“Thanh niên phải biết “tức khí, ấm ức” trước tình trạng đất nước nghèo khó thì công cuộc khởi nghiệp, làm giàu mới thực hiện thành công”, ông Vũ Khoan nói.
Cần hiểu đúng về khởi nghiệp
Bàn về chương trình “Quốc gia khởi nghiệp”, nguyên Phó Thủ tướng bày tỏ: “Tôi rất lo về vấn đề này với 2 lý do: Thứ nhất khái niệm thế nào về Quốc gia khởi nghiệp, thành phố khởi nghiệp hiểu chưa đúng, chưa thống nhất nên việc thực hiện làm sao đúng được? Thứ hai, tôi rất lo sợ kiểu làm phong trào! Việt Nam mình đã quen với kiểu chiến dịch, phong trào trong chiến tranh nhưng trong xây dựng hòa bình thì không nhất thiết, không còn phù hợp. Nếu coi Quốc gia khởi nghiệp như một phong trào và thực hiện như phong trào thì chỉ ào lên rồi xẹp xuống! Để rồi sau đó không biết đi đâu về đâu”.
“Theo tôi, tổ chức Đoàn không nên ôm đồm nhiều việc mà tập trung vào vấn đề, điểm nóng quan trọng nhất mà người trẻ quan tâm, đó là vấn đề nghề nghiệp, việc làm để giúp cho nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công hơn”
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Vậy hiểu đúng như thế nào về “Quốc gia khởi nghiệp”? Nghĩa hẹp của từ Startup xuất phát từ phương Tây, chủ yếu dùng cho những người làm công nghệ thông tin, họ có phát minh sáng chế để lập nên sự nghiệp. Nghĩa rộng mà Việt Nam đề cập đến xuất phát từ “Quốc gia khởi nghiệp”, câu chuyện viết về sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới. Do đó, chúng ta phải định vị lại, ta đang làm gì và nên làm rõ như thế nào?
Theo ông Vũ Khoan, T.Ư Đoàn cần tập trung hỗ trợ người trẻ lập nghiệp, tạo việc làm. Đoàn chọn việc cần làm đúng chức năng, mục tiêu và có thể làm được bởi hiện thanh niên thất nghiệp nhiều. Và ở cấp độ quốc gia khởi nghiệp, Đoàn chỉ nên tham gia góp sức vào quá trình hình thành thương hiệu quốc gia.
Thanh niên có nhiều sự lựa chọn để khởi nghiệp nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, người trẻ cần tìm hướng đi khác biệt và kiên trì. Không ai có thể làm thay, mỗi cá nhân phải tự thân vận động, tổ chức Đoàn chỉ đồng hành, hỗ trợ tìm hướng đi và cung cấp những thông tin cần thiết.
Thanh niên phải biết “Tức khí”
Để khởi nghiệp thành công, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người trẻ phải có 7 chữ T. Chữ T đầu tiên là “Tức khí”, thanh niên phải biết “uất ức” khi đất nước mình vì sao nghèo. Khi biển Đông bị xâm lấn, người trẻ là lớp đầu tiên phản ứng, bày tỏ lòng yêu nước sâu sắc. Đối với nghèo đói cũng vậy, các bạn phải biết tức khí cho đất nước rồi đến tức khí cho bản thân, không chấp nhận đói nghèo, làm động lực để vươn lên.
Chữ T thứ 2 “Tìm tòi”, người trẻ phải tìm kiếm cơ hội khác biệt cho riêng mình, không theo lối mòn. Đó có thể là công việc rất bình thường nhưng chưa có ai làm hoặc làm chưa tốt thì nên tập trung suy nghĩ, tìm hướng đi tốt nhất khẳng định dấu ấn chỉ riêng mình có. Đừng vội vẽ cho mình giấc mơ cao xa như lập công ty mà phải bắt đầu từ vị trí người làm thuê để học hỏi cách quản lý, trải nghiệm ngoài đời, học mọi người để mở rộng dần ước mơ làm ông chủ.
Chữ T thứ 3 “Thiết kế”, mỗi người phải tự thiết kế, lên kế hoạch cho đề án sẽ kinh doanh gì, sản xuất mặt hàng nào…Ở khâu này, Đoàn cần mời chuyên gia, mở lớp dạy thanh niên cách xây dựng đề án, thiết kế chương trình, lập kế hoạch…
Chữ T thứ 4 “Thử nghiệm”, phải có bước thí điểm, thử nghiệm đo nhu cầu thị trường có chấp nhận sản phẩm và thu nhận phản hồi.
Chữ T thứ 5 “Tín nhiệm”, đây là khâu quan trọng để tìm kiếm nguồn vốn từ gia đình, bạn bè, các tổ chức đầu tư cho mình vào khâu kinh doanh, sản xuất ra sản phẩm. T.Ư Đoàn với vai trò, nhiệm vụ của mình phải đề xuất Chính phủ, Nhà nước hỗ trợ khâu vay vốn cho thanh niên; đồng thời tìm kiếm, giới thiệu đầu ra là những doanh nghiệp lớn, có uy tín trong Hội Doanh nhân trẻ, tạo kênh thông tin giúp thanh niên tiêu thụ sản phẩm, tiếp thị đến người tiêu dùng.
Chữ T thứ 6 “Thất bại”, không có chặng đường nào chỉ trải bước hoa hồng mà có những cay đắng, rủi ro. Tổ chức Đoàn cần hỗ trợ kỹ năng cho người trẻ trước thất bại, cần kiên trì vượt gian khó, tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục và làm lại, thậm chí phải trải qua vài lần thất bại.
Chữ T thứ 7 “Thành công”, lúc này người khởi nghiệp cần hình thành khâu, dây chuyền sản xuất và mở rộng thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.