Chuyện những người thích ăn chay, tu tập

TP - Kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, rất nhiều người chọn hình thức “chữa lành” bằng đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài. Có người lại chọn bám trụ thành phố, loanh quanh ăn, ngủ, xem phim, đọc truyện… Nhưng lại có không ít người chọn tắt máy điện thoại, cắt liên lạc với thế giới bên ngoài để tham gia một khoá tu tập, ăn chay.

Muốn tìm chốn bình yên

Mạnh Hùng, 47 tuổi, là một viên chức nhà nước. Anh đang sống ở chung cư Ecohome 3 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng với vợ và hai con nhỏ. Việc đi làm, chăm con nhỏ, lại tham gia vào ban quản trị của toà chung cư khiến anh khá bận rộn. Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Hùng bất ngờ quyết định: Tham gia khoá tu tập để chữa bệnh, dù anh không có bệnh gì nghiêm trọng.

Phóng viên hỏi: “Vì sao anh lại tiêu kỳ nghỉ theo cách khác người như thế?”. Hùng cười: “Thời bây giờ nhiều người trẻ ăn chay và tu tập lắm. Ngay trong khoá học của tôi, có cả những bạn nhỏ mới 10 tuổi cũng tham gia. Một số bạn xinh gái, đẹp trai cũng tu tập, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng”.

Anh tiết lộ, quyết định tham gia khoá tu tập xuất phát từ nhu cầu của bản thân, không phải để đu “trend”: “Cuộc sống hôm nay bề bộn quá. Tôi muốn tìm một chốn bình yên để xả stress, làm mới lại bản thân. Cho nên, khi nghe một người bạn giới thiệu có khoá học như thế, tôi liền tham gia ngay. Tôi thấy cuộc sống của tôi lộn xộn, ăn, ngủ, nghỉ không đúng giờ giấc, rất cần thay đổi nếu muốn kéo dài tuổi thọ”.

Những bữa ăn chay tự chế biến của Nguyễn Mai

Hành trình tu tập 4 ngày của Mạnh Hùng không tốn kém, chỉ hết 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, do thay đổi thói quen ăn uống và lối sống nên ban đầu anh cũng bị “sốc”: “Khoá tu tập này dùng phương pháp tự nhiên kết hợp tâm linh chữa bệnh. Tâm linh ở đây không phải mê tín mà là tu tâm, luyện tập. Khi tham gia, tôi phải uống thuốc xổ, thải độc trong 3 ngày đầu, vừa thải độc vừa phải ngồi thiền, thầy sẽ dạy cách ngồi thiền như trên ti-vi. Tôi cũng được luyện phương pháp tập thể dục để đẩy độc khí ra ngoài”, Mạnh Hùng say sưa kể.

Anh còn nói thêm: “Tất cả phương pháp đều tuân theo tự nhiên hết”. Nhưng anh thừa nhận ở bên ngoài đang ăn uống tự do, thích gì ăn nấy, bỗng dưng bị khép vào kỷ luật, ban đầu cũng hơi choáng: “Tuy nhiên, tất cả thức ăn thức uống trong ngày đã được tính toán đảm bảo năng lượng cho học viên tham gia mọi hoạt động nên không xảy ra tình trạng đói bủn rủn chân tay. Chúng tôi chỉ ăn rau, củ, quả. Khoá này chỉ là khoá cơ bản, đáng ra kéo dài trong 7 ngày nhưng rút gọn chỉ còn 4 ngày, 5 ngày, để học viên dễ sắp xếp thời gian”.

Phóng viên hỏi tiếp: “Sau khoá tu tập cơ bản anh gặt hái được gì?”. Mạnh Hùng lại cười tươi, khoe: “Trong mấy ngày tu tập tôi giảm được 2 kg. Cơ thể nhẹ nhõm hẳn, tinh thần phấn chấn lên. Bây giờ về nhà tôi vẫn tiếp tục ăn chay một thời gian vì thấy đây là phương pháp giảm cân tốt”.

Mỹ nhân xuống tóc

Mạnh Hùng (áo đen) tại khoá tu tập. Hình ảnh trong khóa tu tập ngắn hạn do Mạnh Hùng cung cấp

Không chỉ người dân bình thường, nhiều mỹ nhân của làng giải trí cũng hướng đến ăn chay, tu tập. Cách đây vài năm diễn viên Diệp Bảo Ngọc từng khoe, cô giảm được 3kg sau khi tham gia khoá thanh lọc cơ thể. Giống như Mạnh Hùng cô cũng phải dùng thuốc xổ, cũng phải tuân thủ chế độ rèn luyện thân tâm và dung nạp theo chế độ dinh dưỡng của khoá học đề ra, cũng như tuân thủ lịch thiền định.

