Chuyên gia giúp bạn trẻ ứng xử thông minh, quyết định đúng đắn trên không gian mạng

TPO - Theo chuyên gia Phan Thị Mai Quyên, không gian mạng không chỉ mang lại lợi ích mà còn thử thách năng lực rà soát thông tin, thử thách việc ra quyết định và kỹ năng giao tiếp của mỗi người trên không gian mạng.

Ngày 20/5, báo Tiền Phong phối hợp AIA Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Mở TPHCM, Ngân hàng Nam Á tổ chức chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học” với chủ đề “Ứng xử thông minh trên mạng xã hội” tại Trường THPT Dĩ An (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Nâng cao năng lực ứng xử trên mạng

Chia sẻ với các bạn học sinh, Thạc sĩ tâm lý Phan Thị Mai Quyên, giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM nhìn nhận: Sắp cuối năm học, các bạn dành thời gian sử dụng mạng xã hội (MXH) ngày càng nhiều do lúc này đã kết thúc các kỳ thi. Học sinh lớp 12 thì dùng MXH để tra cứu thông tin.

ThS Mai Quyên chia sẻ cùng các em học sinh tại buổi ngoại khóa đầu tuần. Ảnh: Ngô Tùng

Theo cô Quyên, trên không gian mạng, các bạn có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, đồng thời còn tìm kiếm, bồi đắp thông tin ngoài bài giảng của thầy cô trên lớp… một cách nhanh chóng.

“Chẳng hạn, ở bậc đại học, khi giảng viên đặt câu hỏi thì sinh viên ngay lập tức sử dụng AI, ChatGPT để tìm câu giải đáp”, ThS Mai Quyên dẫn chứng và cho rằng điều này cũng tích cực khi các bạn biết tận dụng AI nhưng cũng cần tránh lệ thuộc vào công nghệ AI và kiểm soát được nó.

Mặt khác, không gian mạng giúp mỗi người kết nối với nhiều bạn bè khác để có thể giao lưu, học hỏi nhau về sở thích, học thuật. “MXH không xấu như chúng ta nghĩ nhưng cách chúng ta sử dụng có thể tạo ra một số hiệu ứng khác nhau. Không gian mạng không chỉ mang lại cho chúng ta lợi ích mà còn thử thách năng lực rà soát thông tin, thử thách việc ra quyết định và kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng”, cô Quyên chia sẻ.

Nữ chuyên gia này phân tích: Bởi nếu xử lý thông tin không đúng cách thì nó sẽ đem lại sự phiền phức, còn khi có kết quả không tích cực trên không gian mạng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý các bạn rất nhiều.

Các bạn học sinh lớp 12 sẻ chia trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.

Nữ giảng viên cũng khuyến cáo, trong quá trình sử dụng MXH, các bạn học sinh cần chú ý kiểm soát ngôn từ.

“Trong cuộc đời sẽ có nhiều bạn trải qua trạng thái không tích cực khi nhận được giao tiếp với những ngôn từ không phù hợp. Tôi muốn nhắn nhủ các bạn rằng không phải đánh đập mới làm tổn thương mà lời nói có thể gây tổn thương nhiều lần hơn”, ThS Mai Quyên nói.

Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” là một phần trong khuôn khổ dự án "Trường học Lành mạnh nhất AIA" mà AIA Việt Nam đang thực hiện từ tháng 8/2022.

Dự án nhằm hướng đến những thói quen sống khỏe bằng việc khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng lối sống năng động và tạo dựng sự bền vững trong môi trường học đường.

Từ đây, chuyên gia này cho rằng điều đáng lo là có những bạn đem những ấm ức, tổn thương chia sẻ lên không gian kín (group kín) trên MXH và điều này đem đến hiệu ứng không tích cực trong phát triển đời sống nhân cách của người trẻ. Bởi theo thực tế, đã có những hội nhóm như “hội anti ba mẹ”, “hội review về thầy cô” với những confession (lời thú nhận) đáng ngạc nhiên…

Với việc phát triển đa dạng của các ứng dụng trên MXH, cô Quyên mong các bạn trẻ cần trang bị cho mình kỹ năng sử dụng mạng thông minh.

