Luật Giáo dục Đại học sửa đổi:

Chuyển giao 'quyền lực' sang hội đồng trường

TP - Từ 1/7, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi  (Luật GDĐH) chính thức đi vào cuộc sống. Mọi quyết sách của trường ĐH được chuyển giao từ tay hiệu trưởng sang hội đồng trường. Thậm chí, đến lúc nào đó, hiệu trưởng cũng chỉ là người đi làm thuê. PV Tiền Phong trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT xung quanh câu chuyện tự chủ của các trường ĐH khi luật đi vào cuộc sống.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường. ảnh: hồng vĩnh

Tại Việt Nam từ trước đến nay, quyền lực cao nhất trong một trường ĐH luôn thuộc về hiệu trưởng. Nhưng từ 1/7, khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực, hiệu trưởng là người thực thi nhiệm vụ do Hội đồng trường giao. Với sự thay đổi về quyền lực như thế, theo bà, phản ứng của hiệu trưởng các trường ĐH ở Việt Nam sắp tới sẽ như thế nào?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã được xây dựng trong thời gian gần 2 năm. Trong quá trình dự thảo Luật GDĐH, ban soạn thảo đã tổ chức các cuộc hội thảo ở 5 vùng (tại các tỉnh, thành: Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ) để lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, trong đó có các hiệu trưởng của cơ sở GDĐH; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với các chủ thể thực hiện pháp luật về từng nội dung liên quan. Khi gửi sang Quốc hội thẩm tra và xin ý kiến, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương cũng lấy ý kiến góp ý của các trường ĐH trên địa bàn… Rất nhiều hiệu trưởng có trách nhiệm không những nắm rõ nội dung luật mà còn là những người đã cùng ban soạn thảo xây dựng dự thảo luật này.

Bên cạnh đó, sau khi luật được Quốc hội thông qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện luật tới các cơ sở GDĐH; đồng thời, ban hành Công văn số 499/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn các cơ sở GDĐH chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện luật. Vì vậy, tôi tin rằng, hầu hết hiệu trưởng các trường ĐH đang tích cực chuẩn bị thực hiện triển khai luật.

Xung quanh câu chuyện xảy ra với trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Luật TPHCM, có ý kiến cho rằng, phải chăng cũng vì liên quan đến “quyền lực” của chiếc ghế hiệu trưởng khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực, bà nghĩ sao?

Sự việc của các trường này có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, với nhiều mối quan hệ liên quan đến tổ chức và hoạt động trong nhiều năm gần đây… Câu chuyện của hai trường ĐH Tôn Đức Thắng và Luật TPHCM xảy ra trùng với thời gian Luật GDĐH sửa đổi sắp có hiệu lực, tuy nhiên bản chất vấn đề của 2 ĐH là khác nhau, do phụ thuộc vào hoàn cảnh, các vấn đề nội tại của từng trường. Để giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra cần dựa vào các quy định của pháp luật, thay vì đưa ra những nhận xét có tính chất suy diễn. Sự việc đã và đang được các cơ quan có trách nhiệm làm rõ và thông tin minh bạch. Bộ GD&ĐT đã cử đoàn công tác vào làm việc với Trường ĐH Luật TPHCM và trường hiện đã ổn định tổ chức để tiếp tục hoạt động; Bộ cũng đã có văn bản trả lời những nội dung mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu phối hợp và cùng các bên liên quan thực hiện trách nhiệm của mình để ổn định tổ chức và hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Theo bà, khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực, những vấn đề gì sẽ nảy sinh trong quản trị ĐH hiện nay?

Tự chủ ĐH là một quá trình chuyển đổi cách thức tổ chức quản lý đối với các cơ sở GDĐH, đã được bước đầu thực hiện từ khi thành lập hai ĐH quốc gia, được quy định trong Luật GDĐH năm 2012 và được chuẩn bị kỹ trong thời gian thí điểm mở rộng tự chủ theo Nghị quyết 77 năm 2014 của Chính phủ. Sau thời gian thí điểm, kết quả tổng kết kinh nghiệm đã được sử dụng để sửa đổi Luật GDĐH…

Trong cơ chế tự chủ, luật hầu như không quy định chi tiết về các hoạt động của nhà trường mà chủ yếu là quy định về các tiêu chuẩn chất lượng, quyền và trách nhiệm của các chủ thể liên quan; cơ chế sử dụng kiểm định chất lượng và sự minh bạch thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng đào tạo thực tế, việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp… để nhà nước, xã hội, người học cùng giám sát; quy định về trách nhiệm giải trình của các trường đối với các hoạt động của mình; quy định cơ chế thanh tra, kiểm tra, chế tài và xử lý nghiêm đối với trường vi phạm…

Vấn đề quan trọng trong quản trị ĐH là cơ sở GDĐH cần xây dựng được quy chế tổ chức và hoạt động của mình để thu hút các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi, phát huy quyền tự chủ và tính năng động sáng tạo của họ trong việc xác định và thực hiện được mục tiêu chiến lược của nhà trường.

Cảm ơn bà!

“Tự chủ ĐH là một quá trình phát triển, cần có điều kiện, thời gian để chuyển đổi từ nhận thức, ý thức và văn hóa chất lượng trong hệ thống GDĐH và toàn xã hội đến hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế quản lý, quản trị…”.
Bà  Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học