Chuyện sáng tác “Bài ca hữu nghị”

TP - Tôi chưa bao giờ được học âm nhạc có bài bản, mà chỉ mua sách tự học cho thỏa lòng say mê.

Khi đã hiểu được sơ sơ đồ rề mi…, tôi tìm hiểu thêm ở các tài liệu hướng dẫn cách nghe bài hát, cách nghe nhạc không lời, nhạc cổ điển. Và do niềm đam mê của mình, tôi lại bắt đầu mày mò tập… sáng tác ca khúc! Bạn bè cho tôi là “viển vông”.

Tôi có 5 năm học ở Liên Xô và hơn 10 năm công tác ở quê hương Lênin vĩ đại, được thưởng thức những bài dân ca Nga trữ tình, những khúc quân hành Xô viết hùng tráng và những bản nhạc giao hưởng hàn lâm nổi tiếng của các bậc lão thành âm nhạc trên thế gian. Thời làm “thủ lĩnh” của một đơn vị lao động hợp tác ở thành phố Lêninxk - Cuznhéxki, ngoài việc “tu luyện” thêm tiếng Nga để học viết báo bằng ngôn ngữ này, tôi còn mua các sách bài hát Nga để học hát. Tôi đặc biệt bị dân ca trữ tình Nga “thôi miên”. Trong dịp giao lưu với các bạn Liên Xô nhân những ngày lễ, ngày kỉ niệm của hai quốc gia, tôi đã cùng họ say sưa “hát cho nhau nghe”.

Hồi ấy ở thành phố tỉnh lẻ này, Igor Drugov là một nhạc sĩ, giáo viên dạy nhạc của các trường trung học ở đây. Chúng tôi tự nhiên gặp gỡ rồi qua trò chuyện về hát hò mà kết thân nhau. Tôi đã trình bày một số bài hát “cây nhà” của mình cho người bạn Nga này nghe và đề nghị anh cho ý kiến. Người Nga quả là rất thẳng tính, Igor thẳng thắn góp ý, khen chê đúng mức chứ không vị nể, không vì “tình hữu nghị” mà xuê xoa lấy lòng. Nhờ “người thầy nghiêm túc” đó mà tôi có được chút ít kết quả trong sáng tác của mình.

Ca khúc của ông Nguyễn Hữu Dy, phần lời dịch ra tiếng Việt.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt-Xô (3/11/1978 - 3/11/1988) và cũng là ngày sắp từ biệt thành phố mình làm việc hợp tác với bạn, tôi bỗng nảy ra ý định viết một bài hát tặng nhân dân thành phố này.

Tôi đã ngẫm nghĩ xoay quanh một giai điệu sao cho hợp với hai ngôn ngữ Việt - Nga. Hầu như tất cả các ca khúc mà các nhạc sĩ Liên Xô viết đều lấy lời là những bài thơ của các nhà thơ. Điều này đối với tôi thật “quá tầm với”. Nhưng tôi quyết tâm làm. Khó nhất là giai điệu điệp khúc phải có cái tên thành phố Lêninxk - Cuznhéxki trong đó.

Trong bài hát Nga, mỗi một âm tiết trong các từ được ghi với một nốt nhạc, còn các “cụm” phụ âm (dù là hai hay ba, bốn,…) thì chỉ đọc lướt qua rất nhanh, vì chúng không vào một nốt nhạc nào. Như cái tên thành phố mà tôi cho vào lời bài hát này: Có 5 nguyên âm hợp cùng với các phụ âm đứng trước và sau sẽ ghi dưới 5 nốt nhạc, còn các phụ âm (có tới 10) thì chỉ lướt qua.

Sau khi đã xong được phần nhạc, tôi thật khá mệt mỏi với phần lời (là một cách “làm ngược” với các nhạc sĩ Nga: họ viết nhạc khi đã có lời là bài thơ!). Do vậy tôi đã cầu cứu ông bạn nhạc sĩ. Anh Igor sau khi “xướng âm” bài của tôi đã thẳng thắn góp ý: “Phần nhạc của bạn tạm ổn nhưng lời thì phải tu chỉnh nhiều, sao cho như thơ mới đạt yêu cầu…”.

Thế là tôi diễn đạt ý của mình - nói nôm na bằng tiếng Nga, còn Igor thì suy ngẫm rồi viết ra từng chữ, từng câu, thêm chữ này, đổi chữ kia… Loay hoay mãi cho tới lúc cùng nhau “gật gù” mới thôi.

Cái phần điệp khúc phải tu chỉnh mãi mới được theo ý tiếng Việt của tôi là: Lêninxk - Cuznhéxki! Mong người đẹp mãi như hoa mùa xuân/ Lêninxk - Cuznhéxki! Lòng người vẫn ấm dù tuyết mưa rơi/ Lêninxk - Cuznhéxki! Bao niềm thương mến chứa chan lòng ta/ Lêninxk - Cuznhéxki! Mong tình anh em bền vững muôn đời.

Bài hát “Thành phố thân thương quý mến” (nhịp 2/4, cung mi thứ) của tôi đã được ra đời như vậy.

Sáng hôm sau, tôi mang bài hát tới tòa soạn báo Lêninxki sachio (Người thợ mỏ Lênin) của thành phố. Tổng biên tập Vladimir Baranov xem và ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Hoan hô anh Dy. Chúng tôi sẽ dùng bài của anh. Cảm ơn!”. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Hai hôm sau, ngày 3/11/1988 trên trang ba của tờ “Lêninxki sachio” đăng bài hát này ở phía dưới bài chính luận “Với tinh thần vô tư và quốc tế cao cả” cũng của tôi. Tối cùng ngày, tôi đã hát bài này, nhạc sĩ Igor Drugov đệm đàn tại buổi liên hoan do hai bên cùng tổ chức ở Nhà hát thành phố nhân kỉ niệm 10 năm ngày Đảng và Nhà nước hai quốc gia ký Hiệp ước quan trọng đó.

Theo Báo giấy