> Bắt đầu hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển
> Bàn giao hiện vật tàu không số
“Đi không dấu, nấu không khói, đói không kêu”
Đầu năm 1947, tại một vùng quê ven biển Phú Yên, Trung đoàn trưởng 81 Ngô Đức Điềm mời những ngư dân lên nói về tình hình chiến trường Nam Trung bộ và Đông Nam bộ ngày càng phát triển mạnh. Trên yêu cầu vận chuyển hàng và vũ khí từ nguồn ngoại viện vào chiến trường miền Nam.
Ở đây ai xung phong? Nghe ông Điềm hỏi, ngư dân Nguyễn Văn Xế giơ tay. Rồi sau đó 20 cánh tay giơ lên. Vậy là đêm 18-5-1947, chiếc thuyền buồm đầu tiên xuất phát từ vùng biển Tuy Hòa tỉnh Phú Yên do 6 người điều khiển, hướng vào Nam. Trên thuyền chở hơn 10 tấn hàng, quân trang và vũ khí. Thuyền cập bến Ninh Thuận và giao hàng an toàn cho tiểu đoàn 1, trung đoàn 81.
Tiểu đoàn 248 Liên khu 5 nhanh chóng được thành lập, quân số lúc cao nhất là 850 người, được chia làm 3 đại đội: Vận chuyển, hành lang, tiếp nhận và đóng sửa tàu thuyền. Bốn tỉnh nằm trong vùng tự do là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã thông thương sang các tỉnh bạn.
Từ Bình Định, Phú Yên, hàng được chuyển vào chiến trường cực Nam và Nam Bộ. Con đường vận tải biển trải dài khoảng 500 km. Đơn vị vận tải biển tuyển dụng nhiều du kích địa phương là những ngư dân thiện chiến trên biển. Xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tuyển mộ 21 ngư dân tham gia vào đơn vị vận tải biển.
Ông Nguyễn Chuẩn, 81 tuổi, người dân xã Tịnh Kỳ nhớ lại những ngày đầu tham gia: “Chở hàng và vũ khí bằng thuyền chèo. Cả 6 anh em chèo cật lực cả đêm với nỗi lo bão tố ập đến. Trời sáng thì tấp thuyền vào bờ chôn giấu hàng và dìm thuyền xuống nước, chui vào ghành đá nghỉ ngơi lấy sức. Đêm lại đào hàng, trục thuyền lên và tiếp tục chèo. Đi 7 ngày 7 đêm mới tới được chốt giao hàng ở tỉnh Bình Thuận”. Tất cả thực hiện phương châm: “Đi không dấu, nấu không khói, đói không kêu”.
Ôm 4 kg vàng bơi vượt biển
Đội vận tải biển được trang bị 2 loại thuyền. Thuyền chèo chở 2 tấn hàng, đi thành một đội, chủ yếu vào mùa gió nồm. Mỗi thuyền giao cho 6 ngư dân và du kích chèo. Quân chính quy lái thuyền bầu, căng buồm chở 25-40 tấn hàng, chủ yếu đi vào mùa bấc. Mỗi thuyền đều trang bị một chiếc búa, khi gặp địch thì đục vỡ đáy thuyền để dìm hàng, bơi vào bờ hoặc chấp nhận hy sinh.
Năm 1949, tiểu đoàn 248 được ông Phạm Ngọc Thạch - đại diện Ủy ban kháng chiến Nam Bộ - giao một nhiệm vụ đặc biệt, đó là chở 4 kg vàng, hai triệu đồng Đông Dương, 26 thùng tiền tín phiếu của Cách mạng (lưu hành ở vùng tự do), 10 tấn vũ khí ngoại viện, trong đó có cả súng SKZ. “Đây là số hàng đặc biệt, là máu cho chiến trường Nam Bộ, đồng chí phải bảo vệ dù sống hay chết” - chỉ huy dặn dò ông Nguyễn Văn Xế trước khi nhổ neo.
Vào đêm tối trời cuối tháng Chạp, chiếc thuyền buồm nhổ neo hành trình vào lúc 19 giờ tại bến Ma Liên thuộc tỉnh Phú Yên. Gió bấc thổi nhẹ nên thuyền giương cả 3 buồm. Gặp gió mùa đông bắc, thuyền vẫn quyết định hành trình, không vào bờ. Gió quá mạnh quật gãy lái và đánh úp thuyền, 3 đồng chí trên thuyền hy sinh.
