Chuyện thu xe tài xế say ở Mỹ

TP - Câu chuyện tịch thu phương tiện của lái xe say rượu bia đã được đặt ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và luôn gây tranh cãi, khó thực thi.

Đầu năm 1999, cảnh sát thành phố New York (Mỹ) cảnh báo, người nào lái xe khi say rượu sẽ bị tịch thu xe. Nếu cảnh sát chứng minh được lái xe phạm luật (say rượu thực sự), người này sẽ vĩnh viễn mất xe. Điều luật này không chỉ áp dụng với xe cá nhân mà cả với xe đi thuê. Chỉ xe của một cá nhân khác, không phải của người lái say rượu, mới được hoàn trả.

Cảnh sát hy vọng biện pháp này sẽ kéo giảm số người chết liên quan tình trạng tài xế say rượu tại thành phố New York (năm 1998 là 31 người), theo CNN. Tính đến thời điểm đó, tại Mỹ, 23/50 bang có luật cho phép cảnh sát thu giữ, sung công ô tô của lái xe say, tuy nhiên, chỉ áp dụng với những người tái phạm. Chỉ riêng thành phố New York viện dẫn luật trưng thu hình sự để tịch thu xe ngay lần đầu.

Tuy nhiên, một số luật sư nói việc thu giữ xe của người say là thừa bởi họ đã bị thu giữ bằng lái. “Có dấu hiệu lạm quyền ở đây”, luật sư Gerald Lefcourt nói với CNN. 


Năm 1998, Tòa án Tối cao Mỹ lần đầu tiên bác bỏ một điều khoản trong quy định của chính phủ Mỹ về việc tịch thu tài sản, theo New York Times. Tòa phán quyết rằng, việc tịch thu một tài sản sẽ là vi hiến nếu giá trị tài sản bị thu giữ không tương thích với hành vi vi phạm.

Với 4/5 thành viên tán thành, Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết: Chính phủ Mỹ đã sai khi tịch thu 354.144 USD tiền mặt của một gia đình ở thành phố Los Angeles, được bỏ trong vali trên chuyến bay đi Cyprus để trả nợ. Dù tiền không phải là kết quả của hành động tội phạm, gia đình này vi phạm luật liên bang vốn yêu cầu khai báo mọi khoản tiền vượt quá 10.000 USD khi mang ra nước ngoài.

Theo Tòa án Tối cao, tịch thu một khoản tiền quá lớn so với một vi phạm tương đối nhỏ là không tương thích và vi hiến. Tương tự, một lái xe muốn lấy lại xe bị tịch thu sau khi New York ra luật mới có thể lý luận rằng sẽ là không công bằng khi người này mất xe giá trị 45.000 USD, trong khi với hành vi tương tự, người kia chỉ mất chiếc xe giá trị 700 USD.

Các luật về thu giữ tài sản vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi ở Mỹ. Trong rất nhiều vụ, cảnh sát đã phải trả lại tài sản sau khi không bảo vệ được lý lẽ của họ tại tòa án.