Chuyên gia giáo dục: Dùng ngân sách đào tạo tiến sĩ là biếu không nước khác

Ông Đinh Công Bằng, chuyên gia giáo dục tại Mỹ, cho rằng đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách chẳng khác nào biếu không cho nước khác cả tiền và người.
Ông Đinh Công Bằng (trái) hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc ở Mỹ sau khi tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Liên quan dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, ông Đinh Công Bằng - từng là nghiên cứu sinh ở Đại học bang Florida (Mỹ) - cho rằng không nên đặt mục tiêu đào tạo tiến sĩ.

'Bộ GD&ĐT không nên dùng tiền ngân sách để gửi nghiên cứu sinh ra nước ngoài. Thay vào đó, cơ quan này cần tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi để các tiến sĩ có trình độ đến làm việc ở các trường đại học Việt Nam, kể cả người nước ngoài', ông Bằng nêu quan điểm.

Ông căn cứ vào đâu để cho rằng không nên dùng tiền ngân sách để tào tạo tiến sĩ ở nước ngoài?

Hiện nay, hàng chục nghìn nghiên cứu sinh người nước ngoài đang học tập và nghiên cứu tại Mỹ. Trong đó, hơn 49.000 người đến từ Trung Quốc, hơn 9.000 người đến từ Iran. Nhiều nước khác cũng có hàng nghìn nghiên cứu sinh ở Mỹ, trong đó khoảng 1.200 người Việt Nam.

Phần lớn họ đến đây nhờ tự cạnh tranh để có học bổng nghiên cứu sinh chứ không phải dùng tiền ngân sách.

Dùng tiền ngân sách có rủi ro lớn là tiến sĩ không trở về Việt Nam sau khi hoàn thành văn bằng và thời gian thực tập. Điều này có thể căn cứ số liệu thống kê, ví dụ như ngành Tin học tại Mỹ chẳng hạn.

Theo điều tra có tên Taulbee Survey, năm 2016, 93% tiến sĩ ngành Tin học tốt nghiệp trường Mỹ ở lại nước này làm việc. Khoảng 7% rời Mỹ sau tốt nghiệp, trong đó chỉ 4,5% làm việc trong lĩnh vực giáo dục nhưng không rõ ở nước nào. Điều này có nghĩa không rõ họ về nước hay sang nước thứ ba.

Thống kê này bao gồm sinh viên từ các nước phát triển như Đức, Nhật và những quốc gia thuộc Vùng Vịnh. Đây là những nước có tỷ lệ sinh viên trở về cao. Có lẽ, số tiến sĩ Tin học tốt nghiệp tại Mỹ đến từ các nước đang phát triển trở về nước làm việc không đáng kể.

Như vậy, dùng ngân sách để đưa nghiên cứu sinh học tiến sĩ thì khác nào biếu không nước khác 'cả tiền và người'.

Mục tiêu của đề án là nâng cao tỷ lệ tiến sĩ trong số giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Xin ông chia sẻ Mỹ từng có đề án tương tự hay không?

Mỹ không thể có những chương trình như vậy. Ngân sách giáo dục liên bang chi chủ yếu vào trợ cấp tài chính cho sinh viên đại học, chi phí giáo dục và thể chất (dinh dưỡng) cho học sinh phổ thông. Việc đào tạo tiến sĩ là do các trường đại học tự làm.

Thực tế, ngay cả các trường đại học cũng không đặt mục tiêu đào tạo bao nhiêu tiến sĩ mỗi năm. Họ chỉ tập trung nghiên cứu khoa học, xin tiền quỹ nghiên cứu từ các nguồn của chính phủ và tư nhân. Khi có kế hoạch, chi phí và kết quả nghiên cứu, nghiễm nhiên các trường có thêm tiến sĩ.

Nói cách khác, tiến sĩ ở Mỹ là kết quả của nghiên cứu khoa học, mặc dù mục tiêu của khoa học không giống mục tiêu của hệ thống giáo dục. Hơn nữa, áp lực chính trị từ người trả thuế và cử tri không cho phép nhà nước đặt ra những kế hoạch xa vời mà không đóng góp cụ thể và nhanh chóng vào đời sống của người dân.

Tại Mỹ, việc đào tạo tiến sĩ diễn ra như thế nào?

