> Những người cưỡi gió đánh giặc trời
Giữa lúc B52 rải thảm, người ta thấy một số thiếu nữ vẫn đạp xe từ Hà Nội lên sân bay Đa Phúc (Nội Bài). Nhiều lần họ đạp đến nơi, đứng chờ đợi mãi, mắt nhìn đăm đắm lên bầu trời, rồi lại đạp xe về Hà Nội. Dọc đường, từng dòng người gồng gánh, đem theo đủ loại dụng cụ gia đình.
Khói bom cộng với bụi bặm từ ngói tan, gạch nát, như nhuốm sạm diện mạo Thủ đô; trên cao, tiếng phản lực gầm rít, cùng tiếng đạn, pháo, tên lửa đủ loại như xé nát bầu trời. Mặc! Những thiếu nữ này vẫn đều đặn đạp xe Hà Nội – Đa Phúc, Đa Phúc – Hà Nội. Họ đang yêu!
Hồi đó, cánh phi công trẻ gọi họ là “Nhóm người yêu phi công”. Có thể kể ra đây những cái tên: Nguyễn Thị Xuân Dung – người yêu phi công Lê Thanh Đạo (sau này là Đại tá, Anh hùng LLVTND, Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC, Phó Ban Dân vận T.Ư), Phạm Ái Phương – sinh viên khoa Sử, người yêu của phi công Nguyễn Tiến Sâm (sau này là Đại tá, Anh hùng LLVTND, Thứ trưởng Bộ GTVT), Phan Thúy Quỳnh – y sĩ viện 108, người yêu của phi công Nguyễn Văn Nghĩa (sau này là Đại tá, Anh hùng LLVTND, Hiệu trưởng trường Hàng không Việt Nam), Nguyễn Việt Nga – người yêu của phi công Trần Việt (sau này là Thiếu tướng, phó Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân).
Tất cả những cặp nêu trên đều đã thành vợ thành chồng, con bầy, cháu đàn, đều đã nghỉ hưu, sống cảnh thanh bình.
Song, họ chưa quên được mối tình bi tráng của nữ sinh viên P với Trung úy phi công Nguyễn Ngọc Thiên – người mà chưa có sách vở, báo chí nào nhắc đến.
Nguyễn Ngọc Thiên và Trần Việt có cảnh ngộ khá giống nhau: cùng sinh ra trên đất võ An Nhơn – Bình Định, cùng theo bố tập kết ra Bắc để lại quê hương mẹ và các em, cùng trúng tuyển phi công, cùng sang Liên Xô học lái Mig 21, về nước cùng được biên chế vào Trung đoàn KQ 921 và…cùng yêu nữ sinh viên; Trần Việt yêu Nguyễn Việt Nga - sinh viên khoa Dược còn Nguyễn Ngọc Thiên yêu P - sinh viên khoa Công nghiệp nhẹ. Thiên sinh đúng ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945.
10 tuổi, Thiên theo cha tập kết ra Bắc. Cụ Nguyễn Huấn – cha Thiên – là công nhân cơ khí trong nhà máy 120, tính tình khảng khái, không vụ lợi, cụ nhường suất nhà tập thể cho vợ con một người lính đi chiến đấu miền Nam, rồi đi nhặt nhạnh tranh tre, nứa lá dựng một túp lều ở trại đê trên đê La Thành (hồi những năm 1950 – 60 còn hoang vu không người ở) trước mặt là bao la ao, hồ, ếch nhái kêu suốt đêm.
Cứ mỗi khi có bạn bè (của cha cũng như của con) đến chơi nhà, là cụ lại đãi khách món ốc luộc tự bắt dưới ao, hồ, tự chế biến…
Khi Thiên trúng tuyển phi công đi học ở Liên Xô, cụ Huấn còn lại một mình trong túp lều tranh. Sau này, cụ vẫn ở một mình, bởi, Thiên về nước đúng lúc chiến tranh ác liệt, suốt ngày này qua ngày khác phải trực chiến nên hầu như bố con cũng chỉ được gặp nhau trong mấy ngày Tết âm lịch…
P, cũng là người Bình Định, theo cha tập kết. Đi cùng P còn mấy em nhỏ. P người cao ráo, gương mặt ưa nhìn, nói năng nhỏ nhẹ, rất khéo tay nên nhiều chàng trai để ý. Đầu những năm 1970, các trường đại học ở Hà Nội tổ chức một cuộc thi thể dục dụng cụ.
