Chuyện ly kỳ ở 'Trung tâm NASA' của Việt Nam

TP - Có một nơi duy nhất ở Việt Nam mỗi ngày điều hành khoảng 300 chuyến bay đi khắp thế giới; lập cầu hàng không, xin phép bay, hướng dẫn đỡ đẻ hành khách..., việc thôi thì đủ loại. Nơi đây được mệnh danh là Trung tâm NASA (hàng không vũ trụ Mỹ) của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Bàn điều hành của "NASA VNA". Ảnh: Bảo Khánh.

Nửa đêm cấp cứu khách mang bầu trên máy bay

Đó là một căn phòng kín mít đầy tính bảo mật thuộc Trung tâm Điều hành Khai thác (TTĐH) của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) với san sát màn hình máy tính.

Ngay giữa phòng là một màn hình lớn thể hiện rõ 300 chuyến bay đi khắp thế giới thông qua những đường bay nhằng nhịt.

Nhìn một cán bộ của TTĐH chỉ tay vào chuyến đang vượt Ấn Độ trực chỉ Châu Âu, bỗng thấy khoảng cách giữa Việt Nam với thế giới như gần lại.

Bên cạnh là một màn hình khác cho biết thông số về điều kiện thời tiết các vùng trên thế giới. “Nơi đây cập nhật các thông số thời tiết giúp chúng tôi lựa chọn được những đường bay an toàn nhất”, vị cán bộ nói.

Trung tâm Điều hành Khai thác nằm giữa trụ sở VNA, gần Cục hàng không Việt Nam, có 50 cán bộ (luôn có 12 người trực ngày đêm) để “canh” 300 chuyến bay hằng ngày.

Có những đường bay mà máy bay của Việt Nam chưa bao giờ “bén mảng” tới, như vụ lập cầu hàng không đột xuất tới Bắc Phi năm ngoái.

Thậm chí có những sân bay, nhiều cán bộ làm trong ngành hàng không ít nghe tới, nhưng vì tính cấp bách cần giải cứu người lao động về nước, TTĐH đã giúp hãng tính toán bay và phương án hạ cánh xuống những nơi giáp biên giới Libya.

Vụ bụi núi lửa ở Iceland bao phủ bầu trời Bắc Âu khiến ngành hàng không gần như tê liệt (vì châu Âu có nhiều trạm trung chuyển), lúc đó, nhiều đại sứ của các đại sứ quán của châu Âu tại Việt Nam đã có mặt tại VNA để tìm hiểu thông tin.

Đại diện của TTĐH đã đứng ra giải thích cặn kẽ các phương án đảm bảo an toàn bay (bay vòng) để giải tỏa hành khách trên tuyến đi châu Âu.

TTĐH là nơi hoạt động 24/24h. Màn hình lớn tại đây luôn lấp lánh những chuyến bay sôi động. Nhiều khi vì nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải có một chuyến bay gấp, TTĐH chính là nơi liên lạc với cơ quan chức năng các nước để xin cấp phép bay.

Có những chuyện kỳ lạ. Hôm đó, khoảng 1-2 giờ sáng, trực ban Trần Cẩm Tú bỗng nhận được một cú điện thoại từ tổ lái chuyến bay đang trên đường đi châu Âu nhờ tư vấn tình huống một ca nữ hành khách mang bầu có dấu hiệu băng huyết.

Xoay xở thế nào lúc này đây, gần như các đường dây nóng tư vấn sức khỏe tại trung tâm y tế trong nước đều rơi vào tình trạng... treo, tra trên mạng thì tính tin cậy không cao.

Cuối cùng, anh Tú đã phải dựng bác sỹ quen (công tác tại Bệnh viện Phụ sản TƯ) dậy. Tai này nghe phi công miêu tả tình trạng hành khách, tai kia nghe bác sỹ trả lời. Cuối cùng thấy không ổn, anh Tú đã cho số của bác sỹ để phi công liên lạc trực tiếp từ máy bay.

Rất may, nhờ có sự trợ giúp kịp thời nên nữ hành khách đã an toàn, máy bay không phải hạ cánh khẩn cấp. Lúc đó, máy bay đang trên không phận Afghanistan. Thực ra, với tình huống đó, cơ trưởng có toàn quyền quyết định hạ cánh khẩn cấp tại sân bay gần nhất để đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách.

Mỗi lần hạ cánh kiểu này tổng chi phí khoảng 100 nghìn USD, hơn nữa lại chưa chắc chắn được điều kiện y tế tại sân bay hạ cánh khẩn cấp có tốt không. Trong khi mỗi phút liên lạc điện thoại ưu tiên từ máy bay (chỉ dành cho phi công) khoảng 6 USD.

Trước đó không lâu, cũng trong hoàn cảnh tương tự, người trực điều hành bay còn hướng dẫn cho phi hành đoàn đỡ đẻ trong một chuyến khởi hành từ Việt Nam đi châu Âu. Tuy nhiên, cuối cùng cơ trưởng đã phải quyết hạ cánh khẩn cấp tại Baku (Azerbaijan). Kết quả hành khách nhập viện và mẹ tròn con vuông.

Rình tên lửa và bò tót từng phút

Hằng ngày, TTĐH cập nhật nhanh nhất tin tức nội bộ hàng không trong nước và thế giới. Ở nơi đây có đủ loại thông tin như ở đâu bắn đạn thật loại gì, tầm cao bao nhiêu, vùng ảnh hưởng... Ngay đầu năm nay, trong vụ Triều Tiên thử tên lửa, TTĐH nghe ngóng tới từng phút và cuối cùng đổi giờ bay những chuyến qua khu vực này để tránh ảnh hưởng.

Một cán bộ cho biết, quyết định quan trọng nhất vẫn thuộc về lãnh đạo VNA, nhưng TTĐH đã cung cấp thông số về tầm bắn của tên lửa (dựa trên chủng loại), ngày giờ bắn, hướng bắn (để tránh điểm rơi của nhiên liệu).

Nhiều thông số sau đó cho thấy mọi tính toán chuyển giờ các chuyến bay là tối ưu. Cả những chuyện tưởng lãng xẹt như vụ bò tót xâm nhập sân bay Phú Bài (Huế) vừa rồi cũng khiến nhiều cán bộ “NASA VNA” mất ngủ. Bởi vì, sân bay đóng cửa đồng nghĩa với việc đường hàng không tới Huế bị tê liệt.

Thông tin nóng cần cập nhật lúc đó là: Bò đã bắt chưa? Khi bò tót bị xử lý, các chuyến bay được thiết lập để giải tỏa hành khách tốt nhất.

Theo Báo giấy