Kết thúc khoá học, người đẹp 9x thừa nhận, không những cải thiện được sức khoẻ, cân nặng, tinh thần, cô còn biết quý trọng hơn giá trị của sự sống, hạnh phúc hiện tại. Được biết, phương pháp thanh lọc được Diệp Bảo Ngọc cũng như nhiều người dân bình thường hiện nay hưởng ứng qua các khoá học do một sư thầy, có kiến thức về y khoa, từng là bác sĩ truyền lại. Lời giới thiệu của Mạnh Hùng: “Thầy trước đây là bác sĩ, tiến sĩ. Năm 2000 thầy đi tu và tìm ra phương pháp chữa bệnh thanh lọc cơ thể, vì thấy bệnh tật ở con người bây giờ nhiều quá”.

Diễn viên Hoàng Yến xuống tóc ở Ấn Độ (ảnh nhân vật cung cấp)

Hoàng Yến, cô Xuyến của phim “Về nhà đi con”, nổi tiếng với đời sống tình cảm phức tạp, qua 4 lần đò cũng là một người hưởng ứng nhiệt tình xu hướng ăn chay, tu tập. Chị nói: “Tôi tu sâu, hiểu được sự nhiệm màu của Phật pháp năm nay đã là năm thứ 8 rồi”. Phóng viên hỏi: “Cơ duyên nào đưa chị đến với sự nhiệm màu của Phật pháp?”. Nữ diễn viên kiêm doanh nhân đáp: “Tôi ngược lại với nhiều người, thường tìm đến Phật khi cuộc đời nhiều khổ đau. Tôi tìm đến Phật khi đang rất hạnh phúc. Tôi nương nhờ Phật Quan Âm để sinh con gái út.

Suốt 9 tháng 10 ngày tôi tụng kinh, ăn chay niệm Phật. Con gái út của tôi bây giờ trước khi đi học vẫn lễ Phật, niệm Phật thành một thói quen”. Hoàng Yến tiết lộ: Hai con gái lớn của chị cũng theo chị ăn chay, hướng Phật. Mấy tháng trước nhiều khán giả ngỡ ngàng khi Hoàng Yến xuống tóc. Chị giải thích: “Xuống tóc là hoại sắc, buông bỏ cái đẹp. Khi ấy tôi tham gia một khoá xuất gia gieo duyên 10 ngày ở Ấn Độ.

Thời gian này, mỗi ngày tôi chỉ ăn một bữa, đến 12 giờ trưa là ngừng ăn, từ đó nhịn đến sáng hôm sau”. Trải qua 10 ngày trên đất Ấn Độ, Hoàng Yến không cảm thấy mệt mỏi mà cảm giác như được tái sinh, dồi dào năng lượng: “Dành ra 10 ngày, gác lại tất cả công việc với tôi là một sự cố gắng lớn. Nhưng bù lại tôi có một khoảng thời gian yên tĩnh, thanh thản”. Nhờ hướng Phật, Hoàng Yến thay đổi một số nhận thức.

Muôn nẻo ăn chay

Không phải chỉ những người tham gia khoá tu tập hay có lòng hướng Phật mới ăn chay. Có những người ăn chay trường chỉ vì họ muốn thế. Nguyễn Mai, năm nay 28 tuổi, đang làm nghề chạy xe ôm công nghệ ở Tp. Hồ Chí Minh kể: “Tôi ăn chay 17 năm nay. Từ khi 10 tuổi rưỡi, 11 tuổi đã làm quen với ăn chay. Từ năm 12 tuổi tôi không còn đụng vào thịt”. Cô cho biết, bà nội và cả gia đình bên nội của cô đều ăn chay trường.

Khi mới bắt đầu ăn chay cô cũng cảm thấy hơi khó khăn, ăn hoài vẫn không no: “Nhưng sau 3 năm cảm giác đói khi ăn chay không còn”, cô chia sẻ. Nhiều người hỏi Nguyễn Mai, có phải kiềm chế cơn thèm muốn của bản thân khi nhìn thấy món ăn được chế biến từ thịt? Cô gái gốc miền Tây lắc đầu và khẳng định, việc ăn chay khiến cô cải thiện sức khoẻ, cũng không thấy phiền nhiễu gì: “Ngay cả khi đi du lịch việc ăn chay cũng không phải trở ngại vì bây giờ ăn chay thành một xu hướng nên có rất nhiều quán phục vụ đồ chay”.