Trong số người dự thi, có 2 nữ vận động viên là P và Nga, đều đang là sinh viên năm thứ hai, P thi xà và cầu thăng bằng. Qua lần ấy, hai nữ sinh viên làm quen với nhau.
Mỗi khi rảnh rỗi, hai nữ sinh lại rủ nhau đạp xe lên sân bay Đa Phúc thăm Trần Việt và Nguyễn Ngọc Thiên. Nhiều hôm lên không gặp, hai người lại lủi thủi đạp xe về, lòng buồn rười rượi… Hai nữ sinh lúc ấy đâu có biết, Trần Việt và Nguyễn Ngọc Thiên một ngày phải cơ động, cất cánh, hạ cánh tới mấy sân bay, lúc ở Yên Bái, lúc về Miếu Môn, lúc vào Thanh Hóa, Nghệ An… Đời lính phi công lúc đó, sống – chết chỉ cách nhau có một giây
mà thôi!
Phi công Nguyễn Công Huy kể: Trong một chuyến bay thử, tôi suýt tử nạn, máy bay bị mất lý lịch động cơ, tâm trạng tôi đầy lo lắng, không biết điều gì sẽ xảy ra, lơ là một ly là đi một đời người. Tăng lực không có độ giật. Chợt nghĩ, “thôi thế là xong đời, đành tan xác cùng máy bay”, lết mãi đến cuối đường bay mới tách được đất. Các động tác ở trên trời tôi không dám kéo cho hết tính năng.
Anh em ở dưới đất vô cùng lo ngại, Nguyễn Ngọc Thiên (mấy anh em kết nghĩa với nhau, anh đứng thứ 6 với biệt danh là “Sáu Cơ” vì người anh toàn cơ bắp, còn tôi là Chín Huy, kém Sáu Cơ 2 tuổi) kết cho tôi một vòng hoa dại với ý định, nếu chuyến ấy tôi bị làm sao thì vòng hoa ấy sẽ đặt lên mộ tôi, còn tôi không sao thì sẽ đeo vào cổ tôi thành vòng hoa chiến thắng.
Rất chật vật, tôi mới đưa được máy bay vào đường băng và cho tiếp đất. Tôi lăn về sân đỗ thì Sáu Thiên ào tới, nhảy lên buồng lái, đeo vòng hoa vào cổ tôi, hôn lên khuôn mặt đỏ bừng, đẫm mồ hôi của tôi mà hô lớn rằng: “Tao chúc mừng thằng Chín, cứ ngỡ phải đặt vòng hoa này trên mồ mày kia!”.
Tôi cười và nhại giọng miền Nam: “Em về em méc tía cho coi. Anh muốn em hổng méc thì ghé lưng cõng em, chịu hôn?”. Tất cả cười vui lắm, có anh thợ máy còn rân rấn nước mắt…
Nào có ai ngờ rằng, chỉ ít bữa sau, Nguyễn Ngọc Thiên đã hy sinh anh dũng trên đất Thanh Hóa. Trước đó, mấy anh em phi công kết nghĩa với nhau thỏa thuận rằng, ai hy sinh, người còn sống phải giữ kín cho đến ngày thống nhất.
Bởi thế, dù thương P vô hạn, nhưng Trần Việt vẫn phải cố nén trong lòng. Riêng P, sau mấy lần đạp xe lên thăm người yêu mà không gặp, P viết thư nhờ Nga đưa hộ cho Trần Việt, vẫn không thấy Trần Việt trả lời.
Cho đến khi B52 dồn dập đánh phá Hà Nội, P tìm đến gặp Nga. Đúng lúc Nga cũng đang vô cùng sốt ruột, bởi Nga và Trần Việt đã gửi thiếp mời cưới tới mọi người vào Noel, 24-12-1972, vậy mà mấy hôm nay, Nga đạp xe đi khắp nơi, lên Đa Phúc, sang Gia Lâm vẫn không tìm thấy Trần Việt.
