Chuyện cơm áo của hai anh em mồ côi

TP - Sớm mồ côi mẹ, học hành dang dở nhưng nhờ nghị lực, ý chí vượt khó, hai anh em Trần Văn Thọ (sinh năm 1989) và Trần Văn Thực (sinh năm 1991) ở thôn Mão, Chi Lăng, Quế Võ, Bắc Ninh đã mở được xưởng gỗ, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.
Anh em Thọ (phải), Thực (trái) tại xưởng mộc do mình làm chủ Ảnh: Duy Ngợi

Khi Thực được 7 tháng tuổi, Thọ hơn 2 tuổi thì mẹ mất vì đuối nước. Lúc đó, cuộc sống gia đình trông chờ vào 6 sào ruộng khoán đã khó khăn càng thêm khốn cùng vì mưa bão gây ngập úng, mất mùa triền miên. Gia cảnh khó khăn nên học xong lớp 7, Thọ phải cùng chị gái vào miền Nam làm thuê cho một công ty may tư nhân. Suốt 5 năm đằng đẵng sống xa nhà, Thọ cùng chị gái cố gắng bươn bả, kiếm tiền để khắc phục khó khăn trước mắt và mong học được nghề may. 

Còn Thực, học xong cấp 2 thì lên Hà Nội làm cửu vạn. Nửa năm sau, thấy cảnh làm thuê bấp bênh, đầu tắt mặt tối mà tiền kiếm được chẳng là bao nên Thực về quê học nghề mộc.

Năm 2009, Thọ cũng về quê. Tiền công 5 năm tích góp được hơn 10 triệu đồng, Thọ mua máy về mở tiệm may tại nhà. Tuy nhiên, được một thời gian, thấy nghề may không hợp nên Thọ bàn giao xưởng may cho chị gái rồi cùng em trai ra Tiên Sơn (một trong những nơi có nghề mộc nổi tiếng ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) học nâng cao tay nghề. Một năm sau, hai anh em mồ côi về mở xưởng mộc dân dụng tại nhà.

Để mở xưởng mộc rộng 150m2, anh em Thọ, Thực phải vay ngân hàng. Số vốn ban đầu không nhiều, hai anh em chỉ mua máy cơ bản và một số nguyên liệu cần thiết nhất. Lúc mới mở xưởng, Thọ, Thực sản xuất đồ gia dụng cung ứng cho người dân địa phương nhằm lấy ngắn nuôi dài. Vừa làm hai anh em vừa học hỏi kinh nghiệm, học cách chọn loại gỗ, nắm bắt nguồn nguyên liệu, tìm kiếm thị trường. Để có gỗ đạt chất lượng, màu sắc đẹp, hai anh em thường đến làng gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn) hoặc sang Gia Bình tìm nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, ở quê không có nhiều thợ tay nghề cao nên mọi công việc đều do hai anh đảm nhiệm tất cả các khâu, tạo thành sản phẩm rồi giao bán… 

Dần dà, nhờ có tay nghề, nhiều mẫu mã đẹp nên uy tín của hai anh em được nâng lên, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Đặc biệt, xưởng mộc của hai anh em đã nhiều lần được Cty Sampo Vila của Hàn Quốc đóng ở KCN Quế Võ đặt hàng làm khay gỗ để đồ trang sức. Mới đây nhất vào tháng 10/2014, hai anh em lại nhận được đơn đặt hàng của Cty Sampo Vila với hơn 1.000 sản phẩm trị giá trên 50 triệu đồng. 

Từ tay trắng, với ý chí, quyết tâm dám nghĩ, dám làm, hai anh em đã làm chủ xưởng mộc có tiếng ở xã Chi Lăng với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho 4 - 5 lao động địa phương. Hai anh em Thọ, Thực dự tính mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm công nhân, dạy nghề cho đoàn viên, thanh niên có nhu cầu. Chỉ tay về phía căn nhà hai tầng khang trang do hai con trai xây dựng, ông Trần Văn Mức (sinh năm 1962), bố của Thọ - Thực nói: “Mới đầu hai đứa mở xưởng mộc, tôi cũng lo vì chúng nó còn ít tuổi, sợ không làm được. Giờ tôi yên tâm rồi”.

Năm 2013, anh Thực là một trong 2 thanh niên tiêu biểu của huyện Quế Võ dự lễ tuyên dương “Thanh niên làm kinh tế giỏi” của Tỉnh Đoàn Bắc Ninh. Đầu năm nay, Thực được Huyện Đoàn Quế Võ tặng danh hiệu “Thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác”.