‘Thấy các em đến lớp đều đặn, ham học, mừng muốn rơi nước mắt’
Từ điểm chính Trường tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải đến điểm lẻ Hòn Giang khoảng 30 phút bằng xuồng máy. Đặt chân lên đảo, lúc này, cô Ngô Thị Thùy đang cho các em sinh hoạt ngoài trời.
Ngoài sự ngoan hiền, lễ phép thì bộ đồng phục 'đa sắc màu' mà các em đang mặc trên người gây ấn tượng nhất cho những ai lần đầu đặt chân đến điểm lẻ Hòn Giang.
Cô Ngô Thị Thùy cho biết phụ trách điểm lẻ Hòn Giang từ năm học 2022 - 2023. Điểm lẻ này duy nhất một phòng học nhưng dạy 4 bậc học (từ lớp 1 đến lớp 4) nhưng chỉ có 17 học sinh.
“Đầu năm học 2021- 2022, điểm lẻ không có giáo viên dạy học nên phụ huynh kiến nghị ban giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải cử tôi đến dạy học cho các em. Thời gian đầu đứng lớp thật sự khó khăn, vì làm thế nào để trong một tiết dạy truyền kiến thức cho 4 bậc học khác nhau. Hơn nữa, khi dạy lớp ghép, giáo viên phải chuẩn bị 4 giáo án, nhưng thiệt thòi nhất là các em lớp 1. Do dạy lớp ghép, các em lớp 1 còn quá nhỏ, chưa biết chữ nên tôi tận dụng nhiều thời gian để chăm lo cho nhóm học sinh này”, cô Thùy chia sẻ.
Ông Lại Văn Tol – một người dân trên Hòn Giang cho biết, từ khi cô Thùy đến dạy học cho các em nhỏ trên đảo, bà con mừng lắm. Cách dạy của cô Thùy đã truyền cảm hứng, giúp các em học hành tiến bộ hơn trước nhiều. Đặc biệt, các cháu thuộc nhiều bài hát, trò chơi, năng động thấy rõ.
Rời điểm lẻ Hòn Giang, mất hơn 20 phút vượt sóng, chúng tôi mới đến điểm lẻ Hòn Đước. Điểm lẻ này chơi vơi một phòng học hướng biển. Tại đây, thầy Trương Tấn Hưng đang phụ trách 4 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 4) nhưng chỉ có 15 học sinh.
“Trước đây, tôi công tác tại một trường tiểu học trong đất liền thuộc TP. Hà Tiên. Đầu năm học 2022 – 2023, tôi được điều động đến đây phụ trách điểm lẻ Hòn Đước. Do điểm lẻ có một phòng nghỉ cặp bên trường nên tôi lấy đó làm nhà, ở lại trên Hòn sau những giờ trên lớp”, thầy Hưng bộc bạch.
Theo thầy Hưng, việc dạy học ở đảo khác nhiều so với đất liền lắm. Chuyện đi lại, chỗ ở, ăn uống, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau những chuyến đến gia đình học trò thăm khi các trò vắng mặt, tôi thấy học sinh của mình còn khó khăn hơn mình bội phần. Có thể vì đồng cảm thầy trò “còn nhiều khó khăn” nên mình thương học trò mình nhiều lắm. Thấy các em đến lớp đều đặn, ham học, mừng muốn rơi nước mắt.
Tình nguyện ra đảo
Chân đi tập tễnh vì tai nạn giao thông, ít ai biết rằng thầy Danh Văn (33 tuổi, dân tộc Khmer, quê ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đã có 10 năm gắn bó, gieo chữ cho học sinh nghèo nơi đầu sóng ngọn gió.
10 năm trước, thầy Danh Văn tình nguyện ra xã đảo Tiên Hải (thuộc quần đảo Hải Tặc – PV) dạy học tại Trường tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải, rồi được nhà trường phân công đến điểm lẻ Hòn Đước dạy.
Thầy Văn kể: “Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi ra đảo dạy học. Việc dạy ở đảo còn gặp nhiều khó khăn do đa phần cha mẹ các em là ngư phủ, quanh năm đi biển nên hôm nay các em đến lớp không đều đặn. Mỗi lần các em vắng, tôi tìm đến nhà hỏi thăm, động viên các em. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng thấy các em nhỏ biết chữ, khôn lớn là bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc và thấy quyết định chọn lựa ra đảo là đúng. Đây là lý do làm tôi gắn bó với hòn đảo này hơn 10 năm qua”.
Tháng 11/2019, trên đường về nhà, thầy giáo Danh Văn không bị trượt xe máy, té gãy chân. Do thầy Danh Văn mắc chứng bệnh máu khó đông, số tiền điều trị lên đến hàng tỷ đồng. Sau vụ tai nạn đó, thầy giáo Danh Văn được ban giám hiệu nhà trường đưa về điểm chính giảng dạy cho đến nay.
Mặc dù chân bị teo tóp, đi lại khó khăn nhưng hàng ngày, thầy Danh Văn tập tễnh lên lớp, với thầy đây là niềm vui muốn tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học để các em có tương lai tốt đẹp hơn.
Thầy Đỗ Quang Biên – Hiệu trưởng Trường tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải cho biết, toàn trường có 258 học sinh, trong đó, tiểu học có 134 học sinh, khối THCS chỉ có 65 học sinh. Ngoài điểm chính, trường có 2 điểm phụ đặt trên Hòn Đước và Hòn Giang. Do trên xã đảo chưa có trường mầm non nên nhà trường nhận thêm bậc mầm non (2 lớp học với 59 học sinh).
Nhờ có sự quan tâm của ngành giáo dục và chính quyền địa phương nên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy học của trường được đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nhà trường thiếu 4 biên chế nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy học, nhất là tại 2 điểm lẻ.
Theo thầy Biên, từ khi xã đảo có điện lưới quốc gia vào năm 2019, cuộc sống người dân trên xã đảo có khấm khá hơn, nhờ làm du lịch và các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, chính sự phát triển của du lịch, làm các mặt hàng phục vụ sinh hoạt hàng ngày đã “leo thang” theo giá dịch vụ du lịch. Trong khi đó, đồng lương, phụ cấp của nhà giáo hàng chục năm qua không thay đổi nên tác động rất nhiều đến đời sống giáo viên đang dạy học trên đảo Hải Tặc.
Đảo Hải Tặc ở Kiên Giang là một quần đảo bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong địa phận xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang). Bên trong Đảo Hải Tặc Kiên Giang thì hòn đảo Hòn Tre là đảo có diện tích lớn nhất. Quần thể đảo có vị trí cách đất liền TP. Hà Tiên khoảng 28 km và cách đảo Phú Quốc chỉ khoảng 40km.