Cha của Việt cũng đã từ Hà Tĩnh, chuẩn bị được ít bánh kẹo, xin nghỉ 2 ngày ra Hà Nội để làm lễ cưới cho con trai mà đợi mãi cũng chả có tin tức gì đành phải trở vào Hà Tĩnh.
“Tớ đành phải hoãn đám cưới rồi xin lỗi mọi người, cũng may, cũng chả mời nhiều, bà con họ hàng thì ở quê cả! Còn cậu, cậu cứ bình tĩnh chờ đợi, mà không chờ thì chúng mình biết làm gì đây?” - Nga an ủi bạn.
Ngày 25-12-1972, Nga lên Bệnh viện Bắc Thái nhận công tác. Ba hôm sau, ngày 28-12-1972, Nga bỗng nhận được điện thoại của P gọi từ Hà Nội, reo to lên rằng: “Nga ơi, tớ vừa nghe được giọng người yêu cậu trên đài phát thanh, anh Trần Việt hôm qua bắn rơi được chiếc F4 đấy!” Nga mừng quá, không cầm được nước mắt…
Cho đến khi Mỹ tuyên bố rút toàn bộ quân khỏi Việt Nam, Trần Việt mới cho Nga biết tin Nguyễn Ngọc Thiên đã hy sinh, rồi dặn cứ từ từ đừng cho P biết vội. Thương P quá, Nga khóc mãi không thôi, rồi tìm đến nhà thăm P. Lúc ấy, P đang ngồi thêu gối cưới.
Hôm báo tử Thiên, P như người mất hồn… Rồi P lên tận Bá Thước, Thanh Hoá tìm mộ Thiên. Người con của đất võ Bình Định nằm đó, giữa núi rừng bao la. P cắt một lọn tóc đặt trên mộ người yêu rồi thì thầm nói chuyện với anh như những ngày nào bên Đa Phúc, Phù Lỗ… Ở nơi Thiên nằm, có một bà mẹ rất thương đứa con miền Nam, nhận Thiên làm con nuôi, ngày ngày hương khói cho Thiên… 18 năm sau, Thiên mới được về an nghỉ bên cạnh ba má. Lần nào về quê, Trần Việt cũng đến thắp hương, chuyện trò với bạn.
Ngót 40 năm đã trôi qua, vợ chồng Thiếu tướng Trần Việt vẫn giữ bức thư P viết gửi cho Nga đề ngày 14-3-1973:
“Nga mến!
Thế là đã lâu lắm rồi, chúng mình không nhìn thấy nhau nhỉ?...Cách đây không lâu tớ có đi công tác gần Phù Lỗ. Chao ơi, sao mà nhớ đến thế Nga ạ. Nếu tớ có thể đi xa hơn con đường mà tớ phải đi nhỉ, nhưng nào còn có ai chờ, ai đón tớ kia chứ…Tớ không bao giờ muốn tin nhưng sự thật ấy vẫn cứ đến, hôm mồng 10 tháng 3, người ta báo tử và làm lễ truy điệu, thế thì chắc người thương yêu của tớ không về thật rồi.
Sờ lên những quần áo của anh, tớ cảm như đang chạm lên con người thật thương yêu. Vẫn thơm, vẫn im lìm, say sưa và khỏe mạnh như ngày nào. Nước mắt tớ cứ chảy mãi nhỏ xuống chiếu, thấm vào quần áo anh, tớ hôn mãi lên quần áo, yêu nhau biết là bao nhiêu, tớ chỉ ước sao dưới làn vải ấy là một cơ thể sống, để rồi bỗng chốc ôm chặt tớ vào lòng và hôn lên tớ, hôn một cái thôi! Thế mà cầu xin mãi cũng chẳng được, chỉ có tớ hôn, hôn mãi lên những bộ quần áo… Đến 25-3 này tớ sẽ đi thăm mộ anh.
Cứ nghĩ đến nơi anh nằm thì tim tớ bỗng co lại, bé tẹo như hạt đỗ, sao mà đau và khó thở thế? Sao mà khó tin cái sự thật ấy đến thế?...”
Người đàn bà mái tóc hoa râm, mắt đeo kính, giọng nghẹn ngào, không đọc hết được lá thư…