Nguyễn Mai thường tự mua thực phẩm và chế biến các món chay cho mình, 3 bữa/ngày. Cô kiêng ăn mặn gần 20 năm nay còn vì tình thương yêu loài vật. Nguyễn Mai có hoàn cảnh riêng khá đặc biệt, cha cô mất sớm, khi cô ra đời ông muốn đặt tên con gái là “Ngọc Mai” nhưng do ông biết rất ít chữ, cuối cùng lại viết thành “Nai”. Cho nên, tên khai sinh của cô vẫn là “Nai”, một con vật dễ thương, ngơ ngác. Cô gái gốc miền Tây tự tin, dù cuộc sống có bão táp cỡ nào, cô cũng không thể sa ngã nhờ ăn chay trường và nghe nhạc dân ca Việt Nam.

Nhắc đến “sao” Việt ăn chay, không thể không kể tới Hồ Quỳnh Hương. Giọng ca “Hoang mang” ăn chay hơn 10 năm nay. Chị từng được Hiệp hội bảo vệ động vật PETA bình chọn là mỹ nhân ăn chay hấp dẫn nhất châu Á năm 2013. Nữ diễn viên Hoàng Yến không ăn chay trường: “Có khi tôi ăn chay cả tháng, có khi chỉ mồng một, hôm rằm.

Theo tôi ăn chay được bữa nào thì tốt nữa ấy. Vì việc này giúp tâm thanh tịnh, riêng với phụ nữ, còn giúp xinh đẹp, trẻ lâu”. Nhưng Hoàng Yến tiết lộ, chị chưa bao giờ ăn đồ giả chay: “Tôi ăn đậu, ăn rau, ăn lạc nhưng không ăn con cá làm giả chay, giò giả chay… Theo tôi, nếu ăn kiểu thế thì cứ ăn cá thật, giò thật luôn. Chứ đã ăn chay lại còn muốn món ăn có hình dáng và mùi vị của thịt, của cá mới thấy ngon thì… khổ quá”.

Theo quan sát của nữ diễn viên, hiện nay ăn chay còn là “mốt”: “Người ta dắt nhau đi ăn chay vì ăn chay ở ngoài bây giờ rất đắt, rất sang. Ăn một bữa chay ngon ngon, đẹp đẹp cũng phải tốn 5-7 triệu đồng chứ không ít”. Nhiều người theo xu hướng ăn chay, hướng Phật nên những năm gần đây ca khúc có màu sắc Phật giáo khá thịnh hành. Như “Lạy Phật Quan Âm” của nhạc sĩ Hàn Châu, ca khúc được viết theo đơn đặt hàng, đã trở thành ca khúc “ăn khách”, được rất nhiều ca sĩ chọn hát, mang lại cho ông một nguồn thu đáng kể.

Tu tập không chữa được bệnh hiểm nghèo

Theo Mạnh Hùng, khoảng 6 tháng đến 1 năm nên tham gia một khóa tu tập chữa bệnh. Anh còn cho biết ngay trong khoá học anh tham gia dịp nghỉ lễ vừa qua, cũng có không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo: “Những người mắc bệnh hiểm nghèo còn có thể tham gia những khoá học dài ngày, chẳng hạn 49 ngày”. Sau khi tham gia khoá tu tập ngắn ngày, dù bản thân thấy sảng khoái, hiệu quả song Mạnh Hùng cũng không khuyến khích bạn bè, người thân tham gia như mình.

Giáo sư Vũ Dũng (ảnh), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Ăn chay giúp giảm nguy cơ bệnh tật, vì ăn mặn, nhiều dầu mỡ dễ gây ra nhiều bệnh tật cho con người. Một trong những nguy cơ của nhân loại hôm nay là tỉ lệ béo phì gia tăng. Những người ăn chay thường tránh được nguy cơ đó”.

Qua nghiên cứu về tôn giáo ông ghi nhận: “Ngồi thiền rất tốt cho sức khoẻ, vì người ta tập trung tư tưởng, giúp giảm một số bệnh của con người. Thiền là một trong những hình thức tập luyện có ích”.

Nhưng có hình thức tu tập nào chống được bệnh hiểm nghèo chưa? Phóng viên đặt câu hỏi. Giáo sư Vũ Dũng đáp: “Điều này không có cơ sở nào. Ngồi thiền chỉ giúp giảm một số bệnh nhất là bệnh tâm lý, như căng thẳng, huyết áp… Vì thiền liên quan đến thở”.

Về xu hướng ăn chay, tu tập ở Việt Nam phát triển những năm gần đây, ông cho rằng, có thể còn do ảnh hưởng của phong trào: “Nhiều người thích làm theo phong trào”.