Quyền hành nghề của PV trong trường hợp này ra sao? Luật pháp quy định như thế nào? Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến người trong cuộc và quan điểm của luật sư.
Phóng viên Hữu Danh:
Tôi bị khám người, giữ máy tính
Theo tường trình của PV Hữu Danh, lúc 15g30 ngày 16-10 ông đến Công an TP Mỹ Tho tìm hiểu thông tin vụ án “đe dọa giết người” (vụ thiếu tá Hồ Văn Phước bị một công dân ở phường 5, TP Mỹ Tho khủng bố bằng hai quan tài) và tìm hiểu một số thông tin khác về khiếu nại của người dân đối với Công an TP Mỹ Tho.
Sau khi trình thẻ nhà báo, ông Hữu Danh được đại úy Trần Văn Út tiếp và hẹn chiều thứ năm (18-10) quay lại để gặp trưởng công an.
Ông Hữu Danh dắt xe ra khỏi cổng trụ sở Công an TP Mỹ Tho, đậu xe trên vỉa hè, lấy máy ảnh ra kiểm tra thì bị nhắc nhở không được chụp hình. Trình bày mình không chụp hình, khu vực này cũng không có đặt biển báo cấm theo quy định, tuy nhiên PV Hữu Danh vẫn bị yêu cầu quay xe vào trụ sở gặp đại úy Út để làm rõ có hay không chụp hình ở khu vực cấm.
Chờ khoảng 15 phút vẫn không có ai làm việc, bàn trực ban cũng không có người để hỏi, ông Danh lấy máy ảnh chụp cảnh bàn trực ban không có người, nhằm chứng minh nếu đến hết giờ vẫn không có ai tiếp thì PV đi về. Chụp xong, ông Danh rút thẻ nhớ máy ảnh cắm vào laptop. Đến 17g, đại úy Lê Hồng Nguyên - đội phó an ninh Công an TP Mỹ Tho - làm việc với ông Danh.
Đại úy Nguyên giải thích dù không có biển báo cấm chụp ảnh nhưng đây vẫn là khu vực cấm và yêu cầu PV giao máy ảnh và thẻ nhớ máy ảnh để kiểm tra. Khi thấy tấm ảnh chụp bàn trực ban không có người trực, đại úy Nguyên cho rằng PV vi phạm và sẽ xử lý hành vi này.
Ngoài ra, theo ông Hữu Danh, đại úy Nguyên có yêu cầu ông đứng dậy, khám người vì nghi ngờ ông có ghi âm.
Sau đó, đại úy Nguyên nói thẻ nhớ máy ảnh đã từng cắm vào máy tính xách tay của PV Hữu Danh nên mở máy lục soát. Kiểm tra máy tính trong gần hai giờ, đại úy Nguyên nói trong máy có một đoạn phim sex. Theo dữ liệu thể hiện, đoạn phim dài khoảng hai phút, dung lượng 12MB, hình ảnh “mát mẻ”, đại úy Nguyên cho rằng PV Hữu Danh có hành vi tàng trữ, lưu hành clip có nội dung đồi trụy.
Đến 21g45, biên bản ghi lời khai mới được lập xong. Đại úy Nguyên thu giữ thẻ nhớ 16GB và laptop của PV.
Đại úy Nguyên hẹn PV 8g sáng 17-10 tiếp tục đến trụ sở Công an TP Mỹ Tho trình diện. Đến 11g, biên bản vi phạm hành chính được lập và buổi chiều, Công an TP Mỹ Tho tiếp tục kiểm tra laptop của ông Hữu Danh.
Công an TP Mỹ Tho:
Ông Danh vi phạm hành chính
Lãnh đạo Công an TP Mỹ Tho cho rằng sở dĩ phải niêm phong giữ máy tính xách tay của PV Hữu Danh là do làm việc đến 22g ngày 16-10 vẫn chưa xong nên phải cho đương sự về nhà. Để đảm bảo khách quan và đảm bảo tính pháp lý, công an đã tổ chức niêm phong máy tính xách tay và thẻ nhớ máy ảnh của ông Danh. Ông Danh cũng ký tên vào biên bản và niêm phong. Trước khi mở máy tính, ông Danh có kiểm tra niêm phong và có lập biên bản mở niêm phong.
Ngày 17-10, Công an TP Mỹ Tho phối hợp với Phòng PA83 Công an tỉnh Tiền Giang và Phòng Văn hóa thông tin TP Mỹ Tho cùng mở niêm phong máy tính để làm việc tiếp với ông Danh. Theo đó, công an giải thích việc chụp ảnh ở trụ sở công an là trái quy định tại khoản 2, điều 2 quyết định 160/2004/QĐ-TTg ngày 6-9-2004 của Thủ tướng Chính phủ về xác định khu vực cấm, địa điểm cấm. Ngoài ra, việc tàng trữ phim đồi trụy cũng vi phạm pháp luật. Biên bản vi phạm hành chính lập lúc 11g ngày 17-10 ghi rõ ông Danh vi phạm điểm c, khoản 3, điều 8 nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa; điểm k, khoản 1, điều 25 nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Biên bản vi phạm hành chính này đã được ông Danh ký tên lúc 11g20 cùng ngày.
