Chuyện tình kỳ lạ của cặp vợ chồng bốc phét nhất Việt Nam

Từ chỗ là "kỳ phùng địch thủ" về tài bốc phét trong lễ hội làng trạng Vĩnh Hoàng, ông Trí và bà Liễu thương nhau rồi thành chồng vợ. Mối lương duyên kỳ lạ của họ đến từ những câu chuyện tưởng chừng như "bốc phét" ấy.

Suốt hơn 400 năm qua dân làng trạng Vĩnh Hoàng (nay thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vẫn lưu truyền một nét văn hóa làng độc đáo "tài nói phét". Cứ thế họ nói phét quên ngày tháng, từ thế hệ này qua thế hệ khác và cũng chỉ nói phét hoàn toàn vô hại, tếu táo làm quà vui hoặc gặp mặt dịp đầu xuân hay lễ lạt. Nhưng độc đáo, kỳ lạ ở chỗ không ít cặp vợ chồng như ông Trí, bà Liệu lại có được lương duyên từ những câu chuyện tưởng chừng như "bốc phét" này..!

Không nói phét không phải dân làng trạng

Nghe chúng tôi hỏi thăm đường về làng trạng Vĩnh Hoàng, dù công việc cuối năm rất bận rộn nhưng cô Trưởng ban Văn hóa xã Vĩnh Tú, Hoàng Dạ Hương vẫn xăng xái dẫn chúng tôi về làng. Dọc đường, cơn mưa phùn và giá rét căm căm cứ theo chân, len lỏi qua từng lớp áo ấm. Nhưng cả đoàn chúng tôi lại cảm thấy ấm lên bởi trận cười rôm rả, từ những câu chuyện hài hước của Dạ Hương pha lẫn chất giọng Quảng Trị đặc sệt, nằng nặng của cô.

"Ở huyện Vĩnh Linh ni, hễ mấy o, mấy chú mô giọng nặng, nói chuyện hay tếu táo, pha trò thì thể nào cũng bị quy kết "đích thị dân trạng Vĩnh Hoàng chứ chẳng chạy đi mô được". Mà đã là dân Vĩnh Hoàng thì không riêng chi đám thanh niên, mà ngay cả đứa trẻ lên 9 lên 10, thậm chí là các cụ già 80 tuổi vẫn nói trạng, bốc phét như sáo. Người dân ở đây còn vỗ ngực tự hào về cái gốc gác của mình và tự xem là một phần văn hóa đặc trưng của mảnh đất trạng Vĩnh Hoàng ni" - Dạ Hương chia sẻ.

Truyện trạng Vĩnh Hoàng có xuất xứ từ trong dân gian, ra đời hơn 400 năm về trước. Thực ra, cái nôi của chuyện trạng là làng Huỳnh Công, nay thuộc xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Làng Huỳnh Công xưa có ba thôn: Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn của làng Huỳnh Công, nên chuyện trạng Huỳnh Công được gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Mà đã người Vĩnh Hoàng thì ai cũng biết bốc phét, nhưng "bốc phét" kiểu Vĩnh Hoàng không phải là kiểu nói láo, nói sai với sự thật với mục đích ba hoa, lường gạt người khác. Mà trái lại chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi họ bắt đầu nhân cách hoá, cường diệu hoá, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và đầy hài hước. Với những tiếng cười đầy sảng khoái, càng làm cho họ có thêm nghị lực, sống lạc quan và yêu đời.

Đây cũng là điểm khởi đầu của câu chuyện đầu xuân tôi muốn kể, và về mối lương duyên kì lạ giữa hai đại cao thủ trạng nổi tiếng nhất nhì trong làng Huỳnh Công với kỳ tài "bốc phét". Cặp đôi "ngang tuổi, ngang tài" ấy chính là ông Trần Đức Trí và bà Trần Thị Liệu (cùng sinh năm 1938, trú thôn Tây 1, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Đầu xuân nói phét được vợ hiền

"Hầu như đã là người dân Việt, ở miền xuôi lên tận miền ngược thì đều có chung truyền thống, phong tục là cưới vợ đầu xuân. Duyên tui có được mệ nó (tiếng địa phương gọi thay cháu - PV) cũng từ hội trạng ở làng đầu xuân" - ông Trần Đức Trí nhấp ngụm chè xanh, nữa đùa nửa thật: “Nói thì đơn giản vậy, rứa chứ để rước được mệ nó về làm dâu nhà tui cũng phải vất vả, bỏ công bỏ sức thi thố tài năng với cả đám trai làng trạng thì tui mới được cái gật đầu của mệ nó...