Đêm 30 Tết, ông Nguyễn Văn Xế ôm thùng hàng đặc biệt bơi vào sát đồn Đại Lãnh của Pháp ở Khánh Hòa. Nghỉ lấy sức, ông tiếp tục ôm một cây gỗ bơi qua Vũng Rô, sang Vũng Lạc, giao lại tiền và tín phiếu cho Cách mạng.
Cũng vào năm đó, ông Đào Duy được giao nhiệm vụ chở 30 tấn hàng xuất phát từ Phú Yên vào cửa Đề Gi của tỉnh Bình Thuận. Hành trình liên tục mấy ngày đêm. Lúc 2 giờ sáng, thuyền bị phá nước phải cập bến khẩn cấp. Vậy là anh em kéo thuyền vào bờ, chôn hàng, gọi người ra bàn giao.
Trên đường chèo thuyền trở về trạm Phú Yên, gặp lúc sóng to gió lớn, sức chèo của anh em đã kiệt. Thuyền tấp vào bờ, anh em bắt đầu hành trình đường bộ trở ra. Đi qua Đại Lãnh của Khánh Hòa, đoàn bị lạc giữa rừng và gặp địch phải chạy vào núi. Sau nhiều ngày đói khát, anh em tìm về Vũng Rô, sau đó trở về bến thuyền ở Phú Yên.
Sau khi địch phát hiện ra con đường vận tải trên biển, chúng liên tục bố ráp. Trung đội trưởng Trần Á (sau là Đại tá, Anh hùng LLVTND) được giao nhiệm vụ thực hiện phương thức vận tải mới: dùng thuyền chèo loại nhỏ, ngày ngủ, đêm đi, vận chuyển hàng vào Nam.
Chuyến đầu tiên xuất phát tại xã Hòa Tân huyện Tuy Hòa (Phú Yên). Khi nhận được tin địch liên tục tuần tiễu tại Vũng Rô từ 22 giờ đến sáng hôm sau, ông Á ra lệnh cho anh em trong đội vừa khiêng vào thuyền, vừa khiêng vũ khí đi qua các hẻm núi. Từ Mũi Nậy đến Vũng Rô là 3 km. Phải mất 2 ngày, 6 tấn hàng và vũ khí mới được khiêng theo đường tắt, vượt qua chốt của địch để tiếp tục hành trình vào Nam.
Đêm thứ 12, thuyền ông Á cập bến Bầu Trắng của tỉnh Bình Thuận. Trên đường ra Phú Yên, thuyền chở theo 8 đồng chí cán bộ của Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ. Bốn ngày đêm sau đó, thuyền trở về bến ở Phú Yên.
Tặng thơ động viên… lính chèo
Đầu năm 1950, đơn vị được giao chở 50 tấn hàng và vũ khí cung cấp cho hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Chiếc thuyền bầu lớn nhất chạy bằng 2 buồm được chọn đi chuyến quan trọng này. Lúc 19 giờ, trong bóng tối và mưa dày đặc, chiếc thuyền xuất phát. Thuyền trưởng Lê Quang lên cơn đau nặng, tất cả anh em chống chọi với bão tố trên biển.
4 giờ sáng đêm thứ 3, anh em trên thuyền mừng rỡ vì nhìn thấy ánh đèn trong bờ của vùng biển Phan Rang. Bàn giao vũ khí cho Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Bình Thuận, trung đoàn 12 và du kích địa phương đến nhận chuyến hàng đặc biệt mang chôn giấu.
Năm 1952, một đoàn cán bộ Trung ương từ Bắc vào Nam. Đến Đèo Cả (Phú Yên) thì bị địch phát hiện phải trụ lại. 10 đồng chí, do ông Lê Thiết Hùng làm trưởng đoàn phải quay ngược ra Bình Định để đi thuyền buồm. Đồng chí Nguyễn Văn Xế làm thuyền trưởng, đưa đoàn công tác và 800 kg vũ khí xuất phát từ cửa Phú Lạc vào ban đêm. Cả thuyền vừa chèo vừa dựa vào sức gió cắt thẳng ra khơi sau đó quay mũi thuyền hướng vào Nam.
Trong một chuyến công tác, thuyền chở một cán bộ nữ ở Trung ương vào Nam công tác. Chứng kiến sự dũng cảm của các chiến sĩ, bà đã xúc động đọc bài thơ dài tặng anh em khi đặt chân lên bờ: Đứng đợi thuyền anh xuôi khuất núi/Em về vọng cát đón ngày vinh.
64 năm trôi qua, nhân chứng con đường xuyên biển thời chống Pháp không còn nhiều. Nhưng nhớ lại càng thấy việc làm của thế hệ cha ông lúc đó thật phi thường - một tay chèo chống vượt dông bão biển khơi để vào Nam.
(Còn nữa)