thân mình có thể tạo ra rất nhiều điều giá trị”, Tường Vy cho biết.