Một lãnh đạo ban giám đốc Công an Tiền Giang cho biết sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo báo Nông Thôn Ngày Nay đã đến làm việc với ban giám đốc công an tỉnh. Một phó giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Công an TP Mỹ Tho xếp hồ sơ vụ việc, không xử phạt vi phạm hành chính theo biên bản lập ngày 17-10.
Luật sư Trần Thị Miền:
Thiếu quy định về quyền chụp ảnh của báo chí
Luật báo chí năm 1990 (đã được sửa đổi, bổ sung) cho phép “nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ CHXHCN VN”. Thế nhưng đến giờ quyền này vẫn chưa được cụ thể hóa đầy đủ.
Trong việc chụp ảnh, ghi âm, nghị định 51/2002 của Chính phủ (khoản 3 điều 8) chỉ đề cập hoạt động nghiệp vụ của báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai. Cụ thể, báo chí “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai...”. Còn ở các nơi khác thì lại không có quy định cụ thể nên đôi khi cho cũng được mà cấm cũng không sai (?).
"Nếu bình thường thì chờ “cấp phép” cũng được nhưng nếu có tình huống đột xuất hoặc có “hơi hám” tiêu cực cần quay phim, chụp ảnh thì làm sao xin phép và nếu xin thì có ai bảo đảm cho báo chí quyền thu thập thông tin?" |
Trong vụ nhà báo Hữu Danh nói trên, nếu đối chiếu với cách xử lý phổ biến lâu nay của nhiều địa phương thì xem như PV này đã làm chưa chặt chẽ khi tự ý chụp ảnh ở Công an TP Mỹ Tho. Tuy nhiên, nếu nói là PV đã vi phạm nghị định 73/2010 của Chính phủ ở chỗ “chụp ảnh ở khu vực cấm” và phải bị phạt hành chính thì e rằng không đúng. Bởi lẽ những khu vực cấm quay phim, chụp ảnh đều buộc phải có biển báo để tất cả mọi người biết mà thực hiện. Nếu Tiền Giang không làm đúng như thế thì không có đủ cơ sở để phạt. Chưa kể cách kiểm tra, xem xét về việc chụp ảnh của Công an TP Mỹ Tho có quá nhiều vi phạm mà cụ thể là đã xâm phạm tài sản, danh dự, nhân phẩm, bí mật thư tín của nhà báo.
Khoản 4 điều 15 Luật báo chí quy định: “Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Như đã phân tích ở trên, một khi hoạt động nghề nghiệp của nhà báo chưa được “pháp luật hóa” chi tiết mà còn tùy thuộc cách tiếp nhận, ứng xử của từng cơ quan thì các hành vi “quá đà” như của Công an TP Mỹ Tho sẽ còn tiếp diễn. Điều trớ trêu là nhà báo làm sai thì bị xử lý nhưng các cơ quan làm sai Luật báo chí thì không bị sao cả.
* Luật sư Nguyễn Văn Hậu:
Phải có biển “Cấm chụp ảnh”
Để có thể khẳng định PV Hữu Danh có vi phạm vào điểm K khoản 1 điều 25 của nghị định số 73/2010/NĐ - CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội hay không thì cần phải làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất là có quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định trụ sở Công an TP Mỹ Tho là địa điểm cấm chụp ảnh, thứ hai là có biển báo quy định cấm chụp ảnh trụ sở Công an TP Mỹ Tho hay không. Trường hợp có văn bản và biển báo xác định trụ sở Công an TP Mỹ Tho là địa điểm cấm chụp ảnh thì mới có thể xử phạt PV Hữu Danh.
Tuy nhiên, cho dù việc PV nếu có chụp ảnh sai quy định thì việc thu giữ, khám xét laptop của PV cần phải được lập thành biên bản vi phạm và biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong đó có chữ ký, ý kiến của PV vi phạm theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo Tuổi Trẻ
"Nếu bình thường thì chờ “cấp phép” cũng được nhưng nếu có tình huống đột xuất hoặc có “hơi hám” tiêu cực cần quay phim, chụp ảnh thì làm sao xin phép và nếu xin thì có ai bảo đảm cho báo chí quyền thu thập thông tin?"
"Nếu bình thường thì chờ “cấp phép” cũng được nhưng nếu có tình huống đột xuất hoặc có “hơi hám” tiêu cực cần quay phim, chụp ảnh thì làm sao xin phép và nếu xin thì có ai bảo đảm cho báo chí quyền thu thập thông tin?"