> Bảy nghìn người chết vì tai nạn giao thông
> Hàng triệu người tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông
TNGT Việt Nam giống thập niên 70 châu Âu
Đây có thể xem là cuộc họp hiến kế về giao thông quy mô nhất từ trước đến nay, với đầy đủ các thành phần, nhà khoa học.
Chuyên gia Mavis Jonhnson (Giám đốc Chiến dịch An toàn Đường bộ, thuộc Ngân hàng Thế giới) khuyến nghị nên đặt các thiết bị ghi lại hình ảnh vi phạm của chủ phương tiện để phạt.
Nghiên cứu về tình hình giao thông Việt Nam, bà Mavis Jonhnson khẳng định: “Đa số vụ TNGT nghiêm trọng ở Việt Nam là do chạy quá tốc độ, vượt xe nguy hiểm, đổi làn bừa bãi và lái xe bất cẩn qua giao lộ, vượt đèn đỏ. Công nghệ cưỡng chế vi phạm qua camera sẽ tác động bền vững hơn đối với hành vi lái xe”.
Giáo sư Silianov V.V (nguyên hiệu phó trường ĐH Giao thông Đường bộ Moscow) dẫn một số liệu liên quan những cái chết trẻ vì TNGT trên thế giới: Tử vong trong độ tuổi từ 15 đến 45, mỗi năm 1,3 triệu người.
Theo giáo sư Silianov, Việt Nam cần phải cải thiện hạ tầng để con số 33 người chết mỗi ngày không còn diễn ra hằng năm.
Từ những phân tích của các nhà khoa học, tình trạng TNGT hiện nay của Việt Nam giống nhiều nước châu Âu những năm 1970.
Chuyên gia Truyền thông của Ngân hàng Thế giới Michel Ledru dẫn ra số liệu, những năm 1970, số lượng người thiệt mạng ở Mỹ là 60 nghìn người/năm; Anh, Đức 20 nghìn người/năm; Nhật Bản và Pháp cũng ở con số 16 nghìn người/năm (Gần như có điểm chung, đến năm 2010, những quốc gia nói trên đã giảm dưới 5 nghìn người/năm).
Đây là thời kỳ được xem là đen tối ở châu Âu khi bóng mây TNGT bao phủ khắp nơi.
Quy hoạch đô thị gây ùn tắc giao thông
Một tham luận được nhiều nhà khoa học quan tâm là nghiên cứu văn hoá giao thông của giáo sư Hoàng Chương (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc VN).
“Ở Việt Nam, tình trạng lạc hậu, quá tải dẫn đến ùn tắc, hỗn độn ghê gớm về trật tự ATGT tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM. Điều này có nguyên nhân trực tiếp từ văn hóa quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị. Sự thiển cận, thực dụng, trong tư duy cùng dự báo thiếu khoa học của các nhà quy hoạch đô thị làm cho các thành phố này phát triển mất cân đối, bế tắc nghiêm trọng về hạ tầng công cộng”, giáo sư Chương nói.
Ngoài ra, theo ông Chương, TNGT xảy ra là do người đi đường thiếu văn hóa.
Công bố của Tổ chức Handicap nghiên cứu về hành vi uống rượu lái xe cho thấy, khảo sát 5.500 người ở Bình Thuận, Bắc Giang, đa số lái xe có uống rượu khi lái xe và đương nhiên tỷ lệ gây TNGT và va chạm giao thông của nhóm này khá cao.
Phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về ATGT sáng 22-11, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng trao đổi để học hỏi, đưa ứng dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn có nhiều ý kiến đóng góp để xây dựng các đề án, chính sách, chiến lược đảm bảo trật tự ATGT trước mắt cũng như lâu dài.