Chuyển kiến nghị của cử tri Thủ Thiêm tới Thanh tra Chính phủ

TP - Các kiến nghị của cử tri Thủ Thiêm sẽ được Ban Dân nguyện chuyển đến UBND TPHCM, Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ TN&MT.
Ảnh minh họa: Internet

Trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 này, Ban Dân nguyện sẽ báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Xử lý sớm các kiến nghị bức xúc

Điểm đáng chú ý trong kỳ họp này là đoàn ĐBQH TPHCM vừa gửi đến Ban Dân nguyện nguyện vọng của cử tri Thủ Thiêm. Về việc này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, ngày 29/5 vừa qua, Ban Dân nguyện có nhận được báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, trong đó có nêu một số nội dung trong cuộc tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm.

Theo quy định, Ban Dân nguyện sẽ tổng hợp và chuyển kiến nghị của cử tri tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể, các kiến nghị của cử tri Thủ Thiêm sẽ được chuyển đến UBND TPHCM và vì đây là những khiếu nại phức tạp, kéo dài nên cũng được chuyển tới Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ TN&MT.

Cũng theo quy định pháp luật, kiến nghị sẽ được chuyển chậm nhất sau một tuần, nhưng vì đây là vấn đề được các cử tri cũng như truyền thông quan tâm, Ban Dân nguyện sẽ cố gắng chuyển sớm hơn quy định. “Khi chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì có sự đôn đốc, phối hợp, trao đổi”, bà Hải nói.

Trước những vấn đề bức xúc xảy ra trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội nên mời chủ tịch UBND các tỉnh, thành hay xảy ra những bức xúc về đất đai như TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai đến, làm rõ thêm những vấn đề được nêu ra tại phiên chất vấn.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại các phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng mời lãnh đạo nhiều tỉnh thành và đây là cách làm thí điểm. Tuy nhiên về nguyên tắc, Quốc hội chỉ chất vấn đối với những người do Quốc hội bầu hoặc bổ nhiệm. Trong khi đó, chủ tịch UBND tỉnh không nằm trong diện này. Theo bà Hải, ở Thường vụ Quốc hội, có thể mời các chủ tịch UBND đến để phối hợp cùng cung cấp thông tin khi cần thiết, chứ không phải đối tượng để chất vấn.

Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai

Theo đoàn giám sát, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí, cử tri nhiều tỉnh như Long An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đề nghị tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng và sớm có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp thu kiến nghị cử tri nhiều tỉnh như Vĩnh Long, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Tháp... Đoàn giám sát cho rằng, trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực hay xảy ra sai phạm, tham nhũng, lãng phí như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, cử tri tiếp tục phản ánh công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, hiện tượng người đứng đầu UBND các cấp không tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Từ đó dẫn tới việc coi nhẹ nhiệm vụ tiếp công dân, không kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân nên tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài diễn biến theo chiều hướng gia tăng. Việc xử lý các cán bộ sai phạm vẫn còn có dấu hiệu ngại va chạm, nể nang, né tránh, ít cán bộ bị xử lý kỷ luật, chủ yếu là rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ còn chiếm tỷ lệ lớn.