Tiến sĩ là sản phẩm đầu ra nhưng không phải mục tiêu của hệ thống giáo dục cũng như từng trường đại học. Nếu có chương trình nghiên cứu tốt, tài trợ nghiên cứu, họ sẽ có nhiều tiến sĩ tốt.

Vì ngân sách tài trợ nghiên cứu khoa học của chính phủ liên bang cũng như doanh nghiệp rất lớn nên Mỹ không có đủ nghiên cứu sinh trong nước mà phải tuyển nghiên cứu sinh nước ngoài. Mỗi năm, quốc gia này đào tạo khoảng gần 70.000 tiến sĩ.

Hiện tại, hàng trăm nghìn nghiên cứu sinh đang hoạt động tại Mỹ, trong đó, hơn 1/2 là người nước ngoài. Nói cách khác, nước Mỹ 'nhập khẩu' nghiên cứu sinh. Đây có thể là mục tiêu của từng sinh viên cũng như giáo dục Việt Nam: 'Nhập khẩu' nghiên cứu sinh thay vì phải trả tiền ngân sách để trở thành nghiên cứu sinh.

Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng phải 'nhập khẩu' nghiên cứu sinh. Nguồn lớn nhất là các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Iran.

Tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ ở các trường đại học tại Mỹ như thế nào?

Các trường hàng đầu đảm bảo 100% giảng viên có bằng tiến sĩ. Những trường đại học chỉ dạy 4 năm (bằng cử nhân) hoặc 2 năm (cao đẳng cộng đồng) có số giảng viên là tiến sĩ giảm đi đáng kể, có thể dưới 50%.

Rất nhiều tiến sĩ nước ngoài đến Mỹ giảng dạy và nghiên cứu. Điều này có nghĩa đây là môi trường mở và cạnh tranh. Việt Nam cũng có thể làm như vậy, tuyển tiến sĩ nghiên cứu cao cấp từ nước ngoài (căn cứ vào trình độ, không phải quốc tịch hay nguồn gốc) về làm trưởng khoa, trưởng bộ môn để đào tạo tiến sĩ Việt tại chỗ.

Các trường cũng có thể chỉ tuyển họ vào mùa hè, hoặc lúc nghỉ phép cả năm (sabbatical leave), để đến Việt Nam làm việc với nghiên cứu sinh. Điều này cho phép giáo sư nước ngoài vẫn duy trì được vị trí công tác của họ, trong khi có thêm thu nhập khi làm việc với các trường.

Việc dùng giáo sư nước ngoài ở Việt nam có rất nhiều lợi thế: Sinh viên học tại chỗ và sẽ làm việc trong nước. Toàn bộ xuất bản khoa học của sinh viên và cả giáo sư trong thời gian nghiên cứu sẽ thuộc về trường đại học trong nước. Từ đó, nó tác động tích cực đến xếp hạng quốc tế của trường, mở ra nhiều cơ hội đồng tác giả xuất bản khoa học.

Tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ cao có phải biểu hiện của giáo dục tốt?

Đúng là tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ là một chỉ số quan trọng trong chất lượng giáo dục đỉnh cao, đặc biệt là các trường đại học theo hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, làm sao để đạt được tỷ lệ tiến sĩ cao là điều không đơn giản.

Do đó, thay vì dùng tiền ngân sách gửi nghiên cứu sinh ra nước ngoài trong khi hiệu quả không rõ ràng, Bộ GD&ĐT cần tạo ra một môi trường làm việc thích hợp, chính sách đãi ngộ mới mong sinh viên đại học tự cạnh tranh trở thành nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, điều kiện đó cũng có thể giúp Việt Nam giữ được tiến sĩ chất lượng cao làm việc trong nước hoặc chịu về nước giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học.

Ông Đinh Công Bằng từng là nghiên cứu sinh ở Đại học bang Florida (Mỹ). Hiện, ông Bằng là chuyên viên công nghệ thông tin của chính phủ Mỹ ở Florida.

Trong nhiều năm, ông đã hỗ trợ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ về lựa chọn trường, ngành nghề, tìm việc và định cư ở Mỹ sau khi tốt nghiệp.

Ông Bằng từng làm việc trong các dự án chính phủ tại Việt Nam và Mỹ, từng là admin của mạng VietPhD.org, nơi chia sẻ thông tin cơ hội học sau đại học ở nước ngoài.

Theo Theo Zing