“Các bạn mải giải quyết những vấn đề trên không gian mạng thì sẽ thiếu đi thời gian tập trung cho các hoạt động thực tại của bản thân”, nữ chuyên gia lưu ý.

Tỉnh táo trước…những món quà trên mạng

Trao đổi thêm, ThS Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhìn nhận một bộ phận giới trẻ hiện nay đang tìm kiếm thông tin khá bị động.

Theo chuyên gia này, khi tìm kiếm thông tin gì, các bạn trẻ hiện hầu hết chỉ quan tâm đến các đường link gợi ý đầu tiên trên công cụ tìm kiếm mà không chịu khó phân tích, đánh giá những đường link đó chính thống hay không.

ThS Ngô Trí Dũng mang đến nhiều thông tin bổ ích cho các bạn học sinh.

“Muốn tìm kiếm thông tin về học phí, về đời sống xã hội, về kinh tế – chính trị – giáo dục, tại sao các bạn không lên website chính thức của các trường hay của các cơ quan báo chí”, ThS Ngô Trí Dũng đặt vấn đề.

Theo thạc sĩ Trí Dũng, những thông tin các bạn trẻ tìm trên công cụ Google đã được các đơn vị, tổ chức bỏ một nguồn tiền cho hoạt động marketing nhằm đẩy những thông tin của họ lên khi họ dự đoán những từ khóa mà người dùng đang mong muốn tìm kiếm. Vì vậy, khi các bạn tìm kiếm thì “bị” những từ khóa đó nhận diện và gợi ý những thông tin bằng các đường link về các tổ chức, đơn vị hoạt động mà các bạn đang cần.

Với xu hướng đó, thầy Dũng cho biết nhiều người dùng đang vấp phải câu chuyện mất rất nhiều tiền, thậm chí hàng tỷ đồng khi vào các đường link và được gợi ý “bạn nhận được một món quà giá trị và để nhận được món quà này các bạn phải đăng ký thêm thông tin cá nhân để được ghi nhận”.

Các bạn trẻ tự tin bày tỏ những điều khúc mắc cần lời giải đáp từ các chuyên gia.

Do đó, nếu thiếu cảnh giác, thiếu sự nhận định, đánh giá và chỉ “đam mê” các phần thưởng đó, các bạn trẻ vô tình cung cấp thông tin cá nhân cho những đối tượng xấu thì hậu quả là mất tiền trong tài khoản ngân hàng, bị các tổ chức lừa gạt theo chân và nhiều hình thức lừa đảo khác.

“Khi tìm kiếm, tìm hiểu các thông tin về một tổ chức, đơn vị, chúng ta cần tỉnh táo, phân tích, lựa chọn trong thao tác đăng ký, xác thực thông tin như vậy”, ThS Trí Dũng lưu ý.

Trước vấn đề thiết thân của các bạn học sinh sắp tới, ThS Dũng cho biết, học sinh lớp 12 sẽ phải đăng ký nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi thí sinh sẽ có một tài khoản duy nhất được Bộ cung cấp. Khi tiếp nhận tài khoản này, các bạn cần bảo mật, không để ai biết đến tài khoản của mình.

Chia sẻ thêm về cách thức đăng ký, chuyên gia này cho biết: Khi có được tài khoản cá nhân và đến thời điểm cho phép, thí sinh truy cập vào địa chỉ website chính thức của Bộ GD&ĐT. Lúc này, các bạn cần lưu ý đến việc năm nay là năm cuối cùng Bộ triển khai theo mô hình xét tuyển “3 chung”: chung đề thi, chung đợt thi, chung thời gian xét tuyển.

“Do đó, mong các bạn sẽ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp một cách suôn sẻ và chọn được các trường ĐH-CĐ hoặc đi du học, không bạn nào phải vướng những vi phạm về quy chế phòng thi để ở lại một năm tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với rất nhiều thay đổi”, ThS Ngô Trí Dũng gửi gắm.

Đại diện báo Tiền Phong tặng hoa cám ơn các diễn giả tham gia buổi chia sẻ.