Chả là thời trẻ, mệ nó là cô giáo viên tiểu học xinh nhất nhì trong làng. Mà giáo viên thời chiến tranh loạn lạc, lại ở ngay nơi địa đầu lửa đạn - vĩ tuyến 17 thì hầu như đã được mặc định yêu cánh bộ đội rồi chớ đâu đến lượt nông dân, chân đất mắt toét như tui... Số là tui với bà ấy cùng tuổi, lại cùng làng nên thời kì chiến tranh hay tham gia tăng gia, sản xuất cùng nhau.

Mỗi lúc nghỉ giải lao, cấp trên thấy tui có khiếu hài hước nên hay kêu tui kể chuyện pha trò giúp mọi người có những giây phút giải trí quên đi mỏi mệt. Chuyện tui mà kể thì mọi người cứ cười lăn, riêng bà ấy cứ tủm tỉm chẳng nói gì. Thì ra, tui vừa dứt chuyện thì bà ấy lại làm mọi người cười bổ lăn, bổ ngã với cái giọng vùng miềng đặc sệt, tếu táo và câu bốc phét độc, lạ đến tui còn phải phục sát đất. Nhưng duyên vợ chồng của tui với bà ấy thì phải sau chuyến trường chinh K8 trở về. Duyên cớ là năm nớ dịp đầu xuân, làng mở hội Trạng, tui và bà ấy đều cùng thi thố tài năng, nhưng bất phân thắng bại"...

Hai vợ chồng ông Trần Đức Trí và bà Trần Thị Liệu những người truyền lửa cho văn hóa độc đáo của làng trạng Vĩnh Hoàng.

Tiếp lời chồng, bà Liệu thú thiệt: “Hồi xưa tui với ổng là "kỳ phùng địch thủ" về tài bốc phét đó. Đọ tài cao thấp riết thành thương nhau khi mô chẳng chộ. Tui còn nhớ ở hội Trạng, ổng tự dưng quay ra biểu tui "Tui với o chừ lấy nhau hè. Hai mình mà kết hợp thì không có trạng phét mô địch nổi mô"...

Lúc ông ấy ngỏ lời tui mô có tin, miệng thì cười nhưng trong bụng tuy cũng ưng ý nhưng lại nghĩ anh ni bốc phét. Lỡ miềng trả lời đồng ý, anh nớ lại nói là tui bốc phét thôi, thì chỉ có nước độn thổ... Rứa là tui bắt ổng phải thề là phải nói... thật, phải lên báo cáo lãnh đạo, gia đình hai bên xin cưới đã rồi tui mới chịu theo về làm dâu”...

Chuyện vợ chồng của ông bà Liệu và Trí nên duyên nhờ tài nói phét. Nhưng tình yêu của ông bà thật đẹp và bền chặt đáng ngưỡng mộ!. Bảy tám mươi tuổi đầu, con đàn cháu đống, nhưng hằng ngày tiếng cười của họ vẫn tràn ngập khắp căn nhà. Có các cháu thì xưng ông, mệ, nhưng lúc chỉ có hai vợ chồng thì cứ là "anh, em" ngọt sớt và đầy tình tứ, yêu thương...

