'Cò' đất 'đón gió' dự án sân bay Long Thành

TP - Trong khi ở nghị trường, các đại biểu Quốc hội đang bàn về dự án sân bay Long Thành với hai luồng ý kiến nên hay chưa nên sớm xây sân bay tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, thì người dân xôn xao bàn tán giá đất.
Một khu dân cư ở xã Lộc An (đón đầu dự án sân bay) được triển khai nhiều năm nay, nhưng vẫn hoang vu, chưa có người đến ở. Ảnh: M.T.

“Người ở thành phố về hỏi mua đất rần rần”

Chưa bao giờ người dân ở vùng dự án sân bay Long Thành quan tâm nhiều đến thông tin về dự án sân bay Long Thành như thế. Khắp các hàng quán, chợ búa, công sở, đâu đâu cũng thấy bàn tán, suy đoán về dự án. Ông Hai Nghĩa ở xã Bình Sơn đi ký giấy tờ ở UBND xã cũng tranh thủ tụm lại ở chỗ bản đồ quy hoạch sân bay treo ở góc nhà ủy ban xem ngó, chỉ trỏ.

Ông Nghĩa nói: “Nghe chuyện làm sân bay gần cả chục năm nay rồi. Rồi Nhà nước đã kiểm kê, đất đai muốn xây dựng làm nhà cho con cũng khó quá. Dự án có làm hay không cũng mong Nhà nước quyết cho sớm để dân dễ tính”.

Ông Nguyễn Văn Ban (có đất trong vùng dự án sân bay) nói: “Đang tính bán 5 công đất lấy tiền cho con làm vốn buôn bán. Nhưng cả tháng nay chỉ có “cò” đất vào hỏi mua. Mà họ đưa ra giá thấp, còn tôi cũng dùng dằng chưa muốn bán. Biết đâu dự án được triển khai thì nhận tiền đền bù được cao hơn nhiều so với bán lúc này”.

Ăn theo dự án sân bay, các “cò” đất đang thổi giá, cố tạo nên cơn sốt đất. Ở các xã có dự án hoặc vùng phụ cận dự án như Long An, Bình Sơn, Lộc An, Cẩm Đường, “cò” treo nhan nhản bảng sang nhượng đất với đủ các diện tích mua theo lô, theo sào, theo mẫu, kiểu nào cũng có. “Cò” nào cũng cho rằng, đất mình nằm ở trục chính đến sân bay, gần đường cao tốc…

Liên hệ với điểm rao bán đất, điểm giao dịch là một quán cà phê ở xã Bình Sơn, bà Nguyễn Thị Lan giới thiệu có trong tay rất nhiều vị trí đất thuộc loại đắc địa. Bà Lan ra giá 850 triệu đồng/ha trong khu vực dự án. “Cò” Tân chuyên môi giới chuyển nhượng đất ở xã Long An nói vanh vách như nắm trong tay quy hoạch sân bay: “Anh nên mua đất ở xã Long An đi, đây là khu vực trung tâm huyện Long Thành, gần điểm kết nối đường cao tốc và sẽ là trung tâm dịch vụ, phụ trợ của sân bay.

“Cò” Tân ra giá 3,2 - 3,5 tỷ đồng/ha. Anh này nói: “Cả tháng nay, người ở thành phố về hỏi mua đất rần rần, đất không còn nhiều đâu. Giá hiện nay là lấp lửng thôi. Sân bay được quyết rồi thì giá tiền trên không mua nổi đâu”.

“Sốt” ảo

Trong khi “cò” đang cố tạo sốt đất, ở các địa phương có dự án sân bay, chính quyền nói rằng đất không “sốt”. Chủ tịch UBND xã Long An Nguyễn Duy Phương nói với báo giới: “Nửa tháng qua, các hồ sơ sang tên, chuyển nhượng đất đai ở địa phương vẫn bình thường như những tháng trước đó, khoảng 6-7 hồ sơ/tuần”.

Ông Nguyễn Duy Phong, cán bộ địa chính xã Lộc An, cho rằng, đất ở trong vùng thực sự “sốt” vào năm 2009, khi đó, chủ yếu là người từ TPHCM về mua đất. Mỗi người mua vài hécta đến hàng chục hécta, do vậy việc mua bán đất không còn nhiều. Theo ông Phong hiện nay, người bán thì muốn bán giá cao, còn người mua thì cố ép giá xuống; ai cũng ghìm giá khi dự án đang được bàn thảo.

Ở vùng dự án, người mua đất chủ yếu là các nhà đầu cơ gom đất chờ đền bù. Họ đưa ra giá 800 - 900 triệu đồng/ha. Theo tính toán của các nhà đầu tư, nếu dự án được triển khai, mỗi hécta họ sẽ được trên dưới 2 tỷ đồng tiền đền bù, tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nhiều người dân cần vốn làm ăn, không thể chờ đến ngày được nhận đền bù thì đành bán “lúa non”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Long, chủ một sàn giao dịch nhà đất ở thành phố Biên Hòa, cách đầu tư này khá mạo hiểm. Nhiều người đã đổ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để mua đất “đón gió” dự án sân bay từ nhiều năm nay, nhưng với tình hình hiện nay, không chắc dự án sớm được triển khai.