Đôi vợ chồng "giữ lửa" trạng của làng

Trời đã sấp ngửa xế chiều, đám trẻ cháu nội ngoại của ông Trí vừa tan học, chạy ùa vào nhà chào hỏi líu lo. Tíu tít dẫn đám trẻ và chúng tôi ra gốc cây si ngoài vườn rợp bóng, ông Trí mở lời: “Mấy o, mấy chú đã bao giờ nghe chuyện "lợ một buội cày chưa"? Không để chúng tôi ngơ ngác lâu, ông Trí bảo thằng cháu nội 8 tuổi đứng dậy. Thằng nhỏ khoanh tay dạ một tiếng rõ dài, rồi trọ trẹ:

"Bựa nớ, dà có mấy méng rọong, tui ưng đi cày sớm nên dặn vợ chủn bị cơm nác. Trời đạ sáng chi mô, vợ tui đạ mần sặn một bù nác chè đặc với một mo xôi xáo vợi khoai, bay mùi ra chi thơm. Tui nghe đạ khoái, liền lùa bò một mạch tận rú. Chộ trời chưa rạng, tui cho bò ăn một chặp, xong dắt bò ra cày, cày tới sáng mới chộ lạo cọp đang kéo cày. Sặn rạ trung tay, tui phắt một lát thiệt năng, niệt cày đứt mần đôi. Lạo cọp khiếp, chạy một mạch vô rú không dòm lại. Rứa là tui lợ một buội cày!".

Dịch lại:

"Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tui đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Trời đã sáng gì đâu, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo với khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền lùa bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho bò ăn một lúc. Tui chọn một con rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là... cọp. Sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cày đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày"...

Câu chuyện của thằng bé vừa dứt, cụ Trí lại tiếp: "Cái đặc sắc nhất trong truyện trạng Vĩnh Hoàng chính là chất giọng đặc sệt, người Quảng Trị gọi là nặng cạy cạy. Thanh hỏi, thanh ngã đều biến thành thanh nặng, thanh ngang và huyền khi mờ khi tỏ. Lại thêm phương ngữ Vĩnh Linh, từ cổ và từ đệm thoắt ẩn thoắt hiện trong câu chuyện. Giọng kể nhấn nhá lên xuống, lúc nhanh lúc chậm nên dù đã nghe đến cả trăm lần vậy mà vẫn thích ngồi nghe kể chuyện và cười ngả nghiêng như mới nghe lần đầu".

Tuy nhiên, hiện nay không phải người dân Huỳnh Công nào cũng biết kể chuyện. Lối sống hiện đại đã phần nào đó xóa mờ đi truyền thống đáng quý của làng. Lớp thanh niên cũng vì cuộc sống mà đã tứ xứ thập phương bươn chải. Nên mọi kì vọng "giữ lửa" truyền thống làng Trạng bây giờ dồn hết vào thế hệ măng non sau này. Những đứa trẻ bảy, tám tuổi nếu luyện tập chăm chỉ sẽ giữ được chất giọng "nặng cày cạy" dành riêng để kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Cùng với đó việc dạy từ gốc dạy lên sẽ giúp bọn trẻ học được cách tự biến tấu trên sân khấu, tự mình sáng tác được nhằm bổ sung cho kho tàng truyện trạng Vĩnh Hoàng. Với quyết tâm trên, những năm sau giải phóng, ông Trí, bà Liệu đã dày công sưu tầm những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng từ xưa đến nay rồi kể, ghi chép lại, giúp cố TS. Võ Xuân Trang hoàn thành tuyển tập truyện Trạng Vĩnh Hoàng. Sau đó cùng ông Trần Hữu Chư (Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Tú) vẽ tranh mô phỏng truyện trạng Vĩnh Hoàng.

Ông bà Trí cũng là người đề xuất ý tưởng lồng ghép truyện trạng Vĩnh Hoàng vào những buổi ngoại khóa, các buổi sinh hoạt văn nghệ ở các trường học để tất cả các em học sinh có cơ hội tiếp cận dễ hơn với loại hình văn hóa độc đáo này.

Đặc biệt, dù tuổi đã cao nhưng hai ông bà vẫn tâm nguyện dành toàn bộ phần đời còn lại của mình, góp nhặt những mẩu chuyện từ quá khứ, hiện tại pha thêm một chút hài hước để ngày đêm giữ hồn phách và truyền lửa cho nét bản sắc văn hóa làng độc đáo của làng trạng Vĩnh Hoàng.

Theo Cảnh